Những thuyền viên khốn khổ tiếp tục kêu cứu từ châu Phi vì chưa được hồi hương

30/11/2021 20:58 GMT+7

Đến nay, 7 thuyền viên tiếp tục kêu cứu vì vẫn còn bị kẹt lại ở quốc gia châu Phi xa xôi sau nửa năm kể từ sự cố tàu bị cháy, với điều kiện ăn ở khốn khổ và chưa biết khi nào mới có vé về nước.

Như Báo Thanh Niên đưa tin hôm 5.11, 17 thuyền viên Việt Nam làm việc trên các tàu cá Hàn Quốc theo diện xuất khẩu lao động bị kẹt lại ở nước Cộng hoà Djibouti (thuộc đông Phi) suốt nhiều tháng qua đã kên tiếng kêu cứu. Trong số đó, một số người đã hết hạn hợp đồng, một số phải dừng hợp đồng do sự cố tàu cháy. Tất cả được chủ tàu thuê cho một khu nhà trọ tồi tàn ở Djibouti, thiếu thốn đủ thứ nên điều kiện sinh hoạt vô cùng khốn khổ.

Các thuyền viên tiếp tục chờ đợi để được hồ hương

NVCC

Sau khi Báo Thanh Niên đăng tải bài báo, đến nay đã có 10 thuyền viên (đa số thuộc Công ty Cổ phần Phát triển nguồn nhân lực LOD) được trở về nước. Tuy nhiên, hiện vẫn còn 7 thuyền viên bị kẹt lại, gồm 2 người đã hết hạn hợp đồng và 5 người bị chấm dứt hợp đồng do sự cố tàu cháy.

Về sự cố tàu cá Buiyalo 3 bị cháy, phía cảnh sát Djibouti đã điều tra và kết luận có 4 thuyền viên Việt Nam chủ mưu mua hóa chất đốt tàu vì có mâu thuẫn với chủ tàu trước đó. Ngoài ra, chủ tàu Hàn Quốc cũng cho rằng một số thuyền viên khác biết được ý định đốt tàu của 4 thuyền viên này nhưng không ngăn cản, nên đều bị chấm dứt hợp đồng và lương từ tháng 3 đến hôm 20.6 (ngày tàu cháy) đã bị chủ tàu giữ lại.

Mòn mỏi chờ ngày hồi hương

Thuyền viên Bùi Thanh Nghĩa (32 tuổi), quê ở huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, cho biết: "Tôi bắt đầu làm việc trên tàu Buiyalo 3 của Hàn Quốc từ ngày 19.12.2019. Khi chưa hết hạn hợp đồng thì ngày 20.6, tàu bị cháy, các thuyền viên bắt buộc phải lên bờ tại Djibouti và được chủ tàu thuê một khu nhà trọ gần bến xe để ở".

"Lý do tàu cháy thì cảnh sát cũng đã kết luận là có 4 thuyền viên mua hóa chất về đốt. Nhưng lúc tàu cháy thì tôi không hề biết ai đã làm việc này. Lúc đó, tôi đang ăn cơm cùng hai người nữa thì nghe tiếng hô cháy. Ba anh em không kịp mặc áo chạy vội ra ngoài và tôi là người cùng thuyền trưởng dắt vòi nước để dập lửa. Từ lúc lên bờ đến nay, tôi không được trả bất cứ khoản lương hay hỗ trợ sinh hoạt nào dù không có trong danh sách tham gia vụ đốt tàu", anh Nghĩa kể.

Các thuyền viên nằm ngủ vạ vật

T.N

Theo anh Nghĩa, điều kiện ăn ở tại Djibouti vô cùng tồi tàn, tháng đầu tiên cả ngày các thuyền viên được cho ăn một ổ bánh mì. Sau khi một số thuyền viên điện báo về công ty ở Việt Nam thì phía chủ tàu đã cho ăn 3 bữa/ngày gồm bánh mì và mì sợi, còn nước thì chỉ được uống nước lợ, không có nước ngọt.

"Nhiều hôm, đến 13 hoặc 14 giờ, chúng tôi mới được ăn trưa, 20 giờ mới được ăn tối, thậm chí có hôm không ai mang đồ ăn đến. Chỗ ở thì chật chội, thiếu nước sinh hoạt. Đã gần 6 tháng trôi qua, chúng tôi chờ đợi được hồi hương nhưng không biết chờ đến bao giờ. Ai cũng là trụ cột của gia đình mà giờ ở đây không làm việc, không lương. Gia đình ở nhà thì túng thiếu, bữa đói bữa no, vậy mà vẫn phải chạy vạy vay mượn gửi tiền sang để chúng tôi có thêm chút tiền ăn uống", anh Nghĩa bày tỏ.

Món ăn ròng rã suốt nhiều ngày qua của các thuyền viên

T.N

Trong khi đó, Nguyễn Trung Sỹ (28 tuổi), quê huyện Kỳ Khang, tỉnh Hà Tĩnh, là thuyền viên của tàu Haysimo No.2 từ năm 2018 do Công ty cổ phần quốc tế Trường Gia (Tramico) đưa đi.

Hợp đồng của Sỹ là 2 năm, nhưng do dịch Covid-19 nên anh chưa thể về nước và gia hạn hợp đồng thêm 1 năm. Đến ngày 6.6.2021, Sỹ chính thức hết hạn hợp đồng và được chủ tàu bố trí lên bờ ở chung với các chuyền viên của tàu Buiyalo 3 bị cháy để chờ về nước.

Thế nhưng theo Sỹ, từ tháng 6 đến nay, công ty Tramico lẫn chủ tàu không hề liên lạc, không ai quan tâm mặc dù theo hợp đồng thì chủ tàu Hàn Quốc sẽ mua vé cho anh về nước sau khi hoàn thành. Được biết lương tháng của Sỹ là 600 USD. Trước khi đi tàu, anh cũng đã thế chấp 3.000 USD và chi phí vé máy bay là 20 triệu đồng.

Dụng cụ đi bắt thêm cá để cải thiện bữa ăn của các thuyền viên

CHỤP TỪ CLIP

"Nhiều lúc tôi gọi điện về mà người đại diện công ty tắt máy không nghe, nhắn tin cũng không trả lời. Tôi không vi phạm lỗi gì, đã hoàn thành hợp đồng, nhưng lại bị bỏ mặc không ai quan tâm như vậy. Ở bên này, một nửa dân số đang thất nghiệp nên các thuyền viên muốn đi làm thêm cũng không có việc gì. Đồ ăn khô khan, chúng tôi đành phải xuống xin người dân ít muối, nước với rau. Ngoài ra, chúng tôi phải đi bộ 7 - 8 km để đến bờ biển mò cua bắt ốc, cải thiện thêm bữa ăn", Sỹ kể.

Tiếp tục chờ do không có chuyến bay

Trao đổi với phóng viên Báo Thanh Niên, ông Nguyễn Minh Giang, Trưởng phòng Thuyền viên Công ty TNHH Hợp tác nhân lực và thương mại quốc tế Imstraco, cho biết: "Công ty chúng tôi hiện còn 4 thuyền viên đang bị kẹt lại Djibouti. Mặc dù nguyên nhân sự cố tàu bị cháy đã được cảnh sát Djibouti kết luận là do một số thuyền viên Việt Nam gây ra nhưng chủ tàu không truy cứu và chúng tôi vẫn mong muốn anh em được về nước càng sớm càng tốt vì thấu hiểu sự vất vả, cực khổ của họ trong những ngày ở bên đó".

"Tuy nhiên, suốt từ tháng 5 đến giờ, dịch Covid-19 bùng phát ở Việt Nam và nhiều quốc gia khác nên chuyến bay thương mại từ Djibouti về Việt Nam chưa được khai thác trở lại. Chúng tôi cũng tìm kiếm các chuyến bay từ Ai Cập, Ả Rập Xê Út... là các quốc gia gần Djibouti để nếu có là đăng ký, nhưng không phải muốn là có vé ngay được. Nhất là lúc này đang xuất hiện biến thể Omicron nên các chuyến bay càng bị siết chặt", ông Giang chia sẻ.

Theo thông tin mà ông Giang cung cấp, Công ty Imstraco hôm 10.9 đã gửi công văn tới Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập nhờ xem xét giúp đỡ và liên hệ với cơ quan thẩm quyền để tạo điều kiện cho thuyền viên được về nước trong thời gian sớm nhất.

Ngày 15.10, ông Giang tiếp tục liên hệ với nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập để đăng ký mua vé cho 3 thuyền viên (do một thuyền viên mất hộ chiếu nên không đưa vào danh sách được) nhưng cũng chưa có thông tin.

Đến ngày 9.11, công ty Imstraco gửi công văn tới Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH) báo cáo tình hình và nhờ quan tâm giúp đỡ để các thuyền viên còn lại có thể sớm được hồi hương.

"Ở Việt Nam, chúng tôi cũng nghe ngóng, cập nhật chuyến bay từ châu Phi hàng ngày hàng giờ, hễ có là chúng tôi đăng ký liền. Nhưng có khi mua được vé rồi, thuyền viên ra đến sân bay lại không bay được do dịch bệnh. Mỗi sân bay lại có một quy định riêng mà có khi sát giờ họ mới cập nhật mà không cần báo trước", ông Giang kể.

Đại diện Công ty Imstraco cho biết thêm: "Mới đây, khi nghe sắp tới Ả Rập Xê Út có chuyến bay về Việt Nam, chúng tôi ngay lập tức liên hệ tìm hiểu. Nhưng ngay sau đó công điện của Đại sứ quán Việt Nam tại Ả Rập Xê Út thông báo Tổng cục hàng không dân dụng Ả Rập Xê Út tạm dừng xuất nhập cảnh người đến từ 7 quốc gia châu Phi và một số quốc gia khác có tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp".

"Chúng tôi cũng đã làm hết mình, giải thích cho thuyền viên và người nhà nhưng họ không hiểu được mà vẫn cho rằng công ty không có trách nhiệm", ông Giang nói.

Bên cạnh đó, ông Dương Thắng, đại diện của Công ty cổ phần quốc tế Trường Gia (Tramico), cho hay công ty này liên tục nhờ Đại sứ quán Việt Nam ở Ai Cập giúp đỡ nhưng không có chuyến bay về nên vẫn đành phải tiếp tục chờ. Hiện Tramico còn 2 thuyền viên bị kẹt lại Djibouti.

Trao đổi với phóng viên Báo Thanh Niên vào chiều ngày 30.11, Cục phó Cục Quản lý lao động ngoài nước, ông Nguyễn Gia Liêm nói: "Chúng tôi đã nhận được báo cáo của Công ty Imstraco về thuyền viên ở Djibouti. Hiện Cục Quản lý lao động ngoài nước đang phối hợp với Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao để đề xuất phương án tổ chức đưa người lao động về nước".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.