Những thiên thần bị bỏ rơi: Mẹ ơi, con được mang tên một giáo sư

10/10/2018 12:06 GMT+7

Tụi con được đặt những cái tên của ca sĩ, diễn viên, giáo sư, tiến sĩ... Mỗi cái tên gieo một niềm hy vọng về một ngày mai tươi sáng hơn.

Gần 2 tháng kể từ khi con cất tiếng khóc chào đời, con vẫn không thấy mẹ quay vào đón con…
Từ khi con thành hình, sức khỏe mẹ đã không được tốt. Vậy là chỉ mới 35 tuần, con đã phải rời bụng mẹ. Cô chú bác sĩ bế con đi cân. Kim cân chỉ nhích đến 1,6 kg rồi dừng, ai cũng lắc đầu.
Nằm chung phòng với con là hai bạn gái B.N.Mai và L.N.T.Phượng. Con cũng không biết mẹ hai bạn ấy ở đâu, cũng như con không biết mẹ của con ở đâu. Nhưng trong lúc lim dim nằm uống sữa, con có nghe cô Thúy diều dưỡng, cô Thanh bác sĩ nói chuyện với nhau, rằng mẹ hai bạn nghiện cái gì ấy. Hai bạn cũng bị nhiễm trùng, nặng cũng chỉ hơn 2 kg dù đủ tháng, phải điều trị kháng sinh.
Mới mấy hôm trước thôi, phòng tụi con có đến 4 bạn, nhưng mà bạn A.Vi được mẹ bạn ấy đón về rồi.

Tụi con ở đây được các cô chú bác sĩ điều dưỡng thương lắm. Cô chú vẫn hay mang quần áo cũ mà các anh chị ở nhà không mặc nữa vào cho tụi con. Đứa nào cũng thích hết, vì bộ đồ chung mà bệnh viện cho tụi con không có đẹp bằng. Đồ có hình voi, con chuột, cam cam vàng vàng. Cô chú cũng mang đồ chơi vào, có khi là chiếc lục lạc xanh xanh, có khi là trái banh đỏ đỏ.
Bác sĩ Thanh khám tụi con kĩ lắm, theo dõi từng li từng tí. Cô nói phải chăm cho tụi con như vậy, để mai mốt không còn ở chung với các cô nữa, tụi con vẫn có thể mạnh khỏe lớn lên. Cô nói đầu năm có 4 bạn như tụi con cũng ở đây, rồi được chuyển về các mái ấm. Sau đó, có 2 bạn đã được nhận làm con nuôi, bắt đầu cuộc sống mới. Cô tin, tụi con rồi cũng sẽ như vậy, chỉ cần biết nghe lời, chịu ăn chịu ngủ.
Còn cô Thúy điều dưỡng là hiểu ý tụi con nhất. Cô làm ở đây đã 27 năm rồi. Nghe đứa nào cựa mình, ê a khóc là biết đang đói bụng hay đang đầy tã ngay.

Cô Thúy cũng là người thường ẵm bồng tụi con nhất. Rồi cô kể chuyện của những anh chị ngày trước, những anh chị cũng chào đời mà không được chào đón, như tụi con. Cô kể hồi mười mấy năm trước có anh S. chân khoèo bẩm sinh, được nhận làm con nuôi sớm và ở lại điều trị, tập vật lý trị liệu tại đây gần một năm.
Mới mấy hôm trước, anh cùng gia đình quay vào đây thăm các cô, tay bắt mặt mừng. Con nhìn anh cao hơn mấy cô cả cái đầu, vóc người to lớn và rất đẹp trai. Anh đã học đến lớp 12 và có một tương lai tươi sáng phía trước.
Cô lại kể về một chị gì đó có cái tên tiếng nước ngoài mà con không nhớ nổi. Cái tên chị nghe hay lắm, chắc chắn sau này con sẽ ráng học giỏi để đọc được. Mà cô nói, hồi xưa chị hay khóc, lại xấu lắm. Vậy mà chị được một người đàn ông Pháp tốt bụng nhận nuôi, vì ông nhìn chị xấu nhất đen nhất so với bạn bè, ông thương. Giờ chị 10 tuổi rồi. Chị sống ở nước ngoài, vậy mà vẫn tìm về đây thăm các cô. Chị vui. Các cô còn vui hơn.
Không có ba mẹ, vậy nên ở đây, tụi con sẽ được chính cô Thúy đặt tên luôn. Sau khi mang tên mẹ một thời gian, từng đứa sẽ được làm khai sinh với những cái tên rất là đẹp! Cô không có đặt bình thường đâu, mà toàn tên các cô bác là ca sĩ, diễn viên nổi tiếng hay giáo sư, tiến sĩ thôi! Mỗi lần đặt như thế, con nằm nghe các cô cười rôm rả.
Như bạn Phượng nằm cạnh con, có mẹ tên L.T.Phượng, được cô đặt là L.T.Hoa, một nữ diễn viên nổi tiếng của Hồng Kông. Còn ngày trước có một chị, có mẹ tên T.T.Sợi, được cô đặt là T.L.Xuân, vốn là đệ nhất phu nhân.
Mỗi cái tên là mỗi niềm hy vọng về những điều tốt đẹp nhất, mà cô Thúy và các cô chú ở bệnh viện dành riêng cho tụi con. Dù hành trình lớn lên của con sẽ dài, rất dài, vì không có mẹ, có ba, có ông bà bên cạnh.
Mẹ, ba, nhà mình, con vẫn thường thấy trong mơ…
Bác sĩ Trương Thị Mai Thanh (Trưởng khoa Bệnh Lý Sơ Sinh - Bệnh viện Nhân Dân Gia Định) cho biết, năm 2017 bệnh viện tiếp nhận tổng cộng 11 trẻ bị bỏ rơi. Còn năm 2018, tính đến đầu tháng 10, đã ghi nhận 8 trường hợp, trong đó có 1 trẻ được bệnh viện kêu gọi mẹ nhận về thành công.
“Chi phí điều trị được bệnh viện hỗ trợ. Còn các khoản đồ chơi, tã… được một số mạnh thường quân và chính các bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý trong khoa góp lại giúp đỡ các em. Tất cả các em dù không có ba mẹ, nhưng vẫn được thăm khám, điều trị kỹ càng cho đến lúc hồi phục sức khỏe hoàn toàn”, bác sĩ Thanh chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.