Lục Đình Trung, tài xế lái taxi của Công ty Vinasun, khi được hỏi về việc tự giác trả lại tài sản cho hành khách bỏ quên trên xe chỉ nói đơn giản: “Mình chỉ nghĩ đó là điều đúng, cần phải làm”.
tin liên quan
Khách bỏ quên gần trăm triệu trong taxi sân bay, được tài xế trả lạiKhách đón xe tại ga quốc nội, sân bay Tân Sơn Nhất về Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Sau khi trả khách, anh về lại bãi đổ tại sân bay Tân Sơn Nhất thì phát hiện hành khách để quên túi xách, bên trong có 93.600.000 đồng.
Chuyện diễn ra vào rạng sáng 11.11.2016, anh Trung lái chiếc taxi 4 chỗ của mình về điểm rửa xe chờ giao ca. Trong lúc vệ sinh nội thất xe anh phát hiện rất nhiều tờ tiền mệnh giá 500.000 đồng vương vãi trên sàn xe, tổng cộng lên đến 32 triệu đồng.
Phán đoán đây là số tiền của khách đi chuyến xe cuối cùng đánh rơi trên xe, ngay lúc đó anh Trung đã thông báo vụ việc và chuyển số tiền về công ty nhờ bộ phận tư vấn xử lý và hỗ trợ khách hàng, trao lại cho khách hàng.
Sống với nghề đã 11 năm, chuyện trả lại tiền, đồ đạc cho khách với anh Trung xảy ra nhiều lần. Có lần là điện thoại, túi xách, ba lô… và tiền lên đến hơn 60 triệu đồng. Anh đã nhiều lần được nhận giấy khen của công ty về những việc này. “Được khen thưởng dĩ nhiên là vui nhưng cái quan trọng là mình nghĩ đến niềm vui của khách hàng khi họ nhận lại được tiền, vật đã mất. Điều đó làm mình thấy hạnh phúc”, anh Trung tâm sự.
Hỏi tại sao không “tham” vì rõ ràng số tiền khách để quên trên xe rất lớn, anh Trung nói, đúng là anh lao động vất vả cả tháng trời cũng chỉ được chừng chục triệu đồng về nuôi vợ con. “Thấy tiền cũng thích lắm nhưng mình nghĩ người ta cũng kiếm ra tiền vất vả như mình; sao mình có thể lấy của họ làm của mình? Vì thế phải trả họ thôi. Hơn thế nữa, mình nghĩ ba mẹ đặt cho mình tên Trung cũng là mong muốn mình sống trung thực”, anh cười.
tin liên quan
Tài xế taxi trả lại 100 triệu đồng cho khách Việt kiều để quênNgày 17.11, Công ty TNHH Mai Linh Thanh Hóa đã tặng bằng khen cho tài xế Tô Văn Tài (29 tuổi, ngụ P.Đông Thọ, TP.Thanh Hóa) vì đã trả lại 100 triệu đồng cho khách.
Xuất thân từ quê lên thành phố lập nghiệp nên nhiều khi gặp khách hàng là người già, có vẻ khó khăn ở quê lên thành phố khám bệnh anh thường không lấy tiền.
Anh Trung chia sẻ: “Cuộc đời này mình thấy cũng thú vị lắm, cứ sau mỗi lần làm việc tốt là mình thấy công việc gặp nhiều may mắn lắm như: chạy rất đắt hơn ngày thường và hay được khách bo hậu hĩnh. Nên mình nghĩ cứ sống cho đúng mực sẽ được hưởng xứng đáng. Có lần mình chở 2 khách Tây từ khu vực trung tâm thành phố ra sân bay. Lúc đó họ rất lo lắng vì đã trễ giờ lại còn vào lúc cao điểm kẹt xe. Mình đã cố gắng lựa đường ngắn nhất và ít kẹt xe nhất để đi. Kết quả là ra đến đó vẫn còn kịp. Họ mừng quá và bo luôn cho mình 100 USD. May mắn lớn hơn là trước giờ mình cũng ít gặp những bất trắc trong nghề nghiệp như khách hàng quỵt tiền hay tai nạn...”.
Anh Trung là người Đắk Lắk, xuống Sài Gòn học cao đẳng với nghề cơ khí. Ra trường đi làm lương không đủ sống. Thấy người quen làm nghề lái taxi thu nhập khá, anh Trung giấu cha mẹ vay tiền bà con, bạn bè đi học lái xe. Đến thời điểm này anh đã mua được nhà ở Sài Gòn để gầy dựng tổ ấm gia đình với người vợ là nhân viên y tế của một trường cấp 2 và đứa con gái 5 tuổi.
“Tôi sẽ tiếp tục làm việc đúng, tốt khi có cơ hội để cầu mong toại nguyện và để đức lại cho con cháu sau này”, anh Trung cười hiền.
Bình luận (0)