Từ muôn ngả, các lớp thuộc khoa Ngữ văn Trường đại học sư phạm Huế (tiền thân là Ban Việt - Hán thuộc khoa Sư phạm, Viện đại học Huế) trở về với cái nôi ngày xa xưa ấy. Lớp tôi có gần 40 bạn, nay 4 người đã bay với mây trời, một số thì vì nhiều lý do khác nhau không về được, còn lại 21 người í ới nhau từ cầu Tràng Tiền ngược dòng Hương lên một khu nghỉ dưỡng trên đường Minh Mạng để gặp gỡ, thức thâu đêm hàn huyên, nhỏ to chuyện nhà, chuyện trường lớp và chuyện đời.
Cựu sinh viên lớp Văn 4A khóa 1983-1987, khoa Ngữ văn - Đại học Sư phạm Huế về họp mặt sau 35 năm ra trường |
BÍCH ĐÀO |
Thầy cô ngày ấy cũng đã vơi dần theo ngày tháng. Ba thầy cô đến dự được với lớp thì trong đó 2 người đã trên 80 tuổi. Thầy trò, tóc đã bạc đuổi dần theo nhau trên con đường đời, mà trong buổi gặp mặt, tôi cứ ngẩn ngơ nhìn quanh và hình dung ấy là những sợi tơ trời mỏng manh mây trắng, tự đâu kéo nhau về trong căn phòng nhỏ để ôn lại những buổi sắn khoai lót lòng thời bao cấp, một thuở chẳng ai biết và trả lời được câu hỏi trong khoảnh khắc chia tay rời trường ra đi, với niềm vấn vương liệu có còn gặp lại?
Nhưng nói như người miền Trung, “những ông những mệ” của bây giờ vẫn hát, cười đùa hồn nhiên, gửi gắm trong nhau những lời động viên vượt khó. Y như ngày xưa khi nhận được quyết định ra trường đi khắp các nẻo đường Tổ quốc, vẫn nhắn nhủ nhau những câu yêu thương trước lúc lên rừng xuống biển.
Mới hay, sống với câu ngân vọng bên tai của bạn bè đồng môn đôi khi đã giúp ta vượt qua bao giông bão cuộc đời. Có gì đói khổ hơn thời sinh viên trong bốn bức tường cư xá ngày ấy, có gì kham khổ hơn đồng lương bèo bọt của tuổi thanh xuân đứng trước đám học trò đói chữ? Và có gì là không vượt qua được khi vẫn văng vẳng lời thầy cô tiễn cả lớp mùa hè 35 năm trước, rằng “các anh chị hãy bay đi và trước ngọn gió mạnh cuộc đời, hãy vững tin vào nghề, hãy thắp lên ngọn lửa trong mỗi mái đầu xanh thơ trẻ, rồi mai sau các anh chị sẽ nhận được niềm vui hạnh ngộ”!
Buổi chiều trên đồi Vọng Cảnh |
BÍCH ĐÀO |
Bây giờ, thầy cô giáo đều đã qua tuổi thất thập từ lâu, lớp sinh viên hầu hết cũng đã về hưu. Người sống an nhàn, người còn vất vả với đủ thứ lo toan, nhưng khi nhìn những bức ảnh hiển lộ qua chiếc điện thoại nhỏ bé, với nụ cười vui sướng và giọt nước mắt hạnh phúc xen lẫn với tà áo dài nữ sinh, áo trắng nam sinh loáng trong ánh trắng ngà của chiếc nón bài thơ chiều Huế, khi về thăm lại ngôi trường cũ hay đón hoàng hôn ở một góc đồi Vọng Cảnh, bên vạt thông già tôi lại bâng khuâng với hai câu thơ viết vội của anh bạn lớn hơn tuổi mình, đã từng là lính biên giới phía Bắc về học sư phạm, rằng: “Còn đâu lụa bạch tơ tằm. Người đi giữ mộng trăm năm mất rồi!”.
Đại diện lớp tặng hoa tri ân quý thầy cô đã từng dạy dỗ |
BÍCH ĐÀO |
Mới hay, với dấu mốc trăm năm đời người vốn dĩ người xưa quan niệm, những hồi ức thiếu thốn của 4 năm sinh viên ngày ấy đọng lại rất sâu, xếp nằm bên cạnh hành trang chữ nghĩa được vun đắp, mang theo luôn nặng trĩu. Đằm sâu hơn, là lúc anh bạn lớp trưởng, ngày xưa vốn là cán bộ sư phạm đi học, buổi sáng đã lặn lội xuống chợ Bến Ngự mua về nhà một rổ sắn khoai hí hoáy luộc, với một câu mời tếu táo: “Có gì đậm chất kỷ niệm thời cư xá sinh viên bằng rổ khoai sắn ni. Mời các bạn ăn để hồi tưởng, để nhớ…”.
Huế - Sài Gòn cuối tháng 4.2022
Bình luận (0)