Những thân phận bị lãng quên

28/11/2012 03:05 GMT+7

Không giấy khai sinh, không hộ khẩu, không CMND, cũng có nghĩa họ không được hưởng bất cứ quyền lợi nào của một công dân cho dù nghĩa vụ họ vẫn thực hiện đầy đủ.

Đó là hoàn cảnh của anh Nguyễn Văn Nhàn và anh Nguyễn Trường Thọ, hiện đang tạm trú tại nhà tập thể Xí nghiệp sản xuất thủ công mỹ nghệ 27-7, thuộc Công ty TNHH MTV 27-7 TP.HCM (Sở LĐ-TB-XH TP.HCM).

Không được pháp luật công nhận

 Những thân phận bị lãng quên
Hơn 10 năm làm việc, tham gia bảo hiểm đầy đủ nhưng anh Nhàn (trái) và anh Thọ có thể sẽ bị “mất trắng” quyền lợi vì không có CMND - Ảnh: Hải Nam

Anh Nhàn sinh năm 1963, còn anh Thọ sinh năm 1978. Cả hai đều là người tàn tật được Trung tâm bảo trợ trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè (viết tắt là Trung tâm Thị Nghè) nhận nuôi từ khi còn bé. Đến năm 1980, cả hai được chuyển về Nhà nuôi người già tàn tật số 1 (cũng thuộc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM). Theo hai anh trình bày, vào thời gian đó, vì bị tàn tật (cả hai anh đều bị liệt 2 chân) sống nhờ vào sự bảo trợ của trung tâm nên không để ý đến giấy tờ tùy thân. Khi còn nhỏ, các anh được các sơ tại trung tâm đưa về nuôi, chẳng có tên tuổi, chẳng một mảnh giấy. Tên của các anh là do các sơ đặt. Nên khi lớn lên, hai anh chẳng thể làm được CMND. Năm 1999, anh Nhàn và anh Thọ được chuyển về làm việc và sinh sống tại Xí nghiệp sản xuất thủ công mỹ nghệ 27-7. Đến lúc này họ mới thấy thấm thía nỗi vất vả của người không có một mảnh giấy lận lưng. Anh Nhàn tâm sự: “Cũng may nhà nước có mở công ty này cho những người tàn tật làm việc, nếu không thì không biết chúng tôi sẽ ra sao”. Còn anh Thọ cho biết, tiền để dành muốn gửi ngân hàng cũng không được vì không có CMND.

 

Bà mẹ Việt Nam anh hùng đã được nhập hộ khẩu

Sau khi Thanh Niên ngày 9.11 đăng bài Đoạn trường hộ khẩu, Công an H.Hóc Môn, TP.HCM đã có công văn gửi báo với nội dung “Bài báo Đoạn trường hộ khẩu đăng trên Thanh Niên liên quan đến bà Lê Thị Xinh là có thật... Công an huyện kịp thời chấn chỉnh công tác tiếp dân, giải quyết thủ tục hành chính, đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân”.

Bà Xinh cho biết, sau khi báo đăng, Công an H.Hóc Môn đã hướng dẫn bà làm thủ tục. Mới đây, bà đã chính thức được nhập hộ khẩu vào nhà em của mình là bà Lê Thị Kim Liên.

Bà Phạm Thị Hòa, Trưởng phòng Tổ chức Công ty TNHH MTV 27-7 cho biết, anh Nhàn và anh Thọ đã làm việc tại công ty hơn 10 năm nay, vì không có CMND nên hai anh bị thiệt thòi đủ đường. Công ty vẫn tham gia đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp cho hai anh đầy đủ. Thế nhưng quyền lợi có lẽ anh Nhàn và anh Thọ sẽ không bao giờ được hưởng nếu không làm được CMND. Bà cũng cho biết thêm, công ty và Sở LĐ-TB-XH TP.HCM đã từng nhiều lần gửi công văn đến Công an Q.Bình Thạnh (TP.HCM), Trung tâm Thị Nghè và các cơ quan chức năng đề nghị hỗ trợ để anh Nhàn và anh Thọ được nhập hộ khẩu. Thậm chí, công ty đã đứng ra bảo lãnh cho hai anh được nhập khẩu vào nhà tập thể của công ty nhưng không được vì không có giấy khai sinh.

Không phải là cá biệt

Bà Trần Thị Hồng, cán bộ Phòng Tổ chức hành chính, Trung tâm Thị Nghè cho biết, trường hợp như anh Nhàn và anh Thọ không phải là cá biệt. Trước đây, có đợt nhà nước đã làm giấy khai sinh đại trà cho các em tại trung tâm. Khi đó, có khoảng 50 em không được làm vì đã rời trung tâm trước đó. Sau cũng có một số người trở lại đề nghị giúp làm giấy khai sinh nhưng trung tâm đành chịu. Trường hợp của anh Nhàn và anh Thọ, trung tâm cũng chỉ có thể làm giấy xác nhận thời gian sinh sống tại đây mà thôi. Còn việc cấp khai sinh là thẩm quyền của phường.

Trong khi đó, anh Nhàn và anh Thọ cho biết họ đã lên UBND P.17, Q.Bình Thạnh rất nhiều lần để được khai sinh chậm nhưng đều bị từ chối.

Hải Nam

>> Nhập hộ khẩu khống cho Việt kiều để trục lợi
>> Bắt 2 công an xã nhập hộ khẩu khống ăn tiền
>> NSND Doãn Hoàng Giang "nhập hộ khẩu" 5B
>> Nguyễn Ngọc Tư: Một nhà văn viết về thân phận con người

>> Sài Gòn sống đêm - Kỳ 2: Thân phận dưới gầm cầu

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.