Bởi, suốt nhiều năm nay, nhóm luôn bận rộn với công tác thiện nguyện, góp phần chăm lo đời sống bà con vùng biên.
Anh Đỗ Minh Thắng (trái) trao quà cho bà con khó khăn |
NVCC |
Nối vòng tay đùm bọc những mảnh đời khó khăn
Hướng Hóa là một huyện miền núi, biên giới nằm ở phía tây của tỉnh Quảng Trị. Trung tâm huyện là thị trấn Khe Sanh. Song, từ thị trấn hơi đông đúc này, chỉ cần di chuyển 2-3km, bạn sẽ thấy một cuộc sống rất khác, cuộc sống bấp bênh của những người dân vùng cao. Càng đi sâu vào từng bản làng, đời sống người dân càng khó khăn. Nước sạch, cơm có thịt, quần áo mới đều là những thứ xa xỉ.
Anh Đỗ Minh Thắng (sinh năm 1975, quê ở huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) đến Khe Sanh công tác đã 20 năm. Trong suốt từng ấy năm, anh thuộc nằm lòng từng ngóc ngách của huyện Hướng Hóa. Đi đến đâu, nhìn thấy những mảnh đời khó khăn, anh lại trăn trở. Lúc đầu, anh làm thiện nguyện theo hướng nhỏ lẻ, có gì cho đó. Sau này, khi công việc ổn định hơn, anh Thắng bắt đầu nghĩ đến việc làm thiện nguyện theo cách bền vững hơn.
Anh Thắng như là “ông bụt” của trẻ em vùng cao |
NVCC |
Biết sức mình không đủ để giúp đỡ bà con, anh cùng nhiều bạn bè, đồng nghiệp tập họp lại thành nhóm “Nối vòng tay thiện nguyện 74”. Từ đó, mỗi người một tay cùng đóng góp cho hành trình thiện nguyện với mong muốn giúp cho đời sống người dân ấm no hơn.
“Chúng tôi làm đủ thứ cho bà con, nào là tặng nhà tình thương, xây đường đến trường ở xã Húc, trao quà nhu yếu phẩm, quyên góp cho các em nhỏ được chữa bệnh, trao xe đạp,… Hoạt động tự phát nên không giới hạn, cái gì có thể chúng tôi đều cố gắng. Tiền túi có hạn thì kêu gọi thêm sự giúp sức từ cộng đồng, doanh nghiệp, người thân bạn bè”, anh Đỗ Minh Thắng chia sẻ.
Cho “cá” lẫn “cần câu”
Nhiều năm làm thiện nguyện, anh Đỗ Minh Thắng cho rằng: “Trước hết, cứ phải giúp bà con có cái ăn. Cơm chưa đủ no, áo chưa đủ ấm thì người ta khó mà nghĩ xa hơn. Sau đó, phải tạo điều kiện cho bà con làm ăn, cho trẻ em đến trường. Đó là con đường dài, gian nan nhưng cần thiết để cuộc sống dân làng tốt hơn”.
Sau cơn lũ năm 2020, nhóm “Nối vòng tay thiện nguyện 74” trao tặng 12.000 con giống cho 3 xã đặc biệt khó khăn của huyện là xã Hướng Phùng, Hướng Lập, Hướng Việt.
Hoạt động tặng con giống vật nuôi cho bà con |
NVCC |
Cũng trong sự kiện cơn lũ này, nhóm kết hợp với bộ đội biên phòng vượt lũ trao quà cho các xã bị chia cắt như xã Pa Tầng, xã Xy, xã AXing, đi đến từng bản để cung cấp lương thực, đưa xăng và máy nổ đến cứu trợ xã Hướng Việt, Hướng Lập. Nhóm vừa giúp đỡ về của cải, vừa hỗ trợ sức người khi cùng nhau sơ tán bà con đến nơi an toàn.
Hành trình yêu thương cứ thế nối dài. Nghe tin ở đâu có trường hợp cần giúp đỡ là anh Thắng cùng các cộng sự lại đến tận nơi xác minh, rồi về nghiên cứu cách giúp đỡ, quyên góp. Mỗi tháng anh trích 500.000 đồng từ lương của mình để “bỏ ống heo”, ngoài ra, anh cũng kêu gọi cộng đồng cùng giúp sức.
“Không đợi giàu rồi mới cho đi”
Bà con ở huyện Hướng Hóa đã quá quen với hành động đẹp của nhóm “Nối vòng tay thiện nguyện 74”. Cô Phạm Thị Quỳnh Nga – hiệu trưởng trường mầm non AXing cho biết: “Đời sống vật chất của bà con nơi đây còn nhiều cái khó, thu nhập ít lại còn bấp bênh nên việc đến trường của trẻ cũng không dễ dàng gì. Nhờ sự giúp đỡ của anh Thắng và nhóm thiện nguyện mà trường có máy lọc nước sạch, có giường lưới và rất nhiều dụng cụ học tập, quà tặng cho các em học sinh. Chúng tôi rất trân quý tấm lòng đó”.
Những hoạt động thiện nguyện “trao cần câu” góp phần cho cuộc sống người dân đỡ khó khăn hơn |
NVCC |
Anh Thắng nghe như vậy thì cười bảo: “Đợi đến lúc giàu mới làm từ thiện thì biết bao giờ. Cuộc đời thì ngắn, người cần giúp, việc cần làm thì nhiều. Mình cứ làm, cứ cho đi thì sẽ giàu thôi, không giàu vật chất nhưng giàu tấm lòng. Vợ tôi thấy tôi suốt ngày chạy đây chạy đó lo cho bà con cũng hết lòng ủng hộ nên tôi càng sung sức hơn. Chỉ mong trẻ em vùng này được đến trường đầy đủ, bà con khỏe mạnh, có công ăn việc làm là những người làm thiện nguyện như tôi thấy vui lắm rồi”.
Bình luận (0)