Không ít cán bộ chiến sỹ công an đã vận động được nhiều đối tượng bị truy nã (ĐTTN) ra đầu thú để hưởng chính sách khoan hồng của pháp luật, mà không cần phải nổ súng trấn áp.
Thiếu tá Trần Trọng Nghĩa- Phó Đội trưởng Đội truy bắt truy nã hệ khác (Phòng cảnh sát truy nã tội phạm, PC52 Công an Bình Dương), người có trên 15 năm làm công tác bắt tội phạm truy nã. Trong đó rất nhiều tội phạm đặc biệt nguy hiểm được anh Nghĩa vận động ra đầu thú.
|
Vận động bằng chính sách pháp luật
Tháng 3.2012, tại P.Thuận Giao, TX. Thuận An (Bình Dương) xảy ra vụ án mạng đặc biệt nghiêm trọng. Theo hồ sơ của công an, do mâu thuẫn với nhóm công nhân trong Công ty Đ.H.P (TX.Thuận An) nên Lâm Văn Điền (27 tuổi) và Lâm Văn Cảnh (21 tuổi, cùng ngụ Hậu Giang) và người cha ruột là Lâm Văn Hương (49 tuổi) đã gây ra vụ hỗn chiến làm Lê Tuấn Khanh (17 tuổi, ngụ Bình Dương) tử vong. Sau khi vụ án mạng xảy ra, công an đã bắt ông Hương để điều tra, còn Cảnh và Điền bỏ trốn biệt tích về các tỉnh miền Tây. Một chuyên án truy bắt Điền, Cảnh mang bí số 214GN được PC52 Bình Dương nhanh chóng xác lập, giao cho Đội 3 do thiếu tá Trần Trọng Nghĩa chỉ huy truy bắt. Để thực hiện, thiếu tá Nghĩa cùng thiếu úy Hoàng Xuân Nam và trung úy Nguyễn Tuấn Hải tức tốc lên đường về miền Tây.
|
Thiếu tá Nghĩa cho biết, do các đối tượng lúc ẩn, lúc hiện, rất khó khăn cho công tác truy tìm, vì thế các trinh sát quyết định vận động gia đình đưa ra đầu thú. Thiếu tá Nghĩa kể: “Tại Hậu Giang, chúng tôi nhận được thông tin cho biết Điền đang ở ngoài chòi canh ruộng lúa. Nhưng khi chúng tôi lội qua hơn 2km ruộng mới đến được chòi canh thì Điền lại trốn mất”. Sau đó, nhóm trinh sát trở lại nhà của Điền, thuyết phục, vận động gia đình. Đến khoảng 15 giờ ngày 4.3, người mẹ đã đi tìm và đưa Điền ra đầu thú. Chưa dừng lại ở đó, nhóm trinh sát do thiếu tá Nghĩa chỉ huy tiếp tục về H.Long Thành (Đồng Nai) vận động ông Lâm Văn Hương (đang được tại ngoại về đây sinh sống-PV) đưa Lâm Văn Cảnh ra đầu thú. Bằng những lời nói có tình có lý, khoảng 1 tuần sau (ngày 11.3) thì Lâm Văn Cảnh cũng ra đầu thú. Chuyên án 214GN kết thúc.
Bốn năm liền chưa sử dụng 1 viên đạn
Trò chuyện với phóng viên, thiếu tá Nghĩa tâm sự: “Mặc dù có trên 15 năm kinh nghiệm bắt tội phạm truy nã nhưng vài năm trở lại đây tôi mới rút được kinh nghiệm về phương pháp vận động đầu thú. Vì thế trong khoảng hơn 4 năm nay tôi chưa phải sử dụng một viên đạn nào để bắt tội phạm truy nã”. Theo thiếu tá Nghĩa, việc những đối tượng phạm tội trốn truy nã làm ảnh hưởng rất lớn đến gia đình, người thân. Họ luôn có mặc cảm và bị người ngoài dòm ngó, thậm chí là chê bai, công kích. Nếu người trốn truy nã trong thời gian càng lâu thì gia đình họ càng phải chịu tai tiếng từ xã hội.
Trao đổi với PV Thanh Niên, thượng tá Nguyễn Văn Nem- Trưởng phòng PC52 Bình Dương cho biết, lãnh đạo chỉ huy đơn vị đã xác định công tác vận động đầu thú là một nhiệm vụ quan trọng: “Nếu làm tốt công tác vận động đầu thú sẽ tiết kiệm được rất nhiều kinh phí cho nhà nước, giảm tối đa sự rủi ro, nguy hiểm cho cán bộ, chiến sĩ”- thượng tá Nem nói. Qua công tác vận động đầu thú cũng làm tốt được công tác tuyên truyền pháp luật cho người phạm tội và người thân của họ. Thượng tá Nem nhắn nhủ: “Những gia đình có con em, người thân, trong một phút lầm lỡ nào đó mà phạm tội thì nên vận động con em mình đến cơ quan công an đầu thú để được hưởng chính sách khoan hồng của pháp luật”.
Đỗ Trường
>> Vận động đối tượng bị truy nã ra đầu thú
>> Kẻ chém chết người yêu cũ tại quán cơm ra đầu thú
>> Nghi can xả súng vào khách sạn ra đầu thú
Bình luận (0)