Những sai lầm thường gặp trong sơ cứu thông thường

18/04/2023 00:06 GMT+7

Chuyên gia chỉ ra sau đây là những sai lầm thường gặp nhất trong việc xử lý các tình huống sức khỏe thông thường như chảy máu cam, bị bỏng hay bị nghẹn.

Trên chuyên trang chăm sóc sức khỏe WebMD, bác sĩ Jennifer Robinson (đang là cố vấn chuyên môn của công ty chăm sóc sức khỏe PAC Leaders, Mỹ) cho biết sau đây là một số sai lầm thường gặp khi thực hiện các sơ cứu thông thường.

Những sai lầm thường gặp trong sơ cứu thông thường - Ảnh 1.

Khi chảy máu cam hãy ngồi xuống và hơi nghiêng người về phía trước

Shutterstock

Ngả đầu về sau khi chảy máu cam

Nghiêng đầu ra sau khi chảy máu cam sẽ khiến máu bị đẩy xuống cổ họng, điều này có thể gây kích ứng dạ dày hoặc thậm chí khiến bạn nghẹt thở.

Bác sĩ Robinson cho hay tốt hơn hết là ngồi xuống và chỉ hơi nghiêng người về phía trước. Không nên nằm xuống và giữ đầu cao hơn tim để máu chảy chậm lại.

Bên cạnh đó, nên dùng ngón tay cái và ngón trỏ bóp mũi trong khoảng 5 phút (thở bằng miệng lúc này). Sau đó kiểm tra xem dòng chảy đã dừng chưa. Nếu mũi của bạn vẫn chảy máu sau 20 phút, hãy gọi cho bác sĩ hoặc nhờ trợ giúp y tế.

Bôi thuốc mỡ lên vết bỏng

Thuốc mỡ có thể khiến vết bỏng khó hạ nhiệt, và tăng nguy cơ gây nhiễm trùng. Thay vào đó, hãy để vết thương này dưới vòi nước mát từ 5-10 phút. Sau đó, nhanh chóng đến gặp bác sĩ hoặc đi cấp cứu nếu vết bỏng có kích thước lớn hơn bàn tay hoặc bị bỏng ở các bộ phận nhạy cảm như cổ, mặt…

Cứ vỗ mạnh vào lưng là chữa được nghẹn

Cũng theo bác sĩ Robinson, bạn nên nắm chắc kỹ thuật vỗ lưng chữa nghẹn để tránh gây tổn thương không cần thiết cho nạn nhân. Cụ thể, nên uốn cong phần trên của người đang bị nghẹn về phía trước và dùng tay kia đỡ ngực của họ. Sau đó mới đánh một lực vừa phải vào giữa hai bả vai nhiều lần.

Lưu ý, không đánh vào lưng người bị nghẹn nếu họ đang đứng thẳng. Điều này có thể đưa thức ăn đang bị kẹt đi sâu hơn vào khí quản của nạn nhân.

Nếu vẫn chưa tống được vật gây nghẹn ra ngoài, đồng thời nạn nhân bắt đầu có dấu hiệu không thể nói, khó thở, ho mạnh thì cần thực hiện ngay thao tác Heimlich.

Theo hướng dẫn từ Hiệp hội tim mạch Mỹ (AHA), người cấp cứu đứng phía sau, vòng hai cánh tay quanh phần bụng của nạn nhân. Một tay nắm chặt và đặt vào đường giữa rốn và mũi ức (phần cuối của xương ức). Trong khi tay còn lại nắm chặt lấy phần nắm đấm của tay kia. Sau đó, thực hiện thao tác đẩy mạnh nắm đấm theo hướng lên trên (theo chiều lên miệng nạn nhân). Thực hiện nhiều lần để tống dị vật ra ngoài.

Cũng cần lưu ý rằng nếu nạn nhân là người bị béo phì hoặc phụ nữ đang mang thai, cần thay thao tác đẩy bụng bằng đẩy lồng ngực.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.