Trang Business Insider mới đây đăng tải bài viết của cô Melanie Lockert, một người bình thường mắc nợ 68.000 USD trong khoản vay sinh viên từ tháng 5.2011, chia sẻ về những gì cô đã và đang làm để trả dứt nợ.
Không dùng ô tô là một trong những cách để tiết kiệm trong lúc đang trả nợ - Ảnh: Business Insider |
Cô Lockert cho hay khi vừa tốt nghiệp, cô đã quyết tâm trả hết nợ càng nhanh càng tốt. Cô nhận ra rằng mình phải làm được 2 việc: chi tiêu ít đi và kiếm nhiều tiền hơn. Ngoài ra, cô cũng thay đổi một số lối sống để sau 4,5 năm kể từ khi tốt nghiệp, cô trừ đi được 54.000 USD trong tổng số tiền mình nợ.
Dưới đây là bài chia sẻ của Lockert về 5 thứ mà cô đã từ bỏ để tiết kiệm tiền, sớm trả hết nợ:
1. Nuôi thú cưng
Tôi luôn nuôi mèo từ nhỏ đến lớn. Tôi yêu mèo, nhưng tôi đã quyết tâm không sở hữu một thú cưng cho đến khi mình trả hết nợ. Tôi hiểu rằng thú cưng hoàn toàn xứng đáng và có thể giúp thay đổi cuộc sống của bạn, nhưng tôi cho rằng mình không thể kham nổi chi phí trừ khi khoản nợ được thanh toán hết.
Theo tổ chức phi lợi nhuận Hiệp hội Phòng chống ngược đãi động vật Mỹ, nuôi mèo làm tiêu tốn 1.000 USD mỗi năm. Tuy vậy, chi phí thực tế có thể lớn hơn thế, vì các rủi ro bất thường như khi chú mèo của bạn nuốt phải một cây kim và bạn phải mang chúng tới bác sĩ. Mỗi lần gặp bác sĩ, chủ nhân thú cưng có thể tốn từ 2.000 USD đến 5.000 USD. Vì thế tôi không nuôi mèo, và tôi tiết kiệm được thêm 1.000 USD/năm.
2. Truyền hình cáp
Tôi không xem truyền hình từ khi tốt nghiệp và không sống cùng bố mẹ. Những năm gần đây, tôi không có tivi hay truyền hình. Mua một chiếc tivi có thể làm bạn tốn vài trăm đô la Mỹ, và cáp truyền hình có thể dao động từ 20 USD đến 80 USD mỗi tháng. Tôi gắn bó với sách trong thư viện và Netflix, vốn chỉ tốn có 10 USD/tháng. Như vậy, tôi tiết kiệm được 240 - 960 USD/năm.
3. Ô tô
Khi tôi chuyển từ thành phố Los Angeles đến New York, tôi không dùng xe hơi nữa. Tôi nghĩ rằng ô tô là “cây hút tiền” xăng xe, bảo hiểm, vé đậu xe, phí đậu xe và sửa chữa. Chỉ những thứ kể trên thôi tổng cộng đã làm tiêu tốn khoảng 6.000 USD/năm. Không có ô tô, tôi cũng không phải tốn thêm tiền cho thẻ thành viên phòng tập thể dục, vì tôi đi bộ hoặc đi xe đạp đến mọi nơi.
4. Thành phố mơ ước
Hồi năm 2011, tôi không thể kiếm được một công việc toàn thời gian sau khi tốt nghiệp, và bị buộc phải lựa chọn: hoặc là ở lại New York, không trả được nợ thời sinh viên và tiêu dần khoản tiền tiết kiệm cho đến khi tôi có việc làm; hoặc là chuyển đến một thành phố khác có chi phí sinh hoạt thấp hơn. Tôi đã chọn phương án thứ hai và chuyển đến thành phố Portland, bang Oregon. Ở đấy, tiền thuê nhà của tôi rẻ hơn 50% so với khi ở New York.
Ban đầu, chuyện xin việc trông có vẻ khó khăn hơn. Tiết kiệm được tiền thuê nhà là tốt, nhưng không hẳn tuyệt vời nếu bạn không tìm được việc làm. Tuy nhiên, mọi thứ dần khá hơn, tôi tìm được việc và tận dụng được chi phí sinh hoạt phải chăng. Thật khó cho tôi khi phải rời New York, nhưng về mặt tài chính, quyết định này hoàn toàn đúng đắn. Tôi tiết kiệm được hơn 7.000 USD/năm.
Làm gì để trả dứt nợ?
Tôi biết rằng những gì tôi từ bỏ có thể là quá nhiều với một số người, nhưng tôi lựa chọn cắt giảm những gì không phục vụ mình 100%, để vẫn được làm những gì mình thích làm, chẳng hạn như du lịch hoặc đi ăn nhà hàng. Mấu chốt của vấn đề là cân bằng tài chính. Có thể với người khác, họ thích xem truyền hình hơn là ăn tối ở nhà hàng. Bạn hoàn toàn có thể lựa chọn mình cần cắt giảm hoặc giữ lại khoản nào để trả được hết nợ.
Kara Perez, tác giả quyển Từ tiết kiệm đến thoát nợ, người trả hết 12.800 USD nợ trong 5 tháng bằng cách cắt giảm chi tiêu đáng kể, chia sẻ: “Khi tôi thực sự nghiêm túc trong chuyện trả nợ, tôi nhận ra rằng mình phải bỏ bớt một số thứ”. Perez đang tạm thời ngưng dùng thẻ tín dụng và thậm chí ăn ít thịt hơn. Thông qua việc cắt giảm chi tiêu, cô nhanh chóng trả hết nợ trước hạn.
Bình luận (0)