Dù khoảng cách với các đội bóng hàng đầu châu Á đã được các chàng trai áo đỏ nỗ lực thu hẹp dần, nhưng vẫn còn đó nhiều vấn đề cần đặt ra trước trận gặp Ả Rập Xê Út vào tối mai.
Tình trạng sức khỏe của Tuấn Anh (phải) đang là vấn đề của đội tuyển Việt Nam |
Độc Lập |
Câu chuyện từ thông số
Ở trận đấu với người Nhật, những chỉ số về chuyên môn của chúng ta kém hơn so với đối thủ: tỷ lệ kiểm soát bóng là 36% (trận gặp Ả Rập Xê Út là 28%; trận gặp Úc là 30%); số lượng đường chuyền cũng khiêm tốn: 316 so với 618 của đội khách. Nhưng cho dù phải chịu sức ép pressing khá lớn đến từ Minamino và các đồng đội thì tuyển Việt Nam cũng đã thực hiện thành công 251/316 tổng số đường chuyền, đạt tỷ lệ 79% (trận gặp Úc là 176/277 - 64%; trận gặp Ả Rập Xê Út là 177/263 - 67%). Nếu so sánh trực tiếp với trận đấu gặp Nhật tại Asian Cup 2019 thì những thông số chuyên môn cũng cho thấy sự tiến bộ. Năm 2019 chúng ta chỉ kiểm soát bóng 32%; tổng số đường chuyền thành công là 229/327 - 70%. Đó thực sự là những con số biết nói thể hiện được những cải thiện tích cực của các học trò ông Park trước Nhật Bản và những đội bóng hàng đầu châu lục. Có thể những diễn biến trận đấu, những pha bóng trên sân đôi khi còn bị nhìn nhận dưới góc nhìn cảm tính, còn khi mọi thứ đã được phân tích dưới góc độ chuyên môn qua những con số thì mọi chuyện trở nên rất rõ ràng.
HLV Park yêu cầu Hồng Duy đá thế nào trong trận Việt Nam - Ả Rập Xê Út? |
Việc đội tuyển Việt Nam lép vế trước những “ông lớn” là đương nhiên, bởi họ mạnh hơn chúng ta về tất cả mọi mặt: con người, lối chơi, bề dày kinh nghiệm, bản lĩnh, thành tích. Chưa kể đây là lần đầu tiên Việt Nam đặt chân vào đấu trường này, có những trải nghiệm mới, có những hồi hộp, có những sai sót và nhiều thời điểm chúng ta chưa thi đấu đúng phong độ. Nhưng có thể cảm nhận chúng ta đang tốt dần lên.
Về mặt phòng ngự, những trận đấu mà chúng ta tập trung phòng ngự triệt để với những đối thủ hàng đầu thì Quế Ngọc Hải và các đồng đội đã thể hiện được sự tiến bộ. Những sai sót sơ đẳng trong trận đấu với Ả Rập Xê Út đã được nỗ lực chỉnh sửa một cách hiệu quả trong các trận gặp Úc và Nhật. Hai bàn thua trong 2 trận đấu trên là những sai lầm hiếm hoi của các tuyển thủ trong suốt cả 2 lượt trận. Và cũng phải nói thêm đó cũng là những khoảnh khắc tỏa sáng của các ngôi sao đẳng cấp châu Âu: đường chuyền của Hrustic (10, Úc) và tốc độ, sự nhạy bén của cặp Minamino (10) - Ito (14) của đội tuyển Nhật Bản.
Về tấn công, đội tuyển Việt Nam đã mạnh dạn kiểm soát bóng và tổ chức được nhiều đợt tấn công chất lượng về phía khung thành đối phương. Trận gặp
Ả Rập Xê Út có 3 cú sút; trận gặp Úc có 11 tình huống dứt điểm; trận vừa rồi gặp Nhật Bản số cơ hội là 7 và dứt điểm trúng đích là 2 với những pha bóng rất gần với bàn thắng của Tiến Linh, Xuân Trường. Thậm chí có những thời điểm tuyển Việt Nam kiểm soát bóng và thực hiện được hơn 10 đường chuyền trước áp lực pressing rất mạnh của đối thủ. Rõ ràng đó là sự tiến bộ cả về chuyên môn lẫn tinh thần, bản lĩnh. Dám chơi và chơi được trước những “ông lớn” châu Á.
Vẫn còn những sai sót
Đặc biệt là trong khía cạnh tổ chức phòng ngự của cả tập thể và cá nhân. Ở trận gặp Ả Rập Xê Út là khả năng phòng ngự từ xa của tiền vệ, là khả năng phòng ngự từ 2 biên của Trọng Hoàng - Văn Thanh. Trận gặp Úc là khả năng ngăn chặn các đường tạt của Hoàng Đức - Quang Hải; sự mất tập trung trong việc kèm người của Hồng Duy - Văn Đức. Trận gặp Nhật thì là tốc độ của Duy Mạnh; khả năng phán đoán và ra quyết định của Tiến Dũng. Còn trong những trận đấu gặp các đối thủ được đánh giá là ngang tầm hơn như Trung Quốc, Oman thì lại mất cân bằng giữa tấn công và phòng ngự. Đó là những trận đấu mà chúng ta dâng cao đội hình chơi đôi công hòng kiếm điểm đã để lộ ra điểm yếu về khả năng chuyển đổi từ tấn công sang phòng ngự. Cùng với đó, những sai lầm cá nhân của các tuyển thủ xuất hiện ngày càng nhiều: Tiến Dũng, Thanh Bình, Văn Toản, Duy Mạnh.
Từ các sai sót này đã ảnh hưởng không tốt đến tâm lý thi đấu ở một vài thời điểm khiến vẫn còn thêm một số vấn đề khác nảy sinh ở đội tuyển. Như việc sử dụng người cần sao cho phù hợp nhất thì vẫn còn đó những lúng túng nhất định của ban huấn luyện. Trường hợp của Tuấn Anh, một vị trí cầm bóng tốt nhưng lại rất dễ bị đau khi va chạm hoặc không đủ sức để chơi trên sân nhiều hơn, cũng đặt ra bài toán khó trong việc tính toán vị trí tiền vệ trung tâm. Hay câu chuyện của Phan Văn Đức đánh mất phong độ dù anh là một trong những gạch nối ở hành lang trái được thầy Park ưa thích, cũng đang làm đau đầu ban huấn luyện trong việc bố trí đội hình…
Trận gặp Ả Rập Xê Út vào tối mai sẽ mở đầu lượt về và chúng ta còn 5 trận đấu nữa. Lúc này việc tranh vé đi Qatar là bất khả thi, nhưng cơ hội để có điểm, để trải nghiệm, để học hỏi và hoàn thiện mình vẫn còn. Chúng ta cần nghiêm túc nhìn nhận lại bản thân, xem Việt Nam đang ở đâu, đang có khoảng cách như thế nào so với những đối thủ và đã làm được gì cũng như chưa làm được gì trong những trận đấu đã qua để tự hoàn thiện, để sửa lỗi. Thất bại bao giờ cũng cho chúng ta nhiều bài học hơn là khi chiến thắng. Và bài học đến từ những nền bóng đá hàng đầu châu lục luôn là những bài học đáng giá mà không phải lúc nào chúng ta cũng có được. Việc của thầy trò HLV Park Hang-seo lúc này là kiên trì với mục tiêu học hỏi và hoàn thiện mình, chắc chắn họ sẽ có được kết quả tốt hơn ở giai đoạn lượt về.
Liệu có hy vọng Ở World cup 2026 ?
Nguyên trợ lý HLV đội tuyển Việt Nam Vũ Tiến Thành phân tích: “Tuyển Việt Nam giờ chỉ còn xem 5 trận còn lại của vòng loại World Cup là những cuộc cọ xát để học hỏi, tích lũy kinh nghiệm cho tương lai chứ thực tế cánh cửa đi Qatar đã đóng sập. Vì thế ngay từ bây giờ VFF và tuyển Việt Nam phải xác định chuẩn bị sớm cho mục tiêu World Cup 2026, mà muốn vậy đầu tiên là phải tái hiện kỳ tích lọt vào vòng loại thứ 3 World Cup khoảng 3 - 4 năm nữa. Theo tôi nhiệm vụ này cũng không dễ dàng. Bởi khi đó dù Quang Hải, Công Phượng và đồng đội có thêm kinh nghiệm, bản lĩnh trận mạc, nhưng thể lực bắt đầu xuống vì đã xấp xỉ 30 tuổi, ngoài ra, phía sau những tài năng này vẫn là khoảng trống rất lớn về thế hệ kế thừa. Chúng ta cũng thấy rõ hiện nay khi đội tuyển chỉ cần khuyết vài vị trí chủ chốt như Hùng Dũng, Trọng Hoàng, Văn Hậu, Văn Lâm… các cầu thủ thay thế vẫn chưa tạo được sự yên tâm… Nói thế để thấy khi lực lượng thiếu chiều sâu và đồng đều về trình độ thì rất khó đi xa trong chặng đường dài như World Cup. Còn ngay cả khi nếu chúng ta giữ được phong độ, lọt vào vòng 12 đội cuối cùng trong vài năm tới thì dù World Cup 2026 tăng lên 48 đội, trong đó châu Á được 8 suất rưỡi thì để tiếp cận được suất vào VCK cũng như “hái sao trên trời”. Cứ nhìn bảng thành tích 12 đội hiện nay ở vòng loại thứ 3 thôi cũng thấy chúng ta còn kém 11 đội còn lại về nhiều mặt, nên hy vọng vào năm 2026 tôi nghĩ cũng sẽ rất khó. Tôi chỉ mong VFF xây dựng một chiến lược từ bây giờ cho 12 - 15 năm nữa với lứa tuyển chọn lại mạnh mẽ từ ban đầu, đầu tư, chăm sóc quyết liệt thì may ra đến năm 2034 trở đi chúng ta mới có thể biến giấc mơ World Cup thành sự thật”.
Đăng Khoa
Bình luận (0)