Chị Lưu Thị Phượng có hơn 10 năm với nghề giáo, chị đang là giáo viên bộ môn sinh học thuộc Trung tâm Giáo dục thường xuyên H.Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Trong suốt quá trình đứng trên bục giảng của mình, chị Phượng được rất nhiều thế hệ học trò yêu quý.
Từ thần tượng thầy cô đến trở thành giáo viên
Thời còn là học sinh, không như bạn bè mê những người nổi tiếng, chị Phượng chỉ mê và thần tượng nhất là những thầy cô giáo đứng trên bục giảng.
Cô Phượng bên những học trò của mình |
NVCC |
Sau này khi tốt nghiệp Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2, chị Phượng về Trung tâm Giáo dục thường xuyên H.Vĩnh Tường công tác. Môi trường giáo dục đặc thù có nhiều học sinh cá biệt, nhiều hoàn cảnh khó khăn và độ tuổi người đi học cũng chênh nhau rất nhiều, đây cũng là thách thức lớn với một cô giáo trẻ.
“Học sinh có thể là người lớn tuổi hoặc những đứa trẻ có hoàn cảnh đặc biệt như gia đình nghèo, mồ côi cha mẹ, có bố mẹ đi làm ăn xa thiếu thốn tình cảm gia đình, không có người giáo dục đến nơi đến chốn. Ngoài ra còn có nhiều học sinh nổi loạn, quậy phá, hư hỏng mà có khi cả xã hội còn nhiều ác cảm”, chị Phượng chia sẻ.
Hành trình dìu dắt học sinh chưa ngoan thành người có ích
Với nhiều thách thức ấy, chị Phượng tự trấn an bằng cách đặt bản thân mình vào hoàn cảnh học sinh, thấu hiểu và thương yêu học trò nhiều hơn. Không ai khác chính chị Phượng sẽ là người dìu dắt từng bước cho những học sinh chưa ngoan bước ra khỏi con đường xấu trở thành người có ích.
Cô Phượng dành rất nhiều tâm huyết cho nghề giáo của mình |
NVCC |
Chị Phượng thừa nhận dạy dỗ những học sinh "cá biệt" thật sự rất khó. Nó không giống như những học sinh bình thường khác. Mặt tâm lý, tính cách khác xa với trẻ bình thường, cho nên chị Phượng phải dùng nhiều cách khác nhau.
Theo chị Phượng, đầu tiên mình không bắt ép học sinh học một cách máy móc. Chọn tâm lý làm điểm tiếp cận, trò chuyện, phân tích nhiều hơn với học trò về điều quan trọng của việc học. "Kế đến phải làm cho học sinh yêu mái trường học hiện tại của mình. Để làm được việc đó, không thể tính bằng ngày hay tháng mà có khi phải tính bằng năm", chị Phượng bày tỏ.
Cô Phượng cũng đạt được nhiều thành tích nổi bật trong công tác giảng dạy |
Chị Phượng kể lại: “Cách đây 2 năm khi làm chủ nhiệm một lớp 12, nhiều học sinh rơi vào khủng hoảng trước kỳ thi tốt nghiệp THPT. Trong đó có một học sinh trở nên sợ hãi, khủng hoảng tâm lý muốn bỏ học, nổi loạn quậy phá, đổ lỗi cho tất cả mọi người xung quanh, ghét bạn bè, thầy cô. Thế là tôi nắm tình hình tìm đến em để động viên, chấp nhận tất cả những lời nói xấu của em về mình. Mỗi ngày, mỗi giờ tôi đều nói chuyện, động viên em bước tiếp và tôi thành chỗ dựa lớn nhất với em lúc đó. Cuối cùng, em đã vượt qua được và thi tốt nghiệp với số điểm tốt”.
Không những vậy, trong môi trường đặc biệt này, việc học sinh đánh nhau luôn tiềm ẩn mỗi ngày. Cho nên chị Phượng luôn sát sao, nắm tình hình một cách chủ động và đã ngăn chặn được nhiều trường hợp học sinh đánh nhau.
“Đơn cử là tôi phải giải quyết triệt để mâu thuẫn của các em ngay tức khắc. Không để tích tụ hận thù trong các em. Sau đó tôi khuyên bảo, dùng tâm lý để phân tích đúng sai và làm triệt tiêu tính nổi loạn trong mỗi học trò”, chị Phượng chia sẻ.
Chính vì điều đó, hầu như những năm qua, nhiều thế hệ học trò mà cô Phượng làm chủ nhiệm đều đã trưởng thành và trở thành người có ích cho xã hội.
Chị Phượng cho biết thời đại 4.0 này buộc người giáo viên phải thay đổi nhiều, nhất là cách tương tác, sử dụng những công nghệ để bắt kịp với xu hướng, chưa kể phải tham gia mạng xã hội để nắm bắt thông tin cũng như tâm lý của thế hệ học trò mới. Từ đó thầy cô giáo mới có thể dạy cho học sinh văn hóa, quy tắc ứng xử trên không gian mạng.
Cô Phượng có nhiều thành tích trong công tác giảng dạy, đơn cử như chiến sĩ thi đua cấp tỉnh; giải nhì Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, bằng khen của Liên đoàn Lao động tỉnh Vĩnh Phúc, giấy khen của Sở GD-ĐT tỉnh Vĩnh Phúc. Ngoài ra, cô Phượng còn được chọn tham gia Chương trình tập huấn Kỹ năng số ASEAN do ASEAN Foundation khởi xướng và được hỗ trợ bởi Google.org.
Bình luận (0)