(TNO) Có rất nhiều nguyên nhân tàn phá thị lực, từ việc ngủ với kính áp tròng đến việc dụi mắt thường xuyên. Để bảo vệ thị lực, theo các chuyên gia nhãn khoa của Hiệp hội American Optometric, cần thực hiện những thói quen sau:
Đôi khi sử dụng thuốc nhỏ mắt có thể có tác dụng phục hồi mắt, nhưng không nên lạm dụng - Ảnh: Shutterstock
|
Sử dụng kính mát
Đeo kính râm giúp bảo vệ mắt chống lại các tia UV có hại từ mặt trời. Kính mát giúp làm giảm độ chói của mặt trời và với những cặp kính “xịn” có thể lọc được gần như 100% tia cực tím có hại, theo Dailyhealthpost.
Thường xuyên tiếp xúc tia UV có thể gây tổn hại cho giác mạc, thủy tinh thể và võng mạc. Các loại kính mát phù hợp cần được chuyên viên đo mắt tư vấn vì mỗi cá nhân có nhu cầu riêng.
Hạn chế thiết bị điện tử
Ngày nay, chúng ta sử dụng thiết bị điện tử nhiều hơn bao giờ hết. Mỏi mắt là chấn thương lặp đi lặp lại, được biết là do tiếp xúc với điện thoại, máy tính, trò chơi điện tử… quá nhiều. Ngoài ra, điều kiện làm việc không phù hợp, ánh sáng chói từ màn hình của thiết bị điện tử cũng là những tác nhân gây hại cho mắt.
Ánh sáng chói có thể khiến cơ mắt mệt mỏi và khi điều này xảy ra sẽ gây khó khăn cho việc nhìn rõ những gì trên màn hình. Có rất nhiều cách để giảm mỏi mắt như: đặt màn hình máy tính đúng tầm mắt và đúng khoảng cách, để mắt nghỉ ngơi sau một lúc sử dụng vi tính, thay đổi sự tập trung của mắt, chớp mắt, và giảm thiểu ánh sáng chói trên màn hình điện tử.
Không ngủ với kính áp tròng
Mặc dù có kính áp tròng được thiết kế đặc biệt để mang vào ban đêm, nhưng các bác sĩ nhãn khoa vẫn chống lại việc mang kính qua đêm. Giác mạc, là lớp ngoài cùng của mắt, đảm trách vai trò nhận được oxy từ môi trường bên ngoài. Đeo kính áp tròng trong khi ngủ sẽ ngăn oxy vào mắt, từ đó dễ dẫn đến viêm loét giác mạc.
Viêm loét giác mạc có thể gây mờ mắt, đau mắt, chảy nước mắt, đỏ, ngứa… Vì thế, để bảo vệ sức khỏe cho mắt nên nghiêm túc tuân theo khuyến nghị của chuyên gia mắt.
Hạn chế thuốc nhỏ mắt
Thuốc nhỏ mắt giúp bôi trơn mắt và khiến các mạch máu co lại để làm tình trạng đỏ biến mất, nhưng không giải quyết được nguyên nhân gốc rễ. Đôi khi sử dụng thuốc nhỏ mắt có thể có tác dụng phục hồi mắt, nhưng không nên lạm dụng. Hạn chế nhỏ hơn 4 lần 1 ngày.
Không ngủ với phấn mắt
Lớp trang điểm trên mắt nếu còn vướng lại qua đêm rất dễ gây ra nguy cơ gia tăng nhiễm trùng. Các hạt nhỏ từ mỹ phẩm có thể đi vào mắt và gây kích ứng. Vì vậy, trước khi đi ngủ, rất quan trọng để tẩy trang cho mắt, nhằm lấy sạch lớp bóng mắt, mascara hay bất kỳ sản phẩm nào khác còn vương trên mắt.
Bỏ kính áp tròng hết hạn
Giống bất kỳ các loại thuốc, kính áp tròng cũng có hạn sử dụng mặc dù nó được cất giữ cẩn thận trong hộp, nhưng thời gian có thể khiến nó bị hỏng và các ống kính trở nên ô nhiễm.
Khám mắt định kỳ
Theo Dailyhealthpost, rất quan trọng để đi khám mắt mỗi năm nhằm đảm bảo đôi mắt khỏe mạnh và không có vấn đề. Một buổi kiểm tra mắt cũng có thể phát hiện ra nhiều triệu chứng của bệnh mà nếu bình thường có thể bạn khó phát hiện, chẳng hạn như tiểu đường, bệnh tăng nhãn áp hay khối u não.
Trẻ em nên bắt đầu khám mắt hằng năm từ 3 tuổi trở lên. Người lớn, ở độ tuổi dưới 40, không có tiền sử gia đình hoặc các bệnh về mắt và có tầm nhìn tốt nên kiểm tra mắt mỗi 2-3 năm. Sau 40 tuổi, cần kiểm tra mắt mỗi năm hoặc 6 tháng một lần nếu bị tiểu đường hay có các vấn đề sức khỏe của mắt.
Tránh cọ xát mắt
Rất khó để tránh dụi mắt, đặc biệt khi bị ngứa hoặc mệt mỏi. Dụi mắt có thể truyền vi khuẩn từ tay vào mắt và gây kích ứng, nhiễm trùng hoặc viêm kết mạc. Nếu bị cảm lạnh hoặc dị ứng và thấy khó tránh khỏi việc gãi mắt, ít nhất hãy tập thói quen rửa tay thường xuyên để loại bỏ vi khuẩn và bụi bẩn bám vào tay.
Chăm sóc sức khỏe
Nhiều người không nhận ra tầm quan trọng của việc chăm sóc sức khỏe tổng thể. Kiểm soát cholesterol và huyết áp cũng như kiểm tra sức khỏe thường xuyên có thể giúp bảo vệ tầm nhìn. Cao huyết áp mãn tính hoặc bệnh tiểu đường, nếu không được chẩn đoán kịp thời có thể dẫn đến biến chứng thị lực và thậm chí gây mù lòa.
Tóm lại, để duy trì tầm nhìn khỏe mạnh, cần ăn những thực phẩm giàu dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe và kiểm tra mắt thường xuyên nhằm tránh các biến chứng hoặc các vấn đề sức khỏe khác có thể tác động tiêu cực đến thị lực.
Bình luận (0)