Những 'ước mơ nhỏ bé' của thầy cô giáo

22/08/2022 05:06 GMT+7

Nhiều bạn đọc đồng tình cho rằng lương, phụ cấp thấp không phải là 'niềm đau' duy nhất để nhiều giáo viên quyết định nghỉ việc thời gian qua. Còn nhiều lý do khác khiến các thầy cô, ngay cả ở vị trí quản lý, cũng viết đơn xin nghỉ.

Như Thanh Niên đã thông tin, tiếp phóng viên ở trường học, cô Trần Thị Trung Hiền, 46 tuổi, hiệu trưởng một trường tiểu học ở TP.HCM, vừa có quyết định thôi việc, tất bật với rất nhiều giấy tờ, sổ sách để bàn giao công việc. Trước đó, từ tháng 3.2022 cô đã gửi đơn xin thôi giữ chức vụ quản lý và thôi việc. Khi thấy chưa được giải quyết, tháng 5.2022 cô tiếp tục gửi đơn thêm một lần nữa.

“Tôi chia sẻ thật lòng, tôi nghỉ việc không phải vì lương, phụ cấp. Tôi cũng không phải cố gắng suốt thời gian qua vì cái ghế hiệu trưởng. Tôi luôn tâm niệm mình làm nghề giáo thì làm vì những điều tốt đẹp cho học sinh (HS), cho giáo viên (GV), đồng nghiệp của mình. Bây giờ tôi nghỉ vì môi trường làm việc”, cô Hiền thẳng thắn.

Cô Hiền, hiệu trưởng một trường tiểu học ở TP.HCM, đã xin nghỉ việc, người chia sẻ với PV Thanh Niên

THÚY HẰNG

Nhà giáo Hoàng Danh, thâm niên 35 năm, đang dạy lịch sử ở trường THCS tại một tỉnh miền Tây, nói thẳng: “GV nghỉ việc do lương thấp chỉ là một trong nhiều nguyên nhân. Thời bao cấp, điều kiện kinh tế còn khó khăn hơn giờ rất nhiều nhưng nhiều GV vẫn chịu được để vượt qua. Theo tôi, ngoài lý do thu nhập còn có một số nguyên nhân khác”.

Một trong những lý do không liên quan lương, phụ cấp nhưng khiến GV quyết định nghỉ dù đã làm việc lâu năm, theo thầy Hoàng Danh là “lãnh đạo nhiều đơn vị không công bằng khi phân công chuyên môn, công việc”.

Thầy nói cụ thể người làm được việc thì phân nhiều việc liên tục. GV các môn dạy thêm vừa có tăng thu nhập nhưng ít bị phân công công việc ngoài giảng dạy, trong khi GV các môn không dạy thêm “lãnh đủ”. Làm nhiều việc thì sai sót nhiều, bị trừ điểm thi đua, cuối năm gây ức chế...

Đủ thứ áp lực

“Đây là bài báo (Vì sao giáo viên nghỉ việc?: Lương không phải là “niềm đau duy nhất”) mà tôi thích đọc nhất sáng nay. Ngành giáo dục bao năm qua vẫn là đề tài được đưa ra bàn cãi, thế nhưng dù có cố gắng cải tiến như thế nào đi nữa thì hình như vẫn giậm chân tại chỗ và luôn có nguy cơ tụt hậu so với các nước, bởi căn bệnh thành tích đã di căn rồi và hiện chưa có thuốc đặc trị...”, bạn đọc (BĐ) Hung Thai Kim bày tỏ.

Cùng quan điểm, BĐ Yumi bức xúc viết: “Lương không phải là “niềm đau” duy nhất. Đúng. “Niềm đau” khác là những áp lực hằng ngày, hằng tuần, hằng tháng theo suốt năm học với đủ loại sổ sách, báo cáo, phong trào thi đua, thi GV, chủ nhiệm giỏi... Nói chung là đủ thứ chứ không chỉ tập trung vào nhiệm vụ giảng dạy là chính, mà toàn là các phong trào thi đua. HS thì cứ phải khen, cuối năm thì cả lớp đều là HS giỏi...”.

[email protected] tự giới thiệu là người có hơn 30 năm đứng lớp, thẳng thắn cho rằng: “Đúng là GV nghỉ dạy không chỉ vì lương thấp, vì áp lực công việc đâu, mà còn vì sự bất cập trong giáo dục, đặc biệt là sự bất công của ban giám hiệu, ưu ái cho những người cùng phe nhóm, trù dập những người ngay thẳng có chuyên môn cao hoặc vì nghi ngờ một sự việc mà GV không có rồi cũng trù dập...”.

Giáo viên mong muốn gì ?

Đối diện với bao nhiêu là khó khăn, áp lực..., GV mong muốn điều gì? BĐ Hồng Đức chia sẻ: “Dạy thật, học thật là ước mơ của GV! Thật đau lòng khi đó là sự thật. Từ những năm 1998 - 1999, chương trình phổ cập giáo dục tiểu học đã làm khổ CB-GV các trường tiểu học, nhất là vùng sâu vùng xa; sau này đến phổ cập THCS thì càng khổ hơn vì các thành tích ảo”.

BĐ Minh An phản ánh: “Hiện tại một số cán bộ quản lý tự coi mình là vua trong trường, ép GV làm những việc ngoài chuyên môn vào thứ bảy, chủ nhật như lau dọn phòng, sơn tường, sơn bàn ghế... Ngày xưa khó khăn, mọi người chung tay vì học sinh. Hiện nay các khoản tiền để tu bổ cơ sở vật chất thì có nhưng lại ép GV làm và coi đó là nhiệm vụ GV. GV cũng có gia đình riêng của mình chứ không thể bỏ hết tất cả chỉ ở trường. Việc ép GV vận động phụ huynh đóng góp các dịp lễ, tết, khai giảng, sự kiện cũng làm tổn thương danh dự của họ. Nếu không vận động đủ thì nhắc nhở, trừ thi đua. Môi trường sư phạm như thế, cán bộ quản lý như vậy thì người GV dần dần cũng mất nhiệt huyết”.

“Tôi cũng là GV, chỉ có vài mong muốn nhỏ. Một, lương đủ sống. Sống đơn giản thôi, nhưng phải đủ để không phải lo nghĩ ngày mai thì ăn gì, lấy gì đóng tiền học cho con... Hai, giảm bớt sổ sách, báo cáo, phong trào thi đua... không thực sự cần thiết để GV tập trung cho chuyên môn. GV vốn đã phải gồng gánh đủ thứ rồi, nên xin đừng “áp lực” gì nữa. Ba, đừng bắt GV phải vận động phụ huynh đóng góp các kiểu, khổ lắm! Bốn, còn nhiều nữa mà dài rồi, không dám viết...”, BĐ Tien Tien viết.

* Tôi là GV và cũng là người góp ý về những bất cập sờ sờ nhưng cũng nhận được sự im lặng hoặc không xử lý theo hướng tích cực, khoa học.

cungnguyen…@gmail.com

* Ngày xưa lương thấp vẫn yêu nghề, làm việc hết mình và cống hiến cho nền giáo dục. Ngày nay nghỉ việc vì nhiều lý do lắm.

thuhainguyen…@gmail.com

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.