Những 'tổ kiến hổng'

21/04/2020 04:26 GMT+7

Mấy ngày này, ngoài chuyện dịch bệnh, tòa soạn nhận số lượng comment (bình luận) khủng liên quan 3 vụ việc: vụ “đại gia” đánh bảo vệ bệnh viện ở Đà Lạt , vụ nhóm côn đồ dùng dao uy hiếp, phá nhà dân như chốn không người ở Vũng Tàu và vụ Đường “Nhuệ” ở Thái Bình.

Điểm chung của các vụ việc này đều là sự hành xử côn đồ, bất chấp pháp luật của một người hoặc nhóm người.
Nếu vụ Đường “Nhuệ” dư luận đặt vấn đề cần làm rõ việc bảo kê, chống lưng khiến băng nhóm này hoành hành 10 năm, phải chờ đến “tân giám đốc công an” mới được rờ tới, thì 2 vụ còn lại bạn đọc đều bày tỏ lo lắng về những Đường “Nhuệ” phiên bản mới. Khi mà sự việc đều khá rõ ràng, khẩn cấp nhưng sự vào cuộc của cơ quan chức năng lại tỏ ra rất chậm chạp, có dấu hiệu bao che, coi nhẹ sự việc.
Gửi bình luận về những vụ việc này, rất nhiều bạn đọc có chung câu hỏi “cậu này là con đồng chí nào?”, một câu đùa nhưng nghe ra rất thấm thía, sâu cay.
Đóng cửa đánh người ngay tại trụ sở công an mà rồi vụ án vẫn đình chỉ điều tra vì “không đủ chứng cứ”, thì chỉ có thể hoặc “con đồng chí nào” hoặc “có ba trăm lạng việc này mới xuôi”.
Nhưng dù là lý do gì, tiền hay quyền lực thì cũng đều có nguyên nhân từ sự tha hóa của đội ngũ thực thi công vụ địa phương, đã để cho quyền lực và tiền bạc tác động làm lệch lạc công lý.
Nếu không có sự làm ngơ năm lần bảy lượt của cơ quan công quyền từ những mâu thuẫn cá nhân (tưởng là) nhỏ, thì không có một “đại gia” hành xử như xã hội đen khét tiếng, ăn chặn không từ thứ gì như Đường “Nhuệ”. Nếu không có sự dung dưỡng, bao che cho những sai phạm cá nhân của một “doanh nhân” như Trịnh Xuân Thanh từ năm 2012, thì không có vụ án nghìn tỉ với 20 đồng phạm, bao gồm của Ủy viên Bộ Chính trị năm 2018.
Vậy nên những vụ việc tưởng chừng đơn lẻ như đập phá nhà dân vô pháp, vô luân ở Vũng Tàu; đánh người trắng trợn, côn đồ ở Đà Lạt, phải được xử lý bằng luật pháp. Để không vì một vụ việc nhỏ, ở một địa phương, do không xử lý triệt để, nghiêm minh có thể làm ảnh hưởng đến thành tựu của Đảng, của chính quyền T.Ư về xây dựng nhà nước pháp quyền.
Trong xã hội, những chuyện gây ra hậu quả lớn nghiêm trọng, thường được khởi nguồn từ chính những điều tưởng như rất nhỏ nhặt. Trong cuộc sống, một sự việc nhỏ có thể mang đến thành công cho một con người, nhưng cũng có thể hủy hoại một con người, thậm chí là một quốc gia.
Không phải ngẫu nhiên mà cổ nhân cảnh báo: Tổ kiến hổng sụt toang đê vỡ. Việc nhỏ không phòng, việc lớn ắt xảy ra.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.