TNO

Những tập tục ớn lạnh của người Maasai Mara

29/02/2016 10:06 GMT+7

( iHay ) Bé gái phải qua cắt bì, bé trai phải qua cắt bao qui, người chết đi thì mang vào rừng cho linh cẩu ăn thịt…

(iHay) Bé gái phải qua cắt bì, bé trai phải qua cắt bao qui đầu trước khi trưởng thành, người chết đi thì mang vào rừng cho linh cẩu ăn thịt… Những tập tục này của người Maasai Mara ở Kenya đã thu hút đông đảo du khách đến khám phá Kenya mỗi năm.

 Bộ tộc Maasai Mara chụp ảnh cùng du khách
Đàn ông được phép nhiều vợ và phụ nữ phải gánh vác gia đình
Một người đàn ông Maasai được phép lấy rất nhiều vợ. Số lượng bao nhiêu vợ sẽ tuy thuộc vào sự giàu có của anh ta, hay nói chính xác nó được tính bằng số bò mà anh ta sở hữu.
Một ngôi làng của người Maasai Mara thường là một gia đình lớn. Họ có những quan hệ huyết thống cùng nhau. Người cha sẽ có vài cô vợ, các cô vợ có vài đứa con và rồi các cháu chít lần lược ra đời. Vì thế, có khi một ngôi làng có hàng trăm nhân khẩu cũng chỉ là vợ hay con cháu của một người đàn ông mà thôi.
Người phụ nữ Maasai Mara phải gánh vác hầu hết công việc gia đình
Khi cưới vợ, sính lễ mà nhà trai bắt buột phải mang cho nhà gái được tính bằng bò. Cô gái nào càng đẹp thì số bò làm lễ cưới càng nhiều, nó có thể dao động từ vài con bò cho đến vài chục hay nhiều hơn thế nữa!
Sống trong môi trường khắc nghiệt, người phụ nữ phải gánh vác hầu như công việc trong gia đình. Cho nên quan niệm về cái đẹp của họ cũng hoàn toàn khác biệt. Ngoài làn da đen bóng và cơ thể thon gọn săn chắc. Tiêu chí quan trọng để đánh giá cái đẹp của một người phụ nữ Maasai đó là nàng phải thật khỏe mạnh và siêng năng, phải thật đảm đang việc nhà!
Để tôn vinh nhan sắc, những người phụ nữ Maasai Mara cũng có tập tục xỏ lỗ tai. Họ có thể đeo nhiều hoa tai với những chiếc bông tai khá to. Tuy nhiên việc xỏ lỗ tai không phải là đặc quyền của nữ giới, những người đàn ông Maasai cũng có thể xỏ lỗ tai như nữ giới. Và lỗ tai càng to thì càng đẹp!
Những nghi lễ trưởng thành khắc nghiệt
Để đánh dấu sự trưởng thành, một đứa trẻ Maasai phải trải qua những nghi lễ bắt buộc. Đó là những trải nghiệm khá nghiệt ngã về thể xác lẫn tinh thần.
Trước khi xuất hiện chu kỳ kinh nguyệt lần đầu tiên, bé gái của bộ lạc Maasai phải được cắt bì. Toàn bộ quá trình phẩu thuật này sẽ được diễn ra tại nhà bằng những chiếc dao khá thô sơ. Theo lời anh Lankas, 27 tuổi. Anh là người của bộ lạc Masaai Mara, hiện đang làm lính kiểm lâm tại khu vực biên giới giữa khu bảo tồn Maasai Mara ( thuộc Kenya) và công viên quốc gia Seregeti ( Tanzania).
Trước khi trưởng thành, bé gái phải trải qua tập tục cắt bì và bé trai phải trải qua tập tục cắt bao qui đầu
Anh cho biết chính mình cũng đã thực hiện những nghi thức trưởng thành. Một là tập tục nhổ răng. Trong giai đoạn khoảng 9 tuổi, anh phải đứng yên cho người lớn nhổ đi một chiếc răng cửa. Sau đó, chiếc răng ấy mọc lại. Đến khoảng năm 14 tuổi, chiếc răng ấy một lần nữa lại bị nhổ đi. Nhe cái miệng có những chiếc răng trắng muốt thật đẹp, anh chỉ vào chỗ trống của chiếc răng cửa nơi hàm dưới, vết tích của nghi lễ trưởng thành vẫn còn đấy. Một chiếc răng của anh đã bị dùng dao nhổ đi khi nó vẫn còn trong tình trạng khá tốt.
Hai là tập tục cắt bao qui đầu. Có lẽ đây là một trong những nghi lễ khắc nghiệt nhất. Vào một thời điểm nhất định, tất cả những đứa bé trai trong độ tuổi 14 - 15 sẽ được tập hợp lại làm nghi lễ trưởng thành. Đứa bé sẽ được một người chuyên làm công việc này dùng dao cắt bao qui đầu mà không hề sử dụng thuốc tê. Một loại lá cây được giã nhuyễn sẽ mang đắp lên vết cắt để cầm máu.
Trong quá trình thực hiện nghi thức nhổ răng cũng như cắt bao qui đầu, đứa trẻ phải thể hiện sự can trường. Nước mắt không được rơi, đứa bé cũng không được la khóc hay giãy giụa. Sau nghi lễ cắt bao qui đầu, những bé trai sẽ thực hiện tiếp một nghi thức khác. Sau đó, chúng phải đi vào rừng rồi cùng nhau tự sinh sống trong khoảng một tháng mà không nhận được bất kỳ sự trợ giúp nào từ bất kỳ ai.
Có thể nói, đây là giai đoạn rèn luyện cho đứa trẻ tất cả những kỹ năng để sinh tồn trong môi trường hoang dã. Chúng sẽ phải tự tìm kiếm lấy thức ăn, qua đêm giữa đại ngàn với muôn loài côn trùng cùng những loài mãnh thú.
Những đau đớn của thể xác cũng như những nỗi hiểm nguy, vất vả khi đêm về sẽ là chất liệu trui rèn thể xác lẫn tinh thần của đứa trẻ...
Sau một tháng, nếu những đứa trẻ vẫn còn sống sót được, chúng sẽ quay trở về nhà. Khi ấy, chúng được toàn bộ dân làng đón chào sự trở về như những người hùng. Từ nay, chúng chính thức được xem như một người đàn ông thực thụ.
Và khi chết đi thì… cẩu táng
Khi tham quan các ngôi làng của người Maasai Mara, chúng ta không hề thấy bất kỳ một ngôi mộ nào. Khi người thân mất đi, người Maasai Mara không đem đi chôn, cũng chẳng thiêu. Hình thức chôn cất người chết của họ chỉ duy nhất là cẩu táng. Nghĩa là họ sẽ đem xác người chết vào để ở trong rừng, nơi có những con linh cẩu (Hyena) sinh sống. Khi đánh hơi có xác người chết, chúng sẽ kéo đến ăn thịt.
Người Maasai Mara không bao giờ ăn thịt thú hoang
Những ngày tham quan đất nước Kenya cũng trôi qua thật nhanh. Trong tôi là một phức cảm mơ hồ trống vắng. Khó mà có thể nói rằng tôi đã hiểu hết những gì thuộc về Kenya cũng như tất cả các tập tục của bộ lạc Maasai Mara. Tôi tự hỏi: Những tập tục trên của họ là độc đáo hay tàn nhẫn? Làm sao có thể biết rằng những người phụ nữ Maasai đang khổ đau hay hạnh phúc? Những người đàn ông của bộ lạc Maasai Mara đáng thương hay đáng trách?
Nếu nói họ vô tình hay ích kỷ với chế độ đa thê, liệu điều đó có đúng không? Vì biết đâu đấy khi sống trong môi trường hoang dã có quá nhiều thú dữ, tỉ lệ những người đàn ông bị thú dữ ăn thịt là khá cao. Để tránh cho việc có quá nhiều phụ nữ góa bụa, thì chế độ đa thê sẽ là một giải pháp tốt nhất.
Còn nếu nói tập tục cắt bì (âm vật) của người phụ nữ là hũ tục, nó tước đi những niềm hạnh phúc xác thịt của người phụ nữ thì chắc gì đã đúng? Bởi vì khi nhu cầu thể xác không còn mạnh mẽ, thì việc chia sẻ một người chồng sẽ không còn quá nặng nề, nó không còn là nỗi đau rưng rứt của các bà vợ sống kiếp chồng chung. Phải chăng họ đã đặt mục đích của sự duy trì nòi giống lên trên cảm xúc xác thịt cá nhân.
Nếu nói tục cắt bao qui đầu và việc buộc những bé trai vào rừng sinh tồn là ngu muội dã man. Liệu có đúng thế không hay đó cũng chỉ là một phương thức sàng lọc tự nhiên? Vì bởi lẽ rừng thiêng nước độc sẽ không là chỗ dung thân cho những chàng trai có thể trạng yếu đuối và tinh thần ủy mị. Họ phải là những đấng nam nhi cường tráng với sức đề kháng mạnh mẽ cùng khả năng thích ứng cao với tự nhiên để bảo vệ và duy trì nòi giống!
Nếu nói tập tục cẩu táng của người Maasai là mọi rợ và hạ đẳng? Liệu có đúng thế không, hay đó là một nghĩa cử cao thượng? Cả một đời mang ơn núi rừng, thì còn tiếc gì xác thân đã chết sắp thối rữa mà không mau trả lại với rừng xanh, nơi có muôn thú cỏ cây đã một đời cưu mang nuôi người khôn lớn?
Và hơn hết, Maasai Mara có lẽ là bộ lạc duy nhất còn sót lại trên thế giớ này mà họ sẽ không bao giờ giết bất kỳ một con thú hoang nào để thỏa mãn nhu cầu ăn uống. Họ chỉ ăn những con vật của chính họ nuôi trong thế giới loài người đang điên cuồng săn đuổi các con thú khốn khổ tội nghiệp để lấy ngà voi, sừng tê, cao hổ cốt...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.