Mười mấy năm trước, lần đầu đến sân bay quốc tế Incheon (Seoul, Hàn Quốc), điều khiến tôi ngạc nhiên thú vị đầu tiên về đất nước này chính là những chiếc kính lão để sẵn ở bàn điền các thông tin tờ khai nhập cảnh. Khi đó họ đã nghĩ ra không phải chỉ chuẩn bị sẵn bút cho những người không có, mà những ai có tuổi nhỡ quên kính lão cũng có thể xoay xở điền thông tin được.
Cũng ở Incheon từ hồi đó, ra khỏi khu vực nhận hành lý, có thể tìm thấy phòng trang điểm, thay đồ cạnh dãy nhà vệ sinh sạch sẽ để khách sau một chuyến bay dài có thể chuẩn bị tươm tất sẵn sàng làm việc hoặc tham quan.
Ngày nay, ở rất nhiều sân bay trên thế giới, những tiện ích kiểu vậy ngày càng được chăm chút. Từ vòi nước uống miễn phí, wifi công cộng, tạp chí giải trí để sẵn, nước nóng được cung cấp, tủ sạc điện thoại sẵn tất cả các đầu cắm của nhiều hãng khác nhau… và cho đến cả phòng tắm miễn phí.
Ở nhiều nơi như sân bay quốc tế Đào Viên (Đài Loan), những phòng tắm miễn phí cho khách hoàn toàn không mang dáng dấp những nhà tắm công cộng, mà là nơi để thư giãn ngắn, thậm chí mang dáng dấp một phòng tắm trong khách sạn với bàn trang điểm, ghế ngồi, máy sấy tóc…
Ở Đào Viên hay nhiều nơi khác như Suvarnabhumi (Bangkok, Thái Lan) đều có thể tìm thấy những góc tâm linh riêng của mỗi người theo những tôn giáo khác nhau ngay trong khu vực chờ bay. Hay chỉ đơn giản là một khu công viên trò chơi trong nhà nho nhỏ cho bọn trẻ, hoặc một căn phòng dành cho các bà mẹ cần cho con bú. Có nơi như Doha (Qatar) có thể tìm thấy những căn phòng có ghế dài, yên tĩnh và ánh sáng yếu để ai cần chợp mắt có thể tìm đến.
Nghĩa là càng về sau này, những sân bay quốc tế muốn kéo khách, muốn khẳng định mình thì không chỉ bằng những nhà ga hoành tráng, kiến trúc đồ sộ, khu mua sắm bậc nhất hay phòng chờ thương gia, phòng chờ hạng nhất cực đỉnh, mà còn phải bằng những chăm chút hết sức nhân văn, chú trọng từng chi tiết đến nhu cầu của từng hành khách bình thường.
Những nhà ga càng lớn bao nhiêu thì trong từng thiết kế, tổ chức, bố trí vận hành lại phải càng nghĩ đến từng hành khách với từng hoàn cảnh khác nhau. Chẳng hạn một chi tiết rất nhỏ thôi nhưng phải khâm phục sự chu đáo tinh tế ở sân bay quốc tế Dubai (Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất), từ ống lồng vào nhà ga cho đến khi ra khỏi sân bay, cứ một đoạn lại có những chiếc tủ để sẵn xe đẩy trẻ em cho khách lấy dùng. Bởi sân bay quá lớn để một đứa trẻ đi cùng ba mẹ có thể theo kịp đoàn và không làm nũng vì đi bộ quá dài.
Ở mỗi sân bay tại nước mình có dịp đi qua, cứ sau một lần nâng cấp, xây mới, mọi thứ hẳn nhiên là tốt hơn, tiện nghi hơn, hoành tráng hơn, nhưng dường như người thiết kế, vận hành vẫn còn chưa chú ý lắm đến những chăm chút tiểu tiết, hướng đến cá nhân một cách rất con người như những ví dụ kể trên. Hoặc nếu có thì chỉ được vài tháng đầu khai trương, sau đó vòi nước sạch uống liền để bảng đang bảo trì ngày này qua tháng nọ, hộp cáp sạc hỏng chẳng ai chăm chút, khu trò chơi trẻ con thì đặt tít cuối nhà ga rất xa các cổng khởi hành…
Chỉ mong sao sân bay quốc tế Long Thành, trong tất cả đồ án và kế hoạch là rất to và hiện đại, sẽ thành hiện thực nay mai, có trọn vẹn tất cả những tiện ích nhân văn để nhà ga hàng không không chỉ là nơi đến, nơi đi mà còn là nơi để tận hưởng, nơi khách được chăm chút yêu thương, nơi để thấy “chủ nhà” tận tâm và chu đáo.
Bình luận (0)