Môn “Giáo dục địa phương” thường bị cho là việc học khó đi đôi với hành, do thiếu trải nghiệm thực tế. Nhưng với vùng cao H.Đakrông (Quảng Trị) thì mọi thứ rất khác, nhiều tiết học đã được xây dựng và thực hiện dưới bóng nhà truyền thống của đồng bào Pa Kô, Vân Kiều.
Đầu tháng 11, tiết học “Giáo dục địa phương” được tổ chức ở nhà truyền thống các dân tộc Vân Kiều, Pa Kô ở H.Đakrông, nơi trưng bày rất nhiều hiện vật của cộng đồng 2 dân tộc. Với chuyên đề “Phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh dân tộc thiểu số trong việc giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa của dân tộc mình qua việc dạy học chương trình Giáo dục địa phương lớp 6”, học sinh (HS) và giáo viên được học và dạy ngay trên những di sản văn hóa của dân tộc mình, đem lại những giá trị bất ngờ.
Các em học sinh sẽ có những kỷ niệm thực sự khi được học trong nhà truyền thống Pa Kô, Vân Kiều |
THANH LỘC |
Nội dung chuyên đề giúp HS có cái nhìn tổng quan về văn hóa, phong tục tập quán, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc Vân Kiều và Pa Kô đang sinh sống ở vùng núi phía tây tỉnh Quảng Trị. HS bước đầu phân biệt được sự giống và khác nhau cơ bản của 2 dân tộc như lễ hội, trang phục, nhà ở, ngôn ngữ… Với sự chuẩn bị chu đáo, các HS lớp 6 người Vân Kiều, Pa Kô đã tái hiện một số lễ hội chính như lễ hội A riêu ping (của người Pa Kô), lễ hội Mừng lúa mới (của người Vân Kiều), múa chiêng trống (lễ hội chung của 2 dân tộc).
Thầy Nguyễn Đình Đức, giáo viên Trường phổ thông dân tộc nội trú Đakrông, cho rằng HS là con em đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô có những đặc điểm riêng biệt về tâm lý và tư duy. Trong nhịp sống hiện đại, thế hệ trẻ nói chung và thế hệ trẻ con em đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô đối diện nguy cơ dần quên lãng lịch sử dân tộc, văn hóa truyền thống, quên những câu ca, điệu nhạc, lễ hội… nếu các cấp, ngành thiếu sự quan tâm để gìn giữ.
Đặc biệt, các tiết học được tổ chức ở dưới bóng nhà truyền thống đã có những tác động đến tâm lý của cả người học và người dạy. Tại đây, sau khi được nhìn, cầm nắm những hiện vật rất cụ thể, HS hoàn toàn có thể trở thành “hướng dẫn viên” để hướng dẫn các bạn, thầy cô tham quan nhà văn hóa truyền thống người Vân Kiều, Pa Kô.
Những tiết học trong nhà truyền thống khơi dậy sự hứng thú tìm tòi, ý thức lưu giữ và phát huy văn hóa cộng đồng, bản sắc dân tộc của học sinh |
thanh lộc |
Trên thực tế, việc triển khai môn “Giáo dục địa phương” vốn gặp rất nhiều khó khăn, có thể do tâm lý ngại cái mới, thiếu kinh phí, thiếu phương tiện đi lại… Tuy nhiên, thầy cô ở huyện vùng cao Quảng Trị vẫn quyết tâm làm.
Ông Ngô Duy Hưng, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học - THCS A Ngo, cho biết môn “Giáo dục địa phương” được nhà trường dạy cho HS với thời lượng 1 tiết/tuần. Bằng nhiều hình thức tổ chức dạy học sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tế của từng nhà trường đã giúp HS khơi dậy sự hứng thú tìm tòi, ý thức lưu giữ và phát huy văn hóa cộng đồng, bản sắc dân tộc. “Học ở trong nhà truyền thống với đầy đủ tư liệu minh họa thì rõ ràng hiệu quả cao hơn khi ngồi ở lớp. Trường chúng tôi cách nhà truyền thống của người Vân Kiều, Pa Kô khá xa, nhưng luôn mong đưa các em ra ngoài này càng nhiều lần càng tốt”, ông Hưng nói.
Bình luận (0)