Năm 1989, NSND Trần Hạnh nghỉ hưu ở Nhà hát Kịch Hà Nội theo quy định. Không tiếp tục đứng trên sân khấu kịch, ông tham gia đóng phim, đó cũng là thời điểm phim truyền hình bắt đầu bước chuyển mới. Đến giờ, chẳng thể kể hết những bộ phim truyền hình ông đã tham gia.
“Lúc tuổi tôi vẫn còn làm được nhiều, một ngày có khi đi làm 3 phim”, nghệ sĩ Trần Hạnh kể lúc sinh thời với người viết.
|
NSND Trần Hạnh từng chia sẻ, vai diễn trong phim truyền hình đầu tiên cũng là vai tâm đắc nhất của ông là ông Cần trong bộ phim Cuốn sổ ghi đời của đạo diễn Tất Bình. Thương con, ông Cần muốn kiếm cho mỗi đứa con một mảnh đất để khỏi “ra đụng vào chạm”.
Ông Cần kiếm tiền bằng cách thu nhặt những vỏ lon bia, điếu thuốc lá để bán. Được đồng nào ông lại cất đi và ghi chép cẩn thận vào một cuốn sổ. Nhưng gom góp mãi đến lúc qua đời, ông Cần vẫn chưa thể hoàn thành tâm nguyện.
Vai diễn ông Cần gây xúc động cho nhiều người xem. Ngay NSND Trần Hạnh cũng thấy bản thân mình có nhiều đồng cảm với nhân vật ông Cần.
|
NSND Trần Hạnh đã đóng vai chính trong bộ phim Chiếc bình tiền kiếp của đạo diễn Nguyễn Hữu Phần. Bộ phim mô tả nông thôn trong thời kỳ đầu phát triển với một thành phần nông dân thiếu hiểu biết giữa một rừng mánh khóe làm ăn của lái buôn, dẫn đến những bi kịch không chỉ cho mình mà cả gia đình, tộc họ.
Trong phim, ông vào vai lão Lâm. Tìm được một chiếc bình được chôn dưới đất, cho là đồ cổ, là báu vật gia tộc để lại, ông Lâm tìm đến giới chơi đồ cổ để biết thực hư. Chiếc bình được giới lái buôn ở thành thị “nổ” lên là báu vật vô giá để lừa khách hàng, vô tình nghe được nên lão Lâm nhất định không bán nữa mà ôm khư khư chiếc bình về nhà. Những mâu thuẫn trong gia đình và họ hàng từ đó mà ra…
Một trong những vai diễn xuất sắc khác của ông là vai diễn ông Thống trong bộ phim truyền hình Ngõ lỗ thủng, dựa theo 2 cuốn tiểu thuyết Ngõ lỗ thủng và Tiễn biệt những ngày buồn của nhà văn Trung Trung Đỉnh, do đạo diễn Quốc Trọng làm đạo diễn.
Gia đình ông Thống sống nghèo khổ biết bao năm. Đến khi 2 người con gái ông trưởng thành, họ không cam chịu cuộc sống như vậy nên tìm mọi cách để làm giàu. Ông Thống không chịu được cảnh các con sống thực dụng, bất chấp mọi thứ để làm giàu, bất lực nhìn các con xa rời vòng tay mình…
Với vai diễn này, NSND Trần Hạnh đã được vinh danh với giải thưởng Cống hiến tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc năm 2010.
Ông cũng nhận được giải Nam diễn viên xuất sắc trong bộ phim Nước mắt đàn bà tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 11 (1996).
Ngoài ra, ông để lại nhiều dấu ấn trong những bộ phim như Làng nổi, Truyện cổ tích tuổi 17, Tướng về hưu, Người cầu may, Hãy tha thứ cho em…
NSND Trần Hạnh là một trong những nghệ sĩ đầu tiên được nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú năm 1982 - 1984. Đến năm 1989, ông về hưu theo quy định. Vào năm 2019, ông được nhà nước phong tặng Nghệ sĩ nhân dân.
Bình luận (0)