Những tác phẩm kinh điển về bảo vệ Tổ quốc

31/08/2018 08:32 GMT+7

Những tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh được giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước năm 2016 được giới chuyên môn đánh giá là kinh điển với đề tài bảo vệ Tổ quốc.

Trong ánh chớp lửa đạn
Cố nhà báo Lương Nghĩa Dũng tiếp tục được ghi nhận với giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2016, sau khi nhận giải thưởng Nhà nước năm 2007. Gia đình ông và TTXVN đã hợp tác xuất bản cuốn sách ảnh Việt Nam trong ánh chớp lửa đạn, gồm gần 200 ảnh từ hơn 2.200 bức ảnh của ông được lưu lại.
Giờ đây, nhóm tác phẩm Những khoảnh khắc để lại của ông được trưng bày tại triển lãm Tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh của các tác giả được giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước 2016. Công chúng nhờ đó được xem lại những bức ảnh ống kính chĩa thẳng vào bom đạn chớp lửa, những bức ảnh được chụp bằng cả tài năng và lòng quả cảm của ông Dũng. Như thế, họ cũng dễ hiểu hơn vì sao đây chính là phóng viên ảnh chiến trường được chính các đồng nghiệp phương Tây đánh giá rất cao. Ảnh của Lương Nghĩa Dũng được hai nhà nhiếp ảnh Mỹ Horst Faas và Tim Page tuyển chọn in trong cuốn sách ảnh Hồi niệm (Requiem) xuất bản tại Mỹ 1997.
Những tác phẩm kinh điển về bảo vệ Tổ quốc1
Biệt động Sài Gòn của tác giả Lâm Tấn Tài
Có thể thấy tinh thần bảo vệ Tổ quốc là cảm hứng xuyên suốt trong các tác phẩm của triển lãm với nhiều chất liệu, màu sắc văn hóa. Họa sĩ Cổ Tấn Long Châu có cụm tranh ký họa về kháng chiến chống Mỹ với những trận đánh, con người cụ thể. Họa sĩ Nguyễn Bích lại mượn chuyện xưa để nói về lòng yêu nước nồng nàn qua truyện tranh Sát Thát - bộ truyện được xem là bước đột phá của truyện tranh VN. Họa sĩ Bửu Chỉ, tác giả đồ họa xuất sắc, có bộ tranh Tiếng thét từ lòng đất được ông vẽ khi bị địch bắt giam.
Không chỉ là những khúc tráng ca, triển lãm còn có những phút ngưng đọng rưng rưng với cụm tác phẩm Tang lễ Chủ tịch Hồ Chí Minh của nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Hữu Cấy, hay phút bình yên ngọt ngào trong cụm tác phẩm Hậu phương thời chiến của nghệ sĩ Mầu Hoàng Thiết. Ở đó, tình dân thương Bác, lòng dân yêu nước cứ chảy tha thiết qua những khuôn hình tiễn trai làng đi nhập ngũ vào mùa xuân, hay cùng nhau lập vựa ngô trong kháng chiến chống Mỹ.
Lo lắng việc lưu trữ
Bà Trần Thị Thu Đông, Phó cục trưởng Cục Mỹ thuật nhiếp ảnh (Bộ VH-TT-DL), cho biết rất may nhiều tác phẩm được giải thưởng đã có trong bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật VN. Chính vì thế, bảo tàng đã cho ban tổ chức triển lãm mượn số hiện vật này. Một số tác phẩm khác lại mượn từ bảo tàng địa phương, chẳng hạn tác phẩm của họa sĩ Lê Lâm phải mượn từ Bảo tàng Bến Tre. “Chỉ có tác phẩm của họa sĩ Bửu Chỉ là không có bản gốc”, bà Đông nói.
Tuy nhiên, việc lưu trữ lại không phải là câu chuyện của riêng triển lãm này. Hiện tại, với tác phẩm nhiếp ảnh, câu chuyện lưu trữ phức tạp hơn nhiều. “Trừ tác phẩm của các nhà báo chiến trường của TTXVN, với số còn lại, việc bảo quản do các nhiếp ảnh gia tự lo”, ông Vũ Quốc Khánh, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh VN, nói.
Những tác phẩm kinh điển về bảo vệ Tổ quốc2
Vựa ngô thời chiến tranh của tác giả Mầu Hoàng Thiết
Những tác phẩm kinh điển về bảo vệ Tổ quốc3
Tác phẩm Hoa biển của họa sĩ Đỗ Sơn
Vì thế theo ông, điều này sẽ gây khó khăn cho việc bảo quản tác phẩm. Phần lớn tác phẩm được giải đều là ảnh chụp bằng phim. “Nếu là phim thì bảo quản phải rất kỹ lưỡng về cả nhiệt độ và độ ẩm. Ở TTXVN, việc bảo quản rất tốt, bảo đảm kỹ thuật. Nhưng các nhiếp ảnh gia khác không ở TTXVN như ông Nguyễn Hữu Cấy, Mầu Hoàng Thiết thì không được như vậy. Ông Thiết cũng đang có ý cung cấp tác phẩm cho Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh để bảo vệ phim gốc. Việc đưa phim để lưu giữ ở đâu, chúng ta phải tôn trọng quyết định của tác giả”, ông Khánh nói. 
Triển lãm Tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh của các tác giả được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà nước năm 2016 tổ chức từ 30.8 - 8.9 tại Bảo tàng Mỹ thuật VN. Triển lãm có tác phẩm của 2 tác giả được giải thưởng Hồ Chí Minh là nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo, nhà báo Lương Nghĩa Dũng và 11 tác giả được giải thưởng Nhà nước gồm: họa sĩ Nguyễn Bích, họa sĩ Cổ Tấn Long Châu, họa sĩ Bửu Chỉ, nhà điêu khắc Phan Gia Hương, họa sĩ Lê Lam, nhà điêu khắc Nguyễn Văn Quế, họa sĩ Đỗ Sơn, NSND Nguyễn Hữu Cấy, NSNA Hứa Thanh Kiểm, NSNA Lâm Tấn Tài, NSNA Mầu Hoàng Thiết. Cùng với tác phẩm được giải thưởng, triển lãm cũng có thêm một số tác phẩm sáng tác thời kỳ sau này của một số nghệ sĩ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.