Những vấn đề 'nóng' chờ các bộ trưởng

04/11/2019 06:16 GMT+7

Những vấn đề còn bức xúc, vướng mắc thuộc 4 lĩnh vực nội vụ, công thương, NN-PTNT và thông tin - truyền thông hứa hẹn sẽ làm “nóng” phiên chất vấn các thành viên Chính phủ tại Quốc hội tuần này.

Kiểm soát dịch bệnh

Theo chương trình chất vấn mà Văn phòng Quốc hội (QH) dự kiến, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường sẽ là người đầu tiên ngồi “ghế nóng” tại phiên chất vấn cuối năm, bắt đầu từ ngày 6.11 và dự kiến kéo dài đến hết ngày 8.11.

Lực lượng chức năng tiêu hủy 4,2 tấn thịt lợn nhiễm dịch tả lợn châu Phi phát hiện tại H.Trảng Bom (Đồng Nai)

Ảnh: Lê Lâm

Các vấn đề chất vấn thuộc lĩnh vực này gồm: chất lượng, hiệu quả chương trình quốc gia về xây dựng nông thôn mới; công tác quy hoạch trồng trọt, chăn nuôi với thị trường tiêu thụ; ứng dụng KH-CN cao trong nông nghiệp; xuất khẩu nông sản, thủy sản.
Ngoài ra, còn có công tác phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh cho gia súc, gia cầm và chính sách hỗ trợ các hộ dân bị ảnh hưởng; hoạt động khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; công tác quản lý, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, khắc phục tồn tại trong khai thác, đánh bắt hải sản trên biển.
Trong báo cáo gửi tới QH về thực hiện nghị quyết về chất vấn tại kỳ họp thứ 3, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, về công tác quy hoạch tổng thể phát triển ngành nông nghiệp thì từ năm 2016, Bộ NN-PTNT triển khai rà soát, điều chỉnh “Quy hoạch tổng thể ngành nông nghiệp đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”. Tuy nhiên, theo quy định của luật Quy hoạch (có hiệu lực từ ngày 1.1.2019) thì quy hoạch này thuộc danh mục bị bãi bỏ. Do vậy, Bộ sẽ sử dụng kết quả này để phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của Bộ trong thời gian tới.
Hoạt động khai thác thủy sản cũng là một nội dung từng được chất vấn với Bộ trưởng Cường từ kỳ họp thứ 3 (năm 2017). Báo cáo của Bộ NN-PTNT liên quan tới vấn đề này cho hay, từ tháng 1 - 8.2019, tổng sản lượng thủy sản ước tính đạt 5,2 triệu tấn, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước; trong đó sản lượng thủy sản khai thác đạt 2,48 triệu tấn, tăng 3,8%; nuôi trồng đạt 2,72 triệu tấn, tăng 7,4%.
Hiện nay, Bộ NN-PTNT đang phối hợp với các địa phương ven biển triển khai các giải pháp để khai thác hải sản bền vững, có trách nhiệm, nhất là chỉ đạo tăng cường chống khai thác hải sản bất hợp pháp.

Nhiều vấn đề mới chất vấn Bộ trưởng Công thương

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh sẽ là thành viên Chính phủ thứ 2 tham gia trả lời chất vấn tại QH. Là bộ trưởng đã có 2 lần trả lời chất vấn trực tiếp tại các kỳ họp thứ 2 và thứ 6, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã nhận được tới 81 ý kiến chất vấn với 30 ý kiến chất vấn trực tiếp tại hội trường và 51 ý kiến chất vấn bằng văn bản.
Tuy nhiên, hầu hết các vấn đề được QH lựa chọn chất vấn lần này đều là những vấn đề mới như quản lý, điều tiết, quy hoạch phát triển điện lực; xúc tiến thương mại, phát triển thị trường ngoài nước; thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ; thương mại điện tử và kinh tế số... Một nội dung từng được chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương và tiếp tục được đưa vào phiên chất vấn lần này là công tác quản lý thị trường, phòng chống gian lận thương mại; quản lý cạnh tranh, bảo vệ người tiêu dùng.
Thông tin về vấn đề này trong báo cáo gửi QH trước kỳ họp, Bộ trưởng Bộ Công thương cho hay trong thời gian qua, Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (do Phó thủ tướng làm trưởng ban, Bộ Tài chính là cơ quan thường trực với thành viên là các bộ ngành), lực lượng quản lý thị trường cả nước đã từng bước củng cố, tăng cường triển khai các hoạt động kiểm tra, kiểm soát thường xuyên theo kế hoạch công tác hằng năm và thực hiện quyết liệt nhiều chương trình, kế hoạch chuyên đề để tạo sự chuyển biến rõ rệt hơn ở các địa bàn, lĩnh vực trọng điểm.
Theo đó, năm 2016 đến nay, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra trên 580.000 vụ hàng lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; phát hiện, xử lý trên 352.500 vụ vi phạm; thu nộp ngân sách nhà nước gần 1.900 tỉ đồng (chưa tính giá trị hàng tịch thu chờ bán).

Sắp xếp bộ máy, bổ nhiệm cán bộ còn nhiều hạn chế

Lĩnh vực nội vụ là lĩnh vực được nhiều đại biểu QH quan tâm nhất trong 5 nhóm vấn đề được đưa ra xin ý kiến với 85% đại biểu lựa chọn.
Các vấn đề mà QH dự kiến chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân tại phiên chất vấn tuần này dự kiến gồm việc sắp xếp, tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, nhất là việc sắp xếp cán bộ công chức sau khi sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, xã; công tác tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển, bồi dưỡng, đào tạo, thi nâng ngạch cán bộ, công chức, viên chức và công tác đánh giá cán bộ, công chức; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức. Khá nhiều nội dung dự kiến chất vấn tại kỳ họp này đã được đưa ra chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ tại kỳ họp thứ 2, năm 2016.
Trong báo cáo về thực hiện nghị quyết của QH về chất vấn, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được thì việc thực hiện sắp xếp, tổ chức lại bộ máy cơ quan chuyên môn ở một số địa phương thí điểm chưa được thực hiện đồng bộ, thống nhất. Việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã còn khó khăn, vướng mắc bất cập chưa được hướng dẫn cụ thể, kịp thời; giải quyết chính sách khi sắp xếp cán bộ, công chức dôi dư sau khi sáp nhập, hợp nhất các đơn vị hành chính còn khó khăn...
Một vấn đề khác, theo Bộ trưởng Tân, công tác đề bạt, bổ nhiệm, quản lý, sử dụng, luân chuyển cán bộ, công chức ở một số bộ, ngành, địa phương chưa đúng quy định, gây bức xúc trong dư luận, làm giảm niềm tin của nhân dân. Chất lượng tham mưu của đội ngũ cán bộ, công chức chưa cao, các biện pháp giải quyết chưa đạt yêu cầu; một số cán bộ, công chức, viên chức khi giải quyết công việc liên quan đến tổ chức và người dân chưa thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính, vẫn còn có những biểu hiện gây phiền hà, sách nhiễu...

Quản lý mạng xã hội

Bộ trưởng Thông tin - Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng là bộ trưởng thứ 4 trả lời trực tiếp các câu hỏi chất vấn tại phiên chất vấn lần này. Các vấn đề chất vấn thuộc lĩnh vực thông tin - truyền thông được QH lựa chọn gồm: công tác quản lý báo chí; quản lý giấy phép trong lĩnh vực báo chí, phát thanh, truyền hình; cấp, thu hồi thẻ nhà báo; công tác quản lý thông tin điện tử, nhất là các trang thông tin điện tử, mạng xã hội; quản lý quảng cáo trên báo chí, trên môi trường mạng; về ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng chính phủ điện tử.
Một vấn đề được nhiều ĐBQH quan tâm là quản lý thông tin trên internet, mạng xã hội. Báo cáo về vấn đề này, văn bản do Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng ký gửi tới QH cho hay, thực hiện Nghị quyết của QH, Thủ tướng tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn đẩy mạnh việc trao đổi, yêu cầu Facebook, Google hợp tác ngăn chặn, gỡ bỏ các thông tin sai sự thật, trái với quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước và các giải pháp chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng.
Theo Bộ trưởng Hùng, để từng bước xử lý vấn đề phát tán thông tin sai sự thật (fake news) trên nền tảng Facebook và YouTube, góp phần hạn chế tình trạng giả mạo fanpage của nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân trên mạng xã hội này, Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ, ngành liên quan xây dựng phương án chặn các dòng tiền giao dịch vi phạm pháp luật giữa người dùng VN và các nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới như Google, Facebook.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho biết, hiện bộ này đang đề nghị Facebook phải triển khai định danh tài khoản người sử dụng tại VN, trước mắt áp dụng tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM, và chỉ cho phép các tài khoản định danh mới được phát sóng trực tiếp (livestream); yêu cầu Facebook phải có chính sách tiền kiểm và gỡ ngay các quảng cáo chính trị phát tán tin giả khi có yêu cầu từ Chính phủ VN.

 Ý kiến:

Kết quả giải quyết các vấn đề ĐB chất vấn mới là quan trọng nhất

Ảnh: Gia Hân

Trong 4 lĩnh vực chất vấn, tôi quan tâm tới 2 lĩnh vực là nội vụ và thông tin - truyền thông. Trong lĩnh vực nội vụ, tôi dự kiến sẽ chất vấn bộ trưởng về việc nâng cao đội ngũ cán bộ, công chức viên chức, đặc biệt là những bất cập trong yêu cầu chứng chỉ tin học, ngoại ngữ rồi bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp...
Có những lĩnh vực rất cần song cũng có những lĩnh vực, nghề nghiệp không cần thiết và các quy định hiện nay đang gây khó khăn cho viên chức, người lao động, lãng phí tiền của của xã hội. Còn trong lĩnh vực thông tin - truyền thông tôi vẫn tiếp tục quan tâm tới vấn đề quản lý thông tin trên internet, đặc biệt là vấn đề tin giả, tin rác, tin xấu độc; rồi việc đánh bạc qua mạng, sim rác vẫn đang tiếp diễn, chưa được giải quyết.
Đây đều là những vấn đề tôi từng chất vấn rồi, các bộ trưởng cũng đã có trả lời rồi nhưng tới hiện nay tôi vẫn thấy chưa có chuyển biến, giải quyết chưa triệt để.
Tôi mong rằng, tại phiên chất vấn lần này các bộ trưởng khi trả lời chất vấn sẽ ngắn gọn, đi thẳng vào trọng tâm câu hỏi. Quan trọng nhất, theo tôi là cần phải đưa ra được những giải pháp, tổ chức thực hiện rất cụ thể để nói rõ giải quyết thế nào, khi nào xong, khi nào có kết quả đối với những vấn đề ĐB nêu.
Vì qua nhiều phiên chất vấn, nhiều bộ trưởng trả lời rất tốt, rất hay nhưng kết quả giải quyết các vấn đề mà ĐB nêu ra mới là quan trọng nhất.
ĐB Đinh Duy Vượt (Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai)

Giải quyết các tồn tại không chỉ là việc của bộ trưởng

Ảnh: Quochoi.vn

Phiên chất vấn lần này tôi quan tâm nhất là 2 lĩnh vực nội vụ và công thương. Đối với lĩnh vực nội vụ, vừa qua dư luận rất quan tâm tới những bất cập trong công tác bổ nhiệm cán bộ, đặc biệt là những trường hợp bổ nhiệm sai quy định, bổ nhiệm thần tốc... Cơ quan chức năng luôn nói là đúng quy trình nhưng những người được lựa chọn để đưa vào quy trình lại là những người phẩm chất yếu, năng lực kém thì dù quy trình tốt thế nào sản phẩm của nó cũng không thể tốt được. Còn lĩnh vực công thương, tôi quan tâm tới việc xử lý thế nào với 12 dự án thua lỗ mà QH khóa XIII chúng tôi coi đó như một “món nợ” mà QH khóa XIV phải xử lý xong.
Tuy nhiên, tôi cho rằng, giải quyết những tồn tại, bức xúc trong 2 lĩnh vực nêu trên hay bất cứ lĩnh vực nào thì việc giải quyết không chỉ nằm ở các bộ trưởng. Muốn xử lý được các vấn đề này cần phải có sự tham gia của cả hệ thống. Công tác cán bộ không chỉ một mình Bộ Nội vụ có thể giải quyết được mà còn liên quan tới các bộ, ngành, địa phương.
Các dự án ngàn tỉ kém hiệu quả phải "đắp chiếu", thất thoát hàng ngàn tỉ đồng cũng không phải một mình Bộ Công thương giải quyết được mà cần sự tham gia của nhiều bộ, ngành cũng như các địa phương. Tuy nhiên, nếu 2 bộ trưởng đưa ra được giải pháp đúng thì nó sẽ là chìa khóa để huy động cả hệ thống giải quyết những tồn tại, bất cập của ngành mình.
Ông Lê Như Tiến (nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên - Nhi đồng QH)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.