(TNO) Nghi do ma rừng bắt tội, cả làng bắt phải giết chết đứa trẻ, dân làng mới được yên. Thương con, người cha ôm con mình đang đêm bỏ làng, vượt rừng trốn đi…
A Trình và con gái Y Bích Thủy (bên trái) và con gái Y U Xin tên Y Thanh |
>> Những tập tục kỳ lạ ở Tây nguyên - Kỳ 1: Đâm trâu tạ ơn thần linh
Đó là câu chuyện buồn mà Thanh Niên Online đã nghe ba anh em nhà A Trình ở xã Đăk Môn, huyện biên giới Đăk Glei (Kon Tum) kể lại.Bi kịch 26 năm trước
Đến điểm làng Măng Lon, xã Đăk Môn, huyện Đăk Glei (Kon Tum) thì mặt trời cũng vừa nghiêng bóng qua chiều. Hỏi tìm nhà A Trình, một chủ quán của người Kinh hỏi: “A Trình con của A Chải, được cứu khỏi ma rừng phải không?". Nói rồi, chị chủ quan hướng dẫn tôi đến tận nhà A Trình. May mắn là chiều ấy, A Trình không đi rẫy, ở nhà chăm con để vợ Y Xuân chở em Y U Ni lên Trường trung học cơ sở nội trú dân tộc Đăk Glei nhập học.
Mời khách ngồi trên bức chiếu giữa nền nhà gạch, A Trình rót nước và kể về bi kịch của chính mình xảy ra 26 năm về trước. “Em lớn lên nghe mẹ kể lại, chứ thực sự làm sao em biết ai sinh ra mình…”. Nhìn ra ngọn đồi đưa từng cơn gió nhẹ kéo cái lạnh se se của rừng biên giới phả về làng, giọng A Trình đều đều.
Ngày đó, mẹ A Trình tên là Y Ẻ, còn cha là A Rang ở cùng làng Tà Pok, xã Đăk Nông, huyện Ngọc Hồi (Kon Tum) yêu nhau. Đợi cái ngày Y Ẻ lên rừng chặt đủ 100 bó củi hứa hôn đưa sang cho nhà trai, đôi trai gái này cưới nhau. Chưa đầy 1 năm, Y Ẻ cận ngày sinh con và bi kịch xảy ra.
Người làng tính ngày tính tháng, nói nhỏ nói to: nó có chửa trước đấy, cưới nhau chưa đầy năm đã đẻ rồi. Cái này thì trái với lệ tục người Giẻ ta rồi. Ma rừng bắt tội cả làng thôi. Cả làng đợi Y Ẻ đẻ xong sẽ bắt đứa trẻ giết đi, mang ra rừng cúng để ma rừng mang đứa trẻ đi.
A Rang và Y Ẻ ôm nhau khóc, thầm bảo nhau: mình không có “ăn cơm trước kẻng”, chỉ là thương nhau nên có con sớm thôi. A Rang cậy người đi năn nỉ làng. Thế nhưng xưa nay luật làng, tục người Giẻ là vậy, không tin chuyện cưới nhau chưa giáp năm đã đẻ và cứ thế “y án thi hành”.
Vào một đêm tối, Y Ẻ đẻ con ra. Cho con bú xong, Y Ẻ khóc, bảo chồng: “Mày ôm con đi đi. Nhớ cứu nó đấy… Làng hỏi thì tao có cách trả lời”. Thương đứt ruột, A Rang quấn con vào bọc rồi ôm con băng rừng khuya chạy tháo thân. Trưa hôm sau, A Rang đến làng Nú Con, xã Đăk Môn thì dừng lại.
Người làng ở đây không biết chuyện gì, chỉ thấy 2 cha con đi… lạc vào đây nên cho lên nhà rông trú tạm. Đồn xa đồn gần rồi chuyện “gà trống nuôi con” đến tai Y Chải, vốn là bộ đội giải ngũ về làng sinh sống. Y Chải tìm đến bảo: “Thằng cu bé quá, mày là đàn ông không có sữa đâu, cho tao về nuôi cho”. A Rang thấy con khóc khản tiếng vì đói, vì thèm sữa, biết mình có thương mấy cũng không nuôi nổi, nên khóc và đưa con cho Y Chải mang đi…
A Trình và di ảnh của mẹ nuôi Y Chải
|
Cùng phận thương nhau
A Trình bảo, khi đưa mình về, mẹ Y Chải đang làm công nhân của Lâm trường Đăk Ba, xã Đăk Môn nên ngày đủ 2 bữa ăn đã mừng lắm rồi. Thế nhưng, vào một chiều tối, lúc A Trình đã 6-7 tuổi, mẹ Y Chải lại bế thêm một đứa con gái đỏ hỏn về nhà bảo với chồng A Ngút: “Nhà mình có thêm đứa con nữa nhé”.
Cha nuôi A Ngút nhíu mày: “Không phải tao không thương lũ nhỏ, chỉ sợ nuôi không đủ cháo cơm”. Nói là vậy nhưng 2 vợ chồng vẫn cùng nhau chăm bẳm cho mầm non yếu ớt mới mang về và đặt tên là Y U Xin. Lúc này, A Trình cũng biết chăm em. Những ngày cha mẹ nuôi đi làm rẫy, làm ở lâm trường, A Trình lại lấy nước đường, cháo loãng cho em uống.
Chưa dừng lại ở đó, khoảng 4 năm sau khi bế Y U Xin về, mẹ Y Chải lại… bế thêm một bé gái về nữa để nuôi và đặt tên là Y U Ni.
Hỏi vì sao mẹ Y Chải lâu lâu lại… đưa con người khác về nuôi như thế? A Trình cười kể, bé Y U Xin là con của một phụ nữ người Kinh quê ở ngoài tỉnh Thanh Hóa đến sống tại làng Măng Lon, xã Đăk Môn. Khi về làng này sống, người này đã có 1 đứa con. Chuyện không chồng mà có con, dân làng luôn dị nghị, nhưng là người Kinh nên dần dần tiếng xấu cũng phai dần.
Thế nhưng đến khi đứa trẻ 3 tuổi, người phụ nữ nọ lại “không chồng mà chửa”, làng Măng Lon tỏ ra khó chịu ra mặt, rồi âm ỉ trong lòng, có trận bão lớn phong tục đang âm ỉ kéo về. Thế là, khi đi đỡ đẻ giúp người phụ nữ nọ, mẹ Y Chải đã đưa bé Y U Xin về nuôi.
Còn bé Y U Ni, số phận cũng không may mắn gì hơn. Mẹ Y U Ni mang bầu 2 đứa. Kỳ khai hoa, mẹ sinh khó, chỉ Y U Ni sinh ra được, người chị em song sinh không được chào đời, làm chết cả 2 mẹ con. Lúc này, theo phong tục, làng bắt Y U Ni chôn theo mẹ. Có điều, bất chấp luật tục, bà Y Chải cứu sống bé Y U Ni bằng cách đưa em về nuôi.
3 số phận thoát nạn ma rừng về sống dưới tấm lòng nhân ái của người phụ nữ Giẻ dần lớn lên. Bây giờ, A Trình là anh cả đã 26 tuổi, có vợ và một con. Bé Y U Xin giờ 19 tuổi, có chồng và 1 đứa con. Còn bé Y U Ni tội nghiệp, năm nay 15 tuổi, đang học lớp 11 Trường trung học cơ sở nội trú dân tộc huyện Đăk Glei.
Chiều hôm ấy, đang trò chuyện với A Trình thì Y U Xin đi rẫy về, còn Y U Ni thì ở nội trú tại trường, cuối tuần mới về. 3 đứa trẻ thoát nạn ma rừng bây giờ sống với nhau như anh em ruột.
Hai anh em A Trình và Y U Xin
|
A Trình đi tìm cha, mẹ
Và, giống như những đứa trẻ khác, cách đây 2 năm, A Trình đi tìm cha mẹ đẻ của mình. “Mẹ Y Ẻ giờ sống một mình ở làng Đăk Đoat, xã Đăk Nhoong, H.Đăk Glei, còn ba A Rang đã mất năm 2004, lúc đó A Trình đang học lớp 9. Hai mẹ con gặp lại nhau vui lắm…”.
A Trình nói, khi gặp nhau mẹ con vui nhưng rất khó xử. Những chuyện ngày xưa của chính mình, một phần cũng do mẹ Y Ẻ kể lại. A Trình băn khoăn lắm trong lòng: với mẹ Y Ẻ, dù không nuôi dưỡng nhưng nếu mẹ không quyết bảo vệ, A Trình đâu còn sống đến ngày nay, giờ mẹ sống đơn thân, cái ăn không được đầy đủ lắm. Còn như mẹ Y Chải, nếu không nuôi A Trình, có lẽ A Trình cũng khó sống như bây giờ… Có lẽ A Trình lưỡng lự rằng có nên đưa mẹ về nuôi hay không?.
Tìm cha, mẹ mình xong, A Trình lại đi tìm cha mẹ của Y U Ni. Sau đó mới hay, mẹ tên à Y Xin chết khi mới sinh em ra, còn cha là A Ban đã đến xin nhận lại con cách đây 1 năm. “Nhận lại cha rồi nhưng bé Y U Ni không chịu đi. Nó nói ở với anh miết chứ không đi đâu hết…”, A Trình nói.
Suốt buổi ngồi nghe anh A Trình và khách nói chuyện, Y U Xin chỉ ngồi nghe. “Y U Xin có tìm mẹ không?”, tôi hỏi. “Nghe làng nói mẹ là Y Thắm. Hồi em 10 tuổi, mẹ đi khỏi làng, giờ không biết tìm đâu?”. Y U Xin cúi đầu buồn tênh.
A Trình bỗng nhiên mắt đỏ hoe chỉ lên bàn thờ hình một phụ nữ phúc hậu rồi cho hay: Mẹ Y Chải mất cách đây 3 năm, thọ 61 tuổi. Khi bệnh nặng, mẹ Y Chải bảo 3 anh em lại gần, bắt nắm tay lại với nhau rồi bảo: “Ba đứa con không phải là anh em ruột, nhưng do mẹ dưỡng nên người. Mẹ có mất đi, 3 đứa phải thương nhau suốt đời, như khi mẹ còn sống”. A Trình bảo, không thể quên lời mẹ, vẫn luôn lo cho 2 em như ngày mẹ Y Chải đã nuôi mình…
Căn nhà gia đình A Trình, Y U Xin và bé Y U Ni sống cùng nhau
|
Người mất, tiếng còn
Nhắc đến Y Chải, Phó phòng Giáo dục và đào tạo H.Đăk Glei Lê Hải Lâm cho hay, khi anh còn Chủ tịch UBND xã ĐăkMôn, đã nghe người trong xã nói nhiều đến Y Chải. Một người phụ nữ Giẻ phúc hậu suốt ngày đi giúp người không công, nhất là hay đi đỡ đẻ cho phụ nữ trong và ngoài xã, ai sinh khó, sinh đôi, bà đều giúp đỡ, cứu rất nhiều đứa trẻ thoát nạn ma rừng, thoát nạn luật tục ở làng đồng bào nơi vùng biên giới huyện ĐăkGlei.
Chị Y Viên, Phó chủ tịch UBND xã ĐăkMôn cũng cho biết, luật tục nặng nề xưa bây giờ đã hết. Còn ngày trước, "đẻ xấu" cả làng sẽ xì xào và quyết tâm mang đứa con cúng cho ma rừng. “Đến nay, chuyện chôn con theo mẹ đã không còn nữa, nhưng tấm lòng Y Chải, dù người đã mất đi nhưng tấm lòng nhân hậu thì còn mãi, dân làng và xã ĐăkMôn sẽ không quên”, Y Viên nói.
|
Bình luận (0)