Những thảm họa chìm tàu gây chấn động gần đây

03/06/2015 08:05 GMT+7

(TNO) Sự kiện chiếc tàu chở 458 người chìm trên sông Dương Tử, Trung Quốc, là thảm họa mới nhất trong chuỗi tai nạn chìm tàu đã cướp đi sinh mạng của hàng ngàn người trong 5 năm trở lại đây.

(TNO) Sự kiện tàu chìm trên sông Dương Tử, Trung Quốc (chở 458 người) là thảm họa mới nhất trong chuỗi tai nạn chìm tàu đã cướp đi sinh mạng của hàng ngàn người trong 5 năm trở lại đây.

Vụ chìm tàu chở khách trên sông Dương Tử ngày 1.6 được xem là thảm hoạ đường thuỷ lớn nhất của Trung Quốc - Ảnh: Reuters
Tàu du lịch chở 458 người chìm trên sông Dương Tử, Trung Quốc
Con tàu du lịch Ngôi Sao Phương Đông chở theo 458 người chìm trên sông Dương Tử, đoạn qua tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) lúc 21 giờ 20 ngày 1.6 (giờ địa phương, tức 20 giờ 20 tại Việt Nam). Đến tối 2.6, công tác cứu hộ vẫn tiếp diễn nhưng gặp nhiều khó khăn do điều kiện thời tiết. Hiện lực lượng cứu hộ đã vớt được 6 thi thể và cứu được 14 người từ con tàu bị chìm. Hàng trăm người vẫn đang mất tích.
Thân nhân người bị nạn trên chuyến tàu bức xúc trước việc họ không được cung cấp thông tin về người thân và tình hình cứu hộ. Thậm chí, xô xát đã xảy ra giữa một số thân nhân và quan chức chính quyền thành phố Thượng Hải, nơi có văn phòng công ty tổ chức tour du lịch trên, theo AFP.
Tàu chở người di cư chìm trên Địa Trung Hải

Chỉ một số ít người nhập cư lậu được cứu khi chiếc tàu chở họ bị lật giữa Địa Trung Hải, làm hơn 800 người chết - Ảnh: Reuters
Ngày 19.4.2015, hơn 800 người di cư từ châu Phi thiệt mạng khi chiếc thuyền chở họ bị lật giữa Địa Trung Hải. Chiếc thuyền này đang trên đường từ Libya đến Ý. Thuyền trưởng nằm trong số 27 người được cứu sống, người này sau đó bị truy tố tội buôn người.
Trước đó, ngày 3.10.2013, gần 360 thi thể được tìm thấy sau khi một chiếc tàu chở người di cư từ châu Phi phát hỏa và chìm gần đảo Lampedusa (Ý) trên vùng biển Địa Trung Hải.
Ngày 6.4.2011, khoảng 250 người di cư từ Libya được cho mất tích khi một chiếc thuyền bị chìm, cũng tại khu vực gần đảo Lampedusa.
Những vụ chìm tàu trên Địa Trung Hải và dòng người tị nạn đổ xô từ châu Phi sang châu Âu luôn là vấn đề khiến giới chức Liên minh châu Âu (EU) đau đầu, nhiều cuộc họp đã được tổ chức nhưng đến nay các bên liên quan vẫn chưa thống nhất được giải pháp.
Thảm họa chìm phà Sewol tại Hàn Quốc
Ngày 16.4.2014, chiếc phà Sewol chìm ngoài khơi bờ biển phía tây nam Hàn Quốc làm 304 người thiệt mạng, phần lớn trong đó là các em học sinh trung học.
Chìm phà Sewol - một trong những thảm họa hàng hải của Hàn Quốc - Ảnh: AFP
Thuyền trưởng phà Sewol bị kết án 36 năm tù. Thuyền trưởng Lee cùng 14 thành viên thủy thủ đoàn đã yêu cầu hành khách giữ nguyên vị trí, rồi ông ta thoát thân trong khi phà Sewol chìm dần. Tuy nhiên, ông Lee chỉ bị kết tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng thay vì tội giết người, theo đài CNN (Mỹ).
Ngoài ra, nhiều thân nhân có con em thiệt mạng đã chỉ trích chính quyền Hàn Quốc, cho rằng con em của họ có thể sống sót được nhiều giờ hoặc thậm chí nhiều ngày nhờ túi khí bên trong chiếc phà, nhưng lực lượng cứu hộ đã quá chậm chạp, không kịp thời tiến vào trong xác phà để cứu hộ nạn nhân mắc kẹt.
Đến nay, còn 9 thi thể chưa được tìm thấy và xác phà vẫn chưa được nâng lên.
Chìm phà MV Spice Islander I tại Tanzania

Tàu cá tham gia cứu người vụ chìm phà ở Tanzania - Ảnh: Reuters
Ngày 10.9.2011, chiếc phà mang tên MV Spice Islander I chìm ngoài khơi bờ biển của Zanzibar, một vùng bán tự trị thuộc Tanzania, làm gần 200 người đã thiệt mạng, khoảng 620 người khác được cứu sống. Chính quyền Zanzibar khi đó đã ban bố 3 ngày quốc tang cho các nạn nhân.
Nhiều người cũng chỉ trích giới chức đã không có biện pháp ngăn chặn những thảm họa như thế này xảy ra ở Zanzibar, theo ABC News.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.