Nếu sống một thời gian đủ lâu ở TP.HCM - thành phố rộng hơn 2.095 km2 , bạn có thể dễ dàng di chuyển từ nơi này sang nơi khác trên những tuyến đường quen thuộc mà không cần nhìn bản đồ. Ngoài những trục đường chính, hệ thống các đường nhỏ, nhánh hẻm cũng rất dày đặc giúp kết nối hiệu quả các địa điểm.
Thông thường, chỉ người dân quen sống ở một khu vực nào đó mới biết cách tận dụng "ma trận" hẻm để "chặt hẻm " giúp tiết kiệm thời gian, tránh "chôn chân" do kẹt xe tại các trục đường chính vào giờ cao điểm.
Để hỗ trợ những "lái mới" chưa quen đường, nhiều nơi ở TP.HCM đặt những tấm bảng hướng dẫn rẽ vào các hẻm, đường nhỏ hơn.
"Chặt hẻm né kẹt xe" Xô Viết Nghệ Tĩnh (Q.Bình Thạnh) là một trong những con đường kẹt xe quanh năm vào giờ cao điểm. Đoạn từ ngã tư Bạch Đằng đến ngã 5 Đài Liệt Sĩ xảy ra 615 lần ùn tắc trong 9 tháng đầu năm 2024 theo thống kê của Sở GTVT TP.HCM.
Một số bảng chỉ hướng ra đường Đinh Bộ Lĩnh đặt trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh và ngược lại như trong hình giúp người dân tiết kiệm thời gian, tránh kẹt xe.
Thực tế, những con hẻm, con đường nối giữa đường Xô Viết Nghệ Tĩnh và Đinh Bộ Lĩnh khá hẹp, chỉ rộng khoảng hơn 1 m như thế này.
Hẻm nhỏ chỉ vừa 2 xe máy đi ngược chiều qua lại nhưng luôn nhộn nhịp vào giờ cao điểm.
Trên đường Trường Chinh (Q.Tân Bình) có bảng hướng dẫn người tham gia giao thông cách đi tắt đến đường Lý Thường Kiệt (Q.10) mà không cần di chuyển đến đoạn ngã tư Bảy Hiền, giúp giảm lượng xe cộ tập trung đến đây giờ cao điểm.
Bảng chỉ cách "chặt hẻm" từ đường Cách Mạng Tháng 8 ra đường Nghĩa Phát (Q.Tân Bình).
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Màu sắc bắt mắt, nội dung rõ ràng giúp người dân dễ nhận biết và đi theo hướng dẫn.
Một tấm bảng hướng dẫn đi tắt qua hẻm 633 đường Lạc Long Quân để ra đường Âu Cơ (Q.11) một cách nhanh nhất.
Tại ngã ba đường Bảy Hiền và Lạc Long Quân (Q.Tân Bình), bảng chỉ dẫn "Hướng xe ra đường Phạm Phú Thứ" để đi qua khu vực đường Bàu Cát, Âu Cơ, Luỹ Bán Bích... ở Q.Tân Phú, tránh ùn tắc tại đường Trường Chinh - Âu Cơ.
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Ông Nguyễn Duy Hùng (63 tuổi) - một bảo vệ ở khu vực đường Đỗ Xuân Hợp (TP.Thủ Đức) cho biết cơ quan chức năng đặt bảng hướng dẫn như trên giúp người dân có thêm sự chọn lựa đường đi, giảm bớt lượng phương tiện đông gây ùn tắc ở đây.
Đường là của chung Người dân đi vào một con "hẻm không tên" nối giữa đường Nguyễn Xiển và Nguyễn Văn Tăng (TP.Thủ Đức) tránh kẹt xe. "Khoảng 2 năm nay, người khắp nơi đổ về khu vực này sống rất đông nên hầu như sáng nào ở đây cũng ùn tắc khoảng 1 tiếng", anh Nguyễn Nam sống tại đường Nguyễn Xiển cho hay.
Người lạ ra vào thường xuyên, cuộc sống của người dân trong hẻm cũng có nhiều bất tiện như: tiếng xe cộ ồn ào, đường hẹp, quanh co nhiều góc khuất tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông...
Bảng cảnh báo trong con hẻm trên đường Chu Văn An (Q.Bình Thạnh) giúp người dân chú ý cẩn thận khi di chuyển.
Hẻm 342 đường Xô Viết Nghệ Tĩnh là chọn lựa của nhiều người khi cần đến đường D5, Nguyễn Gia Trí, Ung Văn Khiêm (Q.Bình Thạnh) vào giờ cao điểm.
Hẻm 213 trên đường Nơ Trang Long (Q.Bình Thạnh) chỉ dẫn cụ thể thứ tự các số nhà có trong hẻm giúp ích cho các shipper và người lạ tìm đường.
Cách hẻm 213 không xa, ngoài bảng tên hẻm do cơ quan chức năng đặt bên trái, người dân treo thêm tấm bảng tự chế bên phải, giúp người đi đường dễ nhận biết.
Người dân sống trong các hẻm thông suốt nối đường này với đường kia cho biết đã quen và chấp nhận với cảnh đông đúc mỗi sáng, chiều vào giờ cao điểm vì "đường là của chung". Chị Thanh Tuyền, người sống trong hẻm 5, đường 19 (TP.Thủ Đức) chia sẻ: "Khoảng 1 năm nay, hẻm này trở thành lối đi tắt của nhiều người sống ở khu vực đường Nguyễn Xiển vì mát mẻ, có nhiều cây và tránh được kẹt xe. Tuy nhiên, xe cộ qua lại đông hơn nên đường bê tông ở đây cũng bắt đầu hư hỏng".
Bình luận (0)