Những trạm bơm hàng chục tỉ 'đắp chiếu'

12/03/2022 06:16 GMT+7

Trạm bơm Vực Giồng (TX.Thái Hòa, Nghệ An) có chi phí đầu tư xây dựng 30 tỉ đồng. Năm 2016, trạm bơm này hoàn thành nhưng đã 6 năm trôi qua, công trình này vẫn 'đắp chiếu'.

Trạm bơm Vực Giồng (P.Long Sơn, TX.Thái Hòa) là 1 trong số các trạm bơm nằm trong dự án thủy lợi Bản Mồng (do Sở NN-PTNT Nghệ An làm chủ đầu tư). Trạm bơm này có chi phí đầu tư xây dựng 30 tỉ đồng. Năm 2016, trạm bơm này hoàn thành nhưng đã 6 năm trôi qua, công trình này vẫn “đắp chiếu”.

Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, mặc dù hồ sơ thiết kế của dự án này nêu mục tiêu tưới cho hơn 70 ha lúa và 150 ha hoa màu thuộc P.Long Sơn, nhưng thực tế chỉ tưới cho khoảng 20 ha lúa. Diện tích đất bãi trồng mía, ngô... thì lâu nay không có nhu cầu tưới, hoặc nếu cần tưới thì chỉ tưới được một số diện tích nằm gần 2 bên kênh. Vì vậy, hệ thống thủy lợi này khi đưa vào sử dụng cũng không có nhiều tác dụng.

Trạm bơm Vực Giồng “đắp chiếu” 6 năm qua, mặc dù tốn kém đến 30 tỉ đồng ngân sách

K.HOAN

Trao đổi về số phận trạm bơm này, ông Đoàn Đức Hạnh, Chủ tịch UBND P.Long Sơn, cho biết chủ đầu tư đã nhiều lần đề nghị địa phương nhận bàn giao để vận hành, nhưng phường không nhận do diện tích tưới nhỏ trong khi công tác vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị lại phức tạp, tốn kém. “Trong các cuộc tiếp xúc cử tri, người dân đã nhiều lần phàn nàn về trạm bơm này và đề nghị cơ quan chức năng có phương án xử lý để tránh lãng phí”, ông Hạnh nói.

Ông Hoàng Trần Lâm, Giám đốc Công ty TNHH MTV thủy lợi Phủ Quỳ, cho biết mới đây Cục Quản lý xây dựng công trình (Bộ NN-PTNT) và Sở NN-PTNT Nghệ An đã đến kiểm tra, cho chạy thử trạm bơm và sắp bàn giao cho đơn vị này quản lý, vận hành. Ông Lâm cũng tỏ ra dè dặt khi đánh giá về hiệu quả của trạm bơm này.

Tương tự, trạm bơm Hòn Rô (xã Nghĩa Bình, H.Tân Kỳ, Nghệ An) nằm trong dự án thủy lợi Bản Mồng được xây dựng xong từ 6 năm qua cũng chỉ mới vận hành… vài lần. Theo hồ sơ thiết kế, trạm bơm này cấp nước cho hơn 430 ha lúa, hoa màu và tạo nguồn nước sinh hoạt trong vùng với kinh phí 62 tỉ đồng, hoàn thành từ năm 2016.

Ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Bình, cho biết 6 năm qua, trạm bơm này cũng chỉ sử dụng vài lần bơm, mỗi lần khoảng 10 ngày. Theo ông Thắng, xã có 10 hồ đập cung cấp nguồn nước tưới tự chảy từ lâu nay vẫn cung cấp đủ cho 265 ha lúa của xã.

“6 năm qua, xã chỉ mới dùng trạm bơm này vài lần khi nắng nóng kéo dài, các hồ đập bị cạn nước. Còn đất bãi ven sông trồng màu, để tưới được từ hệ thống kênh mương này, dân phải đầu tư công nghệ tưới phun hoặc tưới nhỏ giọt, nhưng do chi phí quá lớn nên không ai dám đầu tư”, ông Thắng nói.

Lý giải về tính hiệu quả “nửa vời” trên, một cán bộ thuộc Ban quản lý dự án ngành nông nghiệp Nghệ An cho biết dự án chỉ đầu tư hệ thống kênh mương chính, còn việc dẫn nước tưới từng chân ruộng là của địa phương (!).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.