Những tấm gương Nick Vujicic

25/07/2013 03:20 GMT+7

Tàn nhưng không phế, điều này đã được chứng minh hùng hồn tại Giải thể thao người khuyết tật toàn quốc 2013 khai mạc vào hôm qua.

Tàn nhưng không phế, điều này đã được chứng minh hùng hồn tại Giải thể thao người khuyết tật toàn quốc 2013 khai mạc vào hôm qua.

Tiếng súng vừa dứt, tít tắp phía đường đua, người ta đã nhìn thấy bóng dáng quen thuộc của Trần Phúc Đạt (30 tuổi, quê Hưng Yên) gò lưng bên chiếc xe lăn đang lao vun vút. Mồ hôi túa ra đầm đìa trong cái nắng chang chang, môi bặm lại, đôi tay cơ bắp của Đạt xoay thật nhanh những vòng xe. “Thắng rồi!”, bạn bè anh đứng san sát bên vòng ngoài của đường đua hét lên. Đạt trở thành VĐV đầu tiên của Hà Nội có HCV bộ môn điền kinh nội dung đua xe 5.000 m. Chàng trai với đôi chân không bình thường sau một tuổi thơ u ám đến với điền kinh năm 2004. “Mỗi ngày tôi phải dậy từ 5 giờ để tự đi xe máy từ thị trấn Như Quỳnh lên trung tâm Khúc Hạo tập luyện, tối lại về. Chân tay xây xát khắp nơi. Nhiều lần ngã, đau lắm. Nhưng bây giờ bảo tôi rời xa đường đua thì không sống nổi”, Đạt chia sẻ.

Trần Phúc Đạt (ngồi, bên trái) sau khi giành HCV điền kinh đầu tiên cho Hà Nội - d
Trần Phúc Đạt (ngồi, bên trái) sau khi giành HCV điền kinh đầu tiên cho Hà Nội
- Ảnh: Thúy Hằng
 

Đứng trên bục gỗ đánh số 1, được khoác trên vai một tấm huy chương vàng và nhận từ tay một cô gái dưới sân khấu một bông hoa hồng, VĐV bơi lội Lê Văn Lãnh (28 tuổi, quê Hậu Giang) cười bẽn lẽn. Đôi chân bị teo cơ từ lúc mới sinh, Lãnh chỉ biết đếm những ngày buồn với nghề đánh cá sông rạch miền Tây cho đến khi gặp được VĐV Võ Thanh Tùng cùng cảnh ngộ. Về đầu quân cho hội thể thao người khuyết tật TP.HCM từ đầu năm nay, Lãnh đã khiến cả ban huấn luyện bất ngờ với tấm HCV đầu tiên ở nội dung 50 m bơi tự do. “Tôi quen được nhiều người hơn. Biết thế giới quanh mình không chỉ là sông rạch. Tôi thấy tôi không hề vô dụng”, Lãnh chân thành.

Cùng ngồi dưới hàng ghế khán giả với chúng tôi tại cung điền kinh Mỹ Đình chiều 24.7, khi trọng tài còn chưa thổi còi kết thúc séc đấu đầu tiên nội dung đồng đội nam cầu lông, một lãnh đạo trong ngành ngân hàng bỗng đứng vụt dậy, giọng gay gắt: “Các nhân viên của tôi phải đến ngay đây để xem những người khuyết tật vượt lên hoàn cảnh như thế nào”. Trong sân, VĐV bị teo một bên chân Phạm Quốc Trung (38 tuổi, quê Sơn La), người liên tiếp đoạt HCV, HCB qua các kỳ Paragames, vô địch quốc gia, vô địch châu Á đang có những cú bỏ nhỏ khéo léo kỳ lạ. “Khi bạn buồn đến đâu, cũng đừng nghĩ đến cái chết, hãy nhìn vào chúng tôi đã đứng lên với đôi chân không lành lặn như thế nào”, Trung bày tỏ.

Nói như ông Phạm Văn Tuấn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, tân Chủ tịch Hiệp hội Thể thao người khuyết tật VN: “Đến xem người khuyết tật thi đấu thể thao - những tấm gương Nick Vujicic của VN, không phải xem thành tích họ đạt được, mà để học những bài học về nghị lực. Người khuyết tật dạy lý tưởng sống cho những người lành lặn nhưng tâm hồn đang khiếm khuyết”.

Giải thể thao người khuyết tật toàn quốc 2013 tổ chức tại Trung tâm huấn luyện và thi đấu TDTT Hà Nội từ ngày 22 - 28.7 với 27 đoàn và gần 1.000 VĐV tham gia. Các VĐV có thành tích xuất sắc trong giải sẽ tham dự Đại hội thể thao người khuyết tật trẻ châu Á diễn ra vào tháng 10.2013.

Thúy Hằng

>> Gặp gia đình thần tượng của làng thể thao người khuyết tật
>> Khai mạc Đại hội thể thao Người khuyết tật châu Á 2010
>> Hội thao người khuyết tật toàn quốc 2009: Nhiều thành tích ấn tượng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.