Thực sự chưa biết thắng thua tại giải Trần Hữu Trang như thế nào, chỉ thấy bầu nhiệt huyết của những người làm nghề đủ khiến người xem cảm động. Các nghệ sĩ đã đem đến một chương trình mãn nhãn, chinh phục khán giả.
Có lẽ nghệ sĩ Thanh Thảo là người gây ấn tượng khó quên. Cô đóng vai Huyền Nga quận chúa trong trích đoạn Bão táp Nguyên phong, một anh thư thuộc dòng dõi Tôn thất nhà Trần, đã cương quyết ở lại bảo vệ Thăng Long dù vua đã ra lệnh di dân trước thế giặc như vũ bão. Huyền Nga chia tay người yêu, thề giữ gìn giang sơn gấm vóc, và cô đã rơi vào tay giặc, cho đến chết vẫn không đầu hàng, nhụt chí.
|
Thanh Thảo đã có lớp diễn trữ tình, mềm mại với Võ Minh Lâm (vai Trần Lang), sau đó là lớp diễn chiến đấu ngoan cường với giặc, cả tâm lý lẫn hành động đều rất nhiều đất diễn cho cô thi thố tài năng. Lớp diễn cuối khi bị giặc tra tấn, Huyền Nga vẫn ôm lấy tấm bia ghi mấy chữ Nam Quốc Sơn Hà, và đánh lại bọn chúng cho tới sức cùng lực kiệt, khiến người xem xúc động. Khán giả không kiềm được nước mắt khi Huyền Nga bị giặc tứ mã phanh thây, cô dùng toàn lực níu lại, đau đớn cực cùng, nhưng anh dũng, hiên ngang. Thanh Thảo đã dùng sở trường vũ đạo được truyền lại từ 5 đời dòng dõi tuồng cổ Minh Tơ để diễn quá đẹp lớp diễn này. Những động tác đau đớn xói vào tim người xem, không ai có thể thờ ơ trước công lao của tiền nhân đã ngã xuống để giữ gìn bờ cõi. Một bài học lịch sử mà người ta cần được khắc sâu trong ký ức. Và đây cũng là “nhiệm vụ công dân” mà người nghệ sĩ phải mang theo trong sự nghiệp của mình, đúng như câu hỏi vấn đáp mà ban giám khảo dành cho Thanh Thảo. Nghệ sĩ cần phải chuyển tải được thông điệp xã hội tốt đẹp đến cho người xem thì sự nghiệp hát ca mới có giá trị.
|
Ấn tượng đẹp thứ hai là từ NSƯT Lê Trung Thảo trong vai Lê Tư Thành trích đoạn Đêm trước ngày hoàng đạo. Đó là một đêm khắc khoải của Lê Tư Thành bởi sáng mai ông sẽ chính thức lên ngôi, trở thành vua Lê Thánh Tông anh minh trong lịch sử. Khắc khoải bởi ông vẫn nhớ về Nguyễn Trãi với vụ án Lệ Chi viên, đau đớn trước cái chết của vị trung thần, và muốn rửa oan cho Nguyễn Trãi. Nhưng làm như thế đồng nghĩa với công nhận tội lỗi của mẫu thân là Nguyễn Thị Anh. Dù mẹ ruột của ông là Ngô Thị Ngọc Dao, nhưng sau này Thái hậu Nguyễn Thị Anh lại thương yêu ông nhất mực. Một bên là tình thương với mẹ, một bên là trung nghĩa với nước non, phải rửa sạch án oan cho lòng người bình yên, tin cậy, Lê Tư Thành đã phải dằn vặt biết bao. Và một mình Lê Trung Thảo khi thì đóng vai Lê Tư Thành, khi lại diễn cảnh mộng thấy Nguyễn Thị Anh và Nguyễn Trãi, cho nên anh “hóa thân” thành 3 nhân vật, cùng chất vấn, tâm sự, thở than, tha thứ… Lê Trung Thảo rất giỏi độc diễn trong cả vở dài, cho nên một trích đoạn không làm khó anh. Lê Trung Thảo đã chuẩn mực trong từng lời ca lời thoại, từng hành động sân khấu, phong thái vừa uy nghi, trang nhã, vừa uyển chuyển, tươi tắn, không ồn ào mà vẫn thu hút.
Ấn tượng thứ ba là nghệ sĩ Nhã Thy vai Nguyễn Thị Anh trong trích đoạn Nước mắt thần phi, thể hiện những giằng xé, bắt buộc lẫn khao khát quyền lực đan xen nhau trong lòng người phụ nữ mới 20 tuổi ôm đứa con nhỏ sống giữa một triều đình quá nhiều phức tạp. Vua Lê Thái Tông qua đời giữa Lệ Chi viên ngoài dự liệu của bà và bà bị bọn gian thần lẫn thái giám vây quanh xúi giục lẫn ép buộc bà phải gieo án oan cho Nguyễn Trãi, rồi bà phải lên ngôi để chúng có bình phong mà tác oai tác quái. Nguyễn Thị Anh quay cuồng với nỗi khao khát vương quyền cộng với nỗi đau mất chồng, nỗi sợ mất con, nỗi lo Nguyễn Trãi phò tá Ngô Thị Ngọc Dao lên ngôi, nỗi yếu thế khi bọn thái giám chèn ép, hăm dọa, nỗi ăn năn khi biết mình gây tội ác và cả sự hốt hoảng khi nằm mơ thấy Bang Cơ con mình sẽ chết… Bao nhiêu thứ siết chặt lấy bà, đẩy đưa thành tội lỗi. Tác phẩm đào sâu nhân vật Nguyễn Thị Anh và đó chính là đất diễn cho nghệ sĩ Nhã Thy. Cô nhận được nhiều tràng pháo tay vì ca diễn quá nhiều nhưng không hề bị hụt hơi, khàn giọng mà vẫn rõ và đẹp từng nốt trầm bổng, chưa kể hành động sân khấu rất nhiều, đầy nội lực.
Nghệ sĩ Phương Nga đến từ Hà Nội cũng đã tạo một ấn tượng đẹp với vai Điểm Bích trong trích đoạn Cung phi Điểm Bích. Đây là một vở rất hay từng tạo nên tên tuổi của NSND Thanh Thanh Hiền, giờ chị đang ngồi ở ghế giám khảo chấm điểm cho đàn em. Chỉ tiếc giá như Phương Nga ca mềm hơn chút nữa, bớt chất giọng khỏe khoắn của mình lại một tí, thì nàng Điểm Bích của cô sẽ quyến rũ hơn. Bởi suy cho cùng, thiền sư Huyền Quang từng chấp nhận nàng lên núi và đối ẩm với ngài như một tri âm đàn thơ xướng họa, thì Điểm Bích phải quyến rũ trong vẻ tao nhã. Dẫu đó là đêm cuối cùng, cô phải tung hết nữ sắc dục tình của mình ra để làm tròn nhiệm vụ mà nhà vua giao phó, nhưng trong cái dữ dội vẫn phải ẩn chứa sự mềm mại như dòng nước cuốn lấy người ta. Tuy nhiên Phương Nga vẫn là một cô đào đẹp sáng giá.
|
Còn Võ Hoài Long đóng vai Trần Cảnh trong trích đoạn Trần Cảnh, bị Thái sư Trần Thủ Độ ép bỏ vợ là Lý Chiêu Hoàng để lấy chị dâu là Thuận Thiên công chúa, tạo thế vững mạnh cho nhà Trần sau này. Vừa đau khổ vì mất người vợ yêu dấu, vừa mang tiếng phụ tình, lại vừa bị anh mình là Trần Liễu căm giận, cắt đứt nghĩa đệ huynh. Võ Hoài Long đã diễn rất tốt thần thái trong sáng của Trần Cảnh, và nỗi đau tứ bề của ông, giọng ca của anh rất mượt mà đúng chất kép mùi khiến người ta có cảm tình ngay. Đặc biệt đoạn chuẩn bị xuống bút phê chiếu phế Lý Chiêu Hoàng, Võ Hoài Long đã ca rất giỏi, từng tiếng rưng rưng, nghẹn ngào, nhưng vẫn tròn vành rõ chữ, không bị mờ. Nghệ sĩ cần những đoạn như thế để tạo điểm nhấn chứng tỏ tài năng.
Võ Thành Phê và Đào Thanh Phong dù diễn hai trích đoạn khác nhau nhưng đều thể hiện nhân vật nghiện ma túy, ăn năn hối cải, đều rất tròn vai. Cả Võ Thị Trí trong vai cô đào hát tội nghiệp trút hơi thở cuối cùng với vai diễn mà cô từng say mê trên sân khấu, cũng đã nỗ lực đáng quý.
Có thể thấy các thí sinh dự vòng chung kết giải Trần Hữu Trang năm nay đều là dân chuyên nghiệp, nên dù kết quả điểm thi chưa có nhưng kết quả trong lòng khán giả thì đã rất tốt. Bởi với lực ca diễn thế này, họ đã đủ sức đứng trên sân khấu bán vé.
Bình luận (0)