|
Mồi côi mẹ từ nhỏ, gia đình đông anh em, tuổi thơ của Nguyễn Ngọc Mười ở thôn 10, xã Khuê Ngọc Điền, H.Krông Bông (Đắk Lắk) là chuỗi ngày vất vả, cơ cực. Ngay cả khi tốt nghiệp THPT, thi đỗ một trường ĐH ở TP.HCM, anh cũng không thể đi học vì hoàn cảnh khó khăn, phải ở nhà làm lụng, chăm lo đàn em nhỏ. Lấy vợ năm 2007, Mười bắt đầu lập nghiệp với hai bàn tay trắng. Từ nguồn vốn vay vài chục triệu đồng của tổ chức Đoàn, anh khởi sự nuôi 2 con bò sinh sản, 10 con heo thịt; chăm sóc 2 ha đất rẫy cà phê và hoa màu.
Chỉ vài năm sau, với những kinh nghiệm chăn nuôi ban đầu, anh Mười mạnh dạn mở rộng chuồng trại để nuôi theo hướng hàng hóa hàng trăm heo nái, heo thịt và heo rừng; mua thêm bò về chăm sóc, vỗ béo, cung cấp cho thị trường. Giờ đây, mỗi năm anh xuất bán hơn 10 tấn heo thịt, hàng chục con bò, thu nhập từ chăn nuôi, trồng trọt tổng cộng hơn 700 triệu đồng.
Ở thôn 5, xã Nâm N’Jang, H.Đắk Song (Đắk Nông), anh Nguyễn Xuân Sơn, bí thư chi đoàn thôn, được người trẻ trong vùng yêu mến, tin phục bởi cách sống gương mẫu, làm ăn giỏi giang. Chỉ với 2 ha cà phê, 1 ha tiêu, cùng hai hồ cá, mỗi năm anh có lãi hơn nửa tỉ đồng. Trang trại của anh đã tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động trong vùng với mức tiền công mỗi người hơn 6 triệu đồng/tháng. Sơn chia sẻ: “Cũng với những cây công nghiệp truyền thống trên đất ba-zan nhưng nhờ mạnh dạn áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào chăm sóc cây trồng nên năng suất, hiệu quả thu được trên vườn của tôi thường cao hơn so với trong vùng”. Không chỉ sản xuất giỏi, Sơn còn là một cán bộ Đoàn năng nổ trong các hoạt động công tác xã hội của nhóm “Vòng tay nhân ái Đắk Nông”, thiết thực chăm sóc học sinh nghèo, gia đình khó khăn ở địa phương.
|
Khác với nhiều thanh niên Êđê, anh Y Phô Niê ở buôn Knia, xã Ea Tul, H.Cư Mgar (Đắk Lắk) khởi nghiệp bằng công việc thợ xây, rồi làm thầu xây dựng. Y Phô kể, năm 2006 anh bắt đầu làm phụ hồ, rồi nâng cao tay nghề làm thợ xây chính. Nhờ chịu khó học hỏi anh nhanh chóng nắm bắt kỹ thuật xây dựng, sau đó tách riêng đảm nhận thi công nhiều nhà kiên cố, có giá trị lớn cho bà con các buôn làng. Mỗi năm Y Phô có thu nhập hơn 300 triệu đồng, đồng thời tạo công việc cho hơn 10 lao động là thanh niên của buôn Knia. Có vốn liếng, anh đầu tư chăm sóc 1,5 ha cà phê vườn nhà để không phải bỏ hẳn nghề nông.
Ở xã Hòa Thắng, TP.Buôn Ma Thuột, nhiều người cho rằng việc trồng quýt của anh Nguyễn Hoàng Hiếu ở thôn 3 là mạo hiểm so với việc chuyên canh cà phê truyền thống. Tuy nhiên, Hiếu cho biết trước khi mạnh dạn phá bỏ gần 1 ha cà phê, anh đã tham quan, học hỏi cách trồng cây ăn quả ở nhiều nơi trong tỉnh. Từ đó, anh vay mượn bạn bè, cùng nguồn vốn hỗ trợ lập nghiệp 20 triệu đồng của tổ chức Đoàn để chuyển sang trồng quýt thay cà phê. “Quýt không phải là cây trồng mới, có điều phải đầu tư về kỹ thuật, tốn công chăm sóc nhiều hơn trồng cà phê. Tôi nghĩ sẽ thành công vì ở một số nơi trên cao nguyên năng suất quýt rất cao, tới 50-70 tấn trái/ha”, Hiếu tự tin nói. Hiện vườn quýt của anh gần 2 năm tuổi, bắt đầu cho thu bói, dự kiến khi kinh doanh ổn định vườn quýt này sẽ cho thu nhập tiền tỉ. Thành đoàn Buôn Ma Thuột đã tổ chức cho thanh niên nhiều xã, phường về học tập mô hình của anh Hiếu...
Những thanh niên sản xuất giỏi kể trên đang trở thành điểm sáng trong phong trào lập nghiệp, xây dựng nông thôn mới ở khắp vùng sâu, vùng xa của Tây nguyên. Hàng năm, trên địa bàn đã có hàng chục thanh niên làm ăn giỏi, nhiều cống hiến cho cộng đồng được nhận giải thưởng Lương Định Của. Cuối tháng 11 vừa qua, trong ngày hội tuổi trẻ Tây nguyên năm 2014 tổ chức tại Đắk Lắk, có 25 thanh niên làm kinh tế giỏi đã được T.Ư Đoàn tuyên dương.
Trung Chuyên
>> TP Hồ Chí Minh: Tuyên dương 34 gương thanh niên nông thôn sản xuất giỏi
>> Hỗ trợ thanh niên làm giàu chính đáng
>> Nhân rộng mô hình thanh niên làm giàu
>> Thủ lĩnh giúp thanh niên làm giàu từ cây chè
Bình luận (0)