Nói đến bóng đá TP.HCM và miền Nam là phải nói đến Cảng Sài Gòn, một đội bóng tồn tại đến 34 năm trước khi chuyển giao.
>> Những tượng đài đã mất: Công nghiệp Hà Nam Ninh vang bóng một thời
>> Những tượng đài đã mất: Đội bóng tài hoa Sở Công nghiệp
>> Những tượng đài đã mất: Thể Công - Khúc quân hành huyền thoại
>> Những tượng đài đã mất: Đội bóng tài hoa Sở Công nghiệp
>> Những tượng đài đã mất: Thể Công - Khúc quân hành huyền thoại
|
Trong bóng đá, người ta hay kêu ca rằng cứ hễ đá đẹp thì ít có lối chơi hiệu quả và ngược lại. Nhưng với Cảng Sài Gòn (CSG), điều đó không hoàn toàn đúng. Suốt hơn 30 năm tồn tại của mình, chưa bao giờ đội bóng bị kêu ca vì đá không đẹp. Và cũng ngần ấy thời gian, họ là đội bóng đi hết từ thành công này đến thành công khác với 4 ngôi vô địch quốc gia vào các năm 1986, 1994, 1997 và 2002; 2 lần đoạt Cúp quốc gia năm 1992, 2000; 2 lần dự Cúp C1 châu Á năm 1995 - 1996 và 1999; 2 lần dự Cúp C2 châu Á năm 1994, 2001; còn trước đó nhiều năm liên tiếp vô địch TP.HCM, á quân giải Cửu Long... Thời kỳ huy hoàng của CSG từ 1976 - 2002 đủ cho thấy tiềm lực của đội bóng biểu tượng một thời này hùng hậu thế nào.
Vừa đá đẹp, vừa hiệu quả
Không phải ngẫu nhiên CSG vừa đá đẹp, vừa hiệu quả nếu như đội không trung thành với phong cách đã ra sân là luôn chơi cống hiến, chơi hoa mỹ nhưng hết sức chặt chẽ. Chủ trương đá đẹp đó có từ khi đội hình thành vào ngày 1.11.1975. Dưới bàn tay của HLV Nguyễn Thành Sự, mỗi lần ra sân CSG luôn mặc màu áo trắng với cách chơi nhẹ nhàng, uyển chuyển và đầy thu hút. Dàn sao của CSG do Tam Lang ở dưới, Tư Lê bên trên dẫn dắt có những cái tên đã đi vào lòng người như thủ môn Lưu Kim Hoàng, trung vệ Lê Đình Thăng, Lạc Phước Hải, Nguyễn Phúc, hậu vệ Nguyễn Tấn Trung (Trung đầu hói), Nguyễn Vinh Quang, Huỳnh Đình Phi, Vương Diệu Thành, tiền vệ Dương Văn Thà, Nguyễn Văn Mười (Mười xìu), Nguyễn Thanh Tùng (Tùng móm), Nguyễn Văn Hòa, tiền đạo Trần Văn Xinh, Nguyễn Văn Ngôn, Nguyễn Văn Thòn, Hồ Thủy, Phan Hữu Phát… Mỗi lần chạm bóng, họ đều tạo nên những bức tranh nghệ thuật.
Khi Tam Lang đi học ở Đức về nắm đội thì CSG kế thừa truyền thống này lại càng đá đẹp và hiệu quả hơn. Đặc biệt, lớp cầu thủ đào tạo chính quy từ trường năng khiếu như Đặng Trần Chỉnh, Hà Vương Ngầu Nại, Phạm Văn Tám, Võ Hoàng Tân, Nguyễn Hồng Phẩm, Võ Hoàng Bửu, Phan Huy Khải, Đặng Trần Phúc… sau này có thêm Lư Đình Tuấn, Hồ Văn Tam, Hồ Văn Lợi, Huỳnh Hồng Sơn, Trần Quan Huy, Nguyễn Văn ... đã đưa CSG càng chơi càng thăng hoa.
Ghép tên mất bản sắc
Trong thời kỳ hào hùng của mình, CSG gắn liền với tên tuổi của Tổng giám đốc Trần Văn On. Ông là người tâm huyết, đã dùng “bầu sữa” của công nhân Cảng “nuôi” đội bóng bất chấp có lúc bị phản ứng. Nhưng chính thái độ quyết liệt của ông On cùng các cộng sự Huỳnh Công Dân, Nguyễn Xuân Thái đã duy trì hình ảnh CSG tồn tại lâu nhất và trở thành tài sản tinh thần to lớn so với các tượng đài khác của bóng đá TP. Tuy nhiên, sự chuyển đổi cơ chế cùng tình hình kinh tế khó khăn chung buộc đội bóng đến lúc phải tìm “bầu sữa” bên ngoài chi viện.
Sau khi vô địch quốc gia năm 2002 thì ngày 28.3.2003, đội bóng được chuyển giao cho Công ty CP bóng đá Thép Miền Nam (TMN) - CSG quản lý. Nhưng đau hơn cả là sau khi chuyển đổi cơ chế thì đội lại thi đấu không tốt và xuống hạng ngay năm đó. Lý do như chính các cầu thủ Cảng giải thích, sự chuyển đổi này khiến họ cảm thấy tinh thần dao động, niềm tin bị lung lay khi cái tên CSG trở thành thứ yếu. Từ đó họ thi đấu mất tập trung, không còn bản sắc.
Dù vậy, với bản lĩnh của một đội bóng lớn, TMN-CSG ngay năm sau trở lại hạng cao nhất, nhưng cũng chỉ vùng vẫy được vài năm thì TMN rút về phía sau. CSG đến năm 2008 cũng tuyên bố không còn kinh phí để duy trì đội bóng. Thế nên ngày 20.1.2009, những giọt nước mắt của CĐV CSG đã rơi khi đội chính thức chuyển giao để mang tên mới CLB TP.HCM. Cái tên CSG chính thức xóa sổ từ đây.
Có lúc đội trải qua những sóng gió do vài cầu thủ dính tiêu cực như vụ “bàn thắng đậm” Nam Định 5-0 trận cuối giúp SLNA đăng quang ở mùa giải 2001 hay câu chuyện có trụ cột bị cấm thi đấu từ những năm 1990 do liên quan đến dàn xếp tỷ số... Nhưng vượt lên trên tất cả, CSG vẫn đi vào lòng người, vẫn là thương hiệu mang tầm vóc lịch sử, vẫn là đội bóng có nét đặc trưng và giàu thành tích, vẫn là cái tên “cháy” mãi với màu trắng tinh khôi trong tâm khảm người hâm mộ.
Quang Tuyến
Bình luận (0)