Những thỏi 'nam châm' mới giúp châu Á hút đầu tư

27/10/2023 19:16 GMT+7

Theo báo cáo mới đây của KKR - một trong những công ty đầu tư tư nhân lớn nhất thế giới, lao động giá rẻ không còn là lợi thế của châu Á mà thay vào đó là dịch vụ công nghiệp.

Hồi đầu tháng 10, sau chuyến thị sát một số nước ở khu vực châu Á bao gồm Singapore, Trung Quốc và Nhật Bản, ông Henry H. McVey, Giám đốc đầu tư của KKR, cho biết lợi thế thu hút đầu tư hiện nay của khu vực châu Á không còn là lao động giá rẻ mà chính là các dịch vụ công nghiệp bao gồm logistics, quản lý chất thải và trung tâm dữ liệu.

Những thỏi 'nam châm' mới giúp châu Á hút đầu tư - Ảnh 1.

Nhân viên trong một kho của Cainiao, đơn vị logistics của Alibaba tại Giang Tô, Trung Quốc

REUTERS

Theo báo cáo của KKR, trong 2 năm qua, khoảng 20% các khoản đầu tư của công ty là vào khu vực châu Á. KKR tin rằng nỗ lực đầu tư vào cơ sở hạ tầng và logistics trong khu vực châu Á có thể tăng tốc, thậm chí sẽ tăng đáng kể ở các thị trường trọng điểm như Ấn Độ, Trung Quốc, Indonesia, Philippines, Việt Nam hay Nhật Bản.

Nhật Bản

Sau vài thập niên tăng trưởng chậm, Nhật Bản gần đây lại trở thành điểm nóng thu hút các nhà đầu tư quốc tế, nhất là trong bối cảnh đầu tư nước ngoài đang dịch chuyển khỏi thị trường Trung Quốc.

Đầu năm 2022, Nhật Bản đã chứng kiến thương vụ đầu tư đình đám khi KKR mua lại một công ty quản lý bất động sản được Mitsubishi hậu thuẫn trị giá 2 tỉ USD. Hồi tháng 3, KKR thông báo đã hoàn tất việc mua lại Hitachi Transport System, một công ty về logistics chủ yếu phục vụ chuỗi cung ứng và hiện đổi tên thành Logisteed. Cũng trong thời gian này, KKR đã triển khai hạng mục đầu tiên trong lĩnh vực đầu tư khách sạn ở Nhật Bản bằng việc mua lại khách sạn hạng sang Hyatt Regency Tokyo từ Công ty Đường sắt Điện Odakyu, như một phần của thỏa thuận với Công ty cổ phần tư nhân bất động sản hàng đầu Gaw Capital Partners.

Hồi tháng 4 vừa qua, tỷ phú Mỹ Warren Buffett đã đến thăm Nhật Bản để công bố các khoản đầu tư bổ sung vào các công ty lớn của nước này.

Trả lời phỏng vấn kênh CNBC của Mỹ ngày 5.10, ông Henry H. McVey cho biết thị trường Nhật Bản đang chứng kiến các khoản đầu tư lớn trong lĩnh vực tự động hóa và công nghiệp hóa. Điều này đã được thể hiện rõ trong bài phát biểu hồi tháng 9 của Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tại New York (Mỹ) khi đề cập rằng đầu tư trong nước của Nhật Bản sẽ phá kỷ lục với hơn 100 nghìn tỉ yên (673,58 tỉ USD) trong năm 2023. Ông McVey kỳ vọng nguồn vốn đầu tư gia tăng sẽ giúp Nhật Bản thoát khỏi tình trạng giảm phát.

Bên cạnh đó, một xu hướng khác cũng đang phát triển ở Nhật Bản là cải cách doanh nghiệp nhằm thúc đẩy lợi nhuận của cổ đông.

Những thỏi 'nam châm' mới giúp châu Á hút đầu tư - Ảnh 2.

Rô bốt làm việc bên cạnh con người tại một dây chuyền sản xuất ở Nhật

REUTERS

Ấn Độ

Báo cáo của KKR cho thấy Ấn Độ cũng sẽ là điểm thu hút đầu tư lớn ở khu vực châu Á. Chỉ trong vòng 4 năm qua, các khoản giải ngân trong đầu tư công ở Ấn Độ đã tăng 200% và xuất khẩu tăng khá mạnh.

Các khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng ở Ấn Độ đã giúp tăng năng suất, đồng thời hỗ trợ giảm lạm phát và tăng trưởng kinh tế. Hơn nữa, tại các thị trường mới nổi, cơ hội cho khu vực tư nhân hưởng lợi từ xu hướng tăng trưởng GDP bình quân đầu người thường dễ tiếp cận hơn so với thị trường vốn.

Trung Quốc

Theo báo cáo của KKR, nền kinh tế của Trung Quốc đang thay đổi trong bối cảnh lĩnh vực bất động sản bị thu hẹp và tăng trưởng kinh tế dường như đang "chạm đáy". Tuy nhiên, KKR vẫn giữ nguyên dự báo về tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong năm 2024 là 4,5% và lạm phát ở mức 1,9%. Hồi tháng 7, KKR cho biết đã đầu tư khoảng 6 tỉ USD vào Trung Quốc.

Ông McVey cho biết một quá trình chuyển đổi đang diễn ra ở Trung Quốc, trong đó nền kinh tế kỹ thuật số và nỗ lực khử carbon của nước này có thể chỉ chiếm 20% GDP hiện nay, nhưng đang tăng trưởng gần 40% mỗi năm. Hơn nữa, các cơ hội và xu hướng đầu tư tương lai như trong ngành tự động hóa cũng cần phải có thời gian mới phát huy hiệu quả.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.