|
Tôi đã giật mình.
Người ta có thể đổ lỗi cho tuổi 17 của các em, với đầy đủ những sự rối loạn của hormone, tuổi dậy thì, không phải trẻ con, cũng không hẳn là những người lớn. Nhưng bên ngoài tất cả những hoang mang thuần túy sinh học ấy, đám trẻ 17 - 20 tuổi bây giờ phải đối mặt với một thứ còn nặng nề hơn thế: Chúng đang sống giữa những tín đồ của niềm tuyệt vọng.
Trong những bản tin được chia sẻ nhiều nhất, đâu đó thoáng dáng dấp của những vụ giết người, rạch bụng, tạt axít. Cái mùi của niềm tuyệt vọng dấy lên trong lời lẽ của sự than phiền: Bây giờ Lý Thông nhiều hơn Thạch Sanh. Bọn này đúng là hết thuốc chữa rồi, không còn tin ai được nữa cả. Xã hội giờ chỉ toàn bọn xấu xa, em chỉ biết lo giữ thân mình thôi, chẳng dám giúp ai cả đâu. Lời lẽ ấy vang lên ở khắp nơi, xuất hiện trong những comment, xuất hiện trong những buổi cà phê buôn chuyện buồn nản, những lúc mấy ông bố nhậu nhẹt ngồi với nhau, xuất hiện cả trong bữa cơm gia đình của những cha mẹ chừng bốn mấy tuổi và vài đứa con 16 -17 tuổi.
Sự tuyệt vọng ấy đôi khi chẳng có nguyên cớ từ sự mất mát lợi ích thực sự mà mỗi người có thể gặp phải. Có khi, nó chỉ là một lời đồn buôn chuyện. Nó phồng lên như một quả bóng sau những lời xầm xì nghiệt ngã và uất ức. Một người va xe vào người khác, om sòm chửi bới người tông mình, rồi xông vào đánh nhau đến u đầu bể trán. Rồi về nhà lên mạng xã hội chửi cái.... kẻ kia. Một nhóm người xúm vào phẫn nộ thay, buồn bã thay, đem kể đi cho một ngàn người khác nghe. Câu chuyện hóa thành bi kịch.
Những người lớn thiếu bản lĩnh, thừa sự u uẩn, giận dữ, thừa cả sự ích kỷ, cứ thế nhân chúng lên bằng những than phiền kế tiếp. Cái cụm từ mà bọn trẻ con trêu nhau “anh hùng bàn phím” - tạm gọi là những người “anh hùng” nặng lời chửi rủa bất kể ai trên mạng - lẽ ra phải dành cho những người lớn suốt ngày phẫn nộ vì xã hội đen tối và mãi chẳng thay đổi.
Nhưng ngoài sự giận dữ ấy ra, họ đã làm gì để tạo nên cái “tôn giáo” tuyệt vọng của mình? Khi đám nhóc ra ngoài và chụp ảnh, họ gọi đó là những tấm ảnh vô giáo dục, cần kỷ luật, cần kết tội, giống như những đứa sinh viên “lỡ dại” chụp ảnh kỷ niệm ở Hoàng thành Thăng Long.
Khi những đứa trẻ hôn ghế thần tượng Bi Rain của chúng, thay vì nhìn chúng như những fan cuồng thông thường, họ sẵn sàng phẫn nộ và chất vấn rằng vì sao chúng không thần tượng cha mẹ, anh hùng mà lại thần tượng một ca sĩ nước ngoài xa lạ.
Người ta đã đẩy con trẻ đi xa quá xa khỏi bến bờ của tuổi trẻ hồn nhiên với những vụng dại thông thường và đơn giản. Họ “khái quát hóa” và luận tội chính những đứa em, đứa con mình chỉ vì chúng đã lớn lên trong một thế giới có tivi, có iPad, có mạng xã hội, có Youtube, để chúng có thể tìm đến với nhau và tạo thành fan club. Ngày xưa có mạng xã hội không? Ngày xưa có đủ ăn dư dả dư tiền mua quần áo đẹp không? Không, và bởi thế cuộc sống thực ra cũng khác. Thậm chí, cái cuộc sống của 10 - 20 năm về trước ấy, người lớn còn chẳng có cả cái máy hình kỹ thuật số để mà chụp ảnh tự sướng rồi post lên mạng cho... bị chửi nữa đâu.
Bằng một kiểu cách méo mó và đầy mùi căm giận, thầy cô, cha mẹ, người lớn ấn vào đầu những đứa con mình niềm hồ nghi nặng nề và cả những dè chừng không tưởng tượng nổi. Có những đứa con gái học đến lớp 11 vẫn không được quyền đi chơi với đám bạn cùng lớp vì cha mẹ sợ nó bị... lừa tình bởi mấy thằng cùng lớp. Có những đứa ước mơ trở thành họa sĩ bị cấm tiệt vì cha mẹ tin rằng “cái nghề ấy chỉ có nước đi ăn mày, ai mà thèm thuê”. Mai mốt, chắc sẽ có cả những đứa không dám chụp ảnh “tự sướng” post lên mạng vì sợ bị nhà trường kỷ luật.
Nhưng cuộc sống này liệu có gì là một thành công viên mãn hay sự hủy hoại tuyệt cùng không? Khi trẻ, người ta vui chơi, yêu đương và làm những điều rồ dại. Người ta vẫn lớn lên mỗi ngày, sai lầm, đứng dậy, đi tiếp. Cách đứng dậy thẳng lưng, khòm lưng, bò lệt bệt, cắn rơm cắn cỏ cúi đầu... hay gì khác, lại là cái tâm lý được tiêm vào tim từ chính những năm tháng đầu tiên vào đời, bởi những bồi tụ suốt bao năm sống và nghĩ suy.
Quá nhiều những ẩn ức, sự hỗn loạn, niềm tuyệt vọng bên trong cái nhìn của người lớn đã nhuốm màu vào trái tim non nớt và tinh thần của người trẻ mới lớn lên. Người trẻ giận dữ không nguyên cớ bởi họ ở tuổi 17 đang dậy thì. Nhưng người trẻ tuyệt vọng không nguyên cớ lại là một chuyện đau lòng mới mẻ, bởi họ đã bị kết nạp vô cái “giáo phái tuyệt vọng” mà những người lớn xung quanh đã chăng sẵn lưới và mời mọc họ vào.
Sẽ có 100 vụ án giết người mỗi ngày ở cái góc nào đó trong xã hội này hay xã hội khác. Sẽ có 100 cuộc cãi vã và đánh nhau trên góc phố mỗi lần người ta va phải nhau. Nhưng cuộc sống liệu có dừng lại ở các cuộc giết người và những lời chửi nhau không?
Thực ra, cuộc sống sẽ đi xa hơn cả những câu than phiền ngắn ngủi. Cuộc sống là những người đàn bà già ở chợ góp tiền nấu đều đặn hàng nghìn bữa ăn mỗi ngày cho những bệnh nhân sắp mất vì bệnh ung thư. Cuộc sống là những ông xe ôm, sẵn sàng chạy ra giữa đường đỡ lấy người bị tai nạn giao thông, chở vào bệnh viện và còn giữ cả đồ đạc giùm nạn nhân. Cuộc sống có khi chỉ là một người mẹ hay lau luôn cả phần hành lang trước nhà và cho cả nhà hàng xóm, mỗi khi hàng xóm bận việc quá chưa dọn dẹp.
Cuộc sống là một sự bất trắc vô hạn không ngờ đến được, nhưng nếu không có một không khí của niềm vui và mạnh mẽ, người ta sẽ chết vì tuyệt vọng trước khi bắt tay vào làm một điều gì đó tử tế hơn cái di sản của thế hệ trước để lại.
Khi ném những lời giận dữ vào ai đó, có thể những người lớn đang gieo một lời nguyền tuyệt vọng cho đời này, cho chính những đứa trẻ mong manh và đầy sức sống của họ.
Hãy cẩn thận.
Khải Đơn (*)
* Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một nhà báo, blogger sống và làm việc tại TP.HCM.
>> Nỗ lực trong… tuyệt vọng
>> Tuổi trung niên, “tôi ơi đừng tuyệt vọng!”
>> Hãy gặp ông trước khi tuyệt vọng!
Bình luận (0)