Những tác phẩm Hollywood tôn vinh văn hóa châu Á

29/08/2021 01:00 GMT+7

Ngày 3.9, bom tấn Shang-Chi and the Legend of the Ten Rings sẽ ra rạp Bắc Mỹ. Tác phẩm Hollywood này nhắc nhớ về những dự án nổi bật trước đó từng làm về văn hóa châu Á.

Bom tấn Shang-Chi and the Legend of the Ten Rings do nhà làm phim Destin Daniel Cretton chỉ đạo được trông đợi vì các trang tin nước ngoài nhấn mạnh đây là câu chuyện gốc của hãng Marvel, tức chưa có các phần phim tiền truyện hay phần tiếp theo như các dự án khác nằm trong "vũ trụ điện ảnh" Marvel (MCU). 
Trong Shang-Chi and the Legend of the Ten Rings, nam diễn viên Lưu Tư Mộ (Simu Liu) vào vai Shang-Chi, một siêu anh hùng tinh thông võ thuật Trung Hoa, chạy trốn khỏi di sản của cha là ác nhân Văn Vũ/The Mandarin do tài tử Lương Triều Vỹ đóng. Bên cạnh hai ngôi sao này, phim còn quy tụ dàn diễn viên châu Á/gốc Á như Dương Tử Quỳnh, Trần Pháp Lai, Awkwafina...
Phim được chuyển thể từ nhân vật cùng tên trong truyện tranh Marvel Comics. Theo những bài đánh giá sớm trên trang Rotten Tomatoes, phim có nhiều yếu tố châu Á, tuy vậy vẫn chiêu đãi người xem bằng những pha hành động mãn nhãn và đồ họa ấn tượng. Phim hiện được chấm 91% trên Rotten Tomatoes, được đa số nhà phê bình điện ảnh khen ngợi về hình thức lẫn nội dung. 
Bom tấn Shang-Chi and the Legend of the Ten Rings là một trong những dự án mới nhất của Hollywood làm về văn hóa châu Á. Trước đó Hollywood cũng từng có những tác phẩm tương tự khi bày ra những yếu tố Đông - Tây trong phim ảnh với những điểm nhìn khác nhau, từ đó cùng khán giả đối thoại về những vấn đề tưởng cũ nhưng chưa bao giờ cũ. Dưới đây là những tác phẩm nổi bật:

Raya and the Last Dragon

Cảnh đấu võ trong phim Raya and the Last Dragon được lấy cảm hứng từ võ thuật cổ truyền Đông Nam Á

Ảnh: Disney

Cũng đề cập đến văn hóa châu Á, các môn võ cổ truyền và có cả rồng thiêng, phim Raya and the Last Dragon (2021) của các đạo diễn Don Hall, Carlos López Estrada là câu chuyện gay cấn, nhiều xúc động về trách nhiệm, gia đình.
Các yếu tố văn hóa Đông Nam Á hiện diện trong phim đến từ các quốc gia như Việt Nam, Thái Lan, Lào, Brunei, Myanmar, Campuchia, Singapore... Có thể kể ra những chi tiết đặc sắc mang đậm tinh thần Đông Nam Á trong phim như các nhân vật ăn bánh tét, thanh long, sầu riêng, măng cụt, con gọi đấng sinh thành là "ba", hình thức chợ đêm "pasar malam", những thân tre vươn cao thành rừng hay hình ảnh rồng thiêng với thân hình uốn lượn mềm mại được lấy cảm hứng từ linh vật rắn thần Naga. Các nhà làm phim dành nhiều tâm huyết để cố gắng "thổi" được hơi thở Đông Nam Á vào phim. 

Minari 

Phim Minari đào sâu vào vấn đề "căn cước văn hóa"

Ảnh: A24

Không đánh đấm mãn nhãn, không phép thuật hay đền đài nguy nga tráng lệ như 2 phim trên, phim Minari (2020) của đạo diễn Lee Isaac Chung là nốt nhạc trầm làm bật lên vấn đề bản tính văn hóa, hành trình xác lập một chỗ đứng của những người di cư Hàn Quốc trên đất Mỹ thập niên 1980. Tác phẩm đến từ hãng A24 thắng giải Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất tại giải Quả cầu vàng lần thứ 78 mặc dù đây là phim của Mỹ

Crazy Rich Asians

Phim Crazy Rich Asians tràn ngập những cảnh tiêu tiền xa xỉ của giới thượng lưu

Ảnh: Warner Bros.

Tác phẩm Crazy Rich Asians (2018) của đạo diễn Jon M. Chu do hãng Warner Bros. phát hành, khám phá cách mà giới thượng lưu giàu "nứt đố đổ vách" của châu Á "đốt tiền" như thế nào để có được cuộc sống mong muốn, trọn vẹn. Phim theo chân nữ giáo sư kinh tế học Rachel Chu (Constance Wu đóng) cùng với bạn trai là Nick Young (Henry Golding hóa thân) đến Singapore để ăn cưới và cô nàng đã choáng ngợp trước độ giàu có của gia đình Nick. 
Ngoài Constance Wu, Henry Golding, phim còn có dàn diễn viên châu Á/gốc Á tham gia diễn xuất như Dương Tử Quỳnh, Awkwafina, Ken Jeong. Phim có kinh phí sản xuất 30 triệu USD nhưng tổng doanh thu toàn cầu lên đến hơn 238 triệu USD. 

The Farewell

Tác phẩm The Farewell chứa đựng nhiều điểm nhìn của các thế hệ

Ảnh: A24

Bộ phim The Farewell (2019) của đạo diễn Lulu Wang là câu chuyện xúc động của một gia đình Trung Quốc cố gắng không nói ra sự thật về căn bệnh ung thư của người bà. Trong khi đó, cô gái Billi (Awkwafina đóng), vốn nhiều năm sống ở Mỹ và lớn lên dưới văn hóa Mỹ, lại cảm thấy chuyện che giấu bệnh tình của bà là khó chấp nhận.
Ẩn bên dưới các khung hình là những xung đột văn hóa, xung đột điểm nhìn đến từ các thế hệ; tuy nhiên, khán giả thấu hiểu và cảm thông với những xung đột ngầm ẩn mà phim gợi nên, từ đó nhắc nhở người xem về tình cảm gia đình vượt qua mọi rào cản và biên giới. Phim được chấm đến 97% trên trang Rotten Tomatoes, các nhà phê bình phim phương Tây tỏ ra yêu thích tác phẩm phản ánh nét văn hóa châu Á này. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.