Cục Điện ảnh là đơn vị nhận nhiều câu hỏi nhất tại họp báo thường kỳ Bộ VH-TT-DL ngày 11.4. Trong đó, các câu hỏi tập trung vào việc phát hành phim nhà nước sao cho hiệu quả, kiểm duyệt phim trên mạng ra sao để tránh độc hại và việc cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam.
Về vấn đề phát hành phim nhà nước đặt hàng sao cho hiệu quả, Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành cho biết, sau khi kết thúc thử nghiệm phát hành, phim Đào, phở và piano đã thu về 21 tỉ đồng. Phát hành với hình thức 0 đồng (cụm rạp chiếu hoàn toàn không có phần trăm phát hành), giá vé giảm một nửa so với giá vé thông thường, bộ phim này đã hòa vốn.
Ông Vi Kiến Thành cũng cho biết từ thử nghiệm phát hành phim Đào, phở và piano, Cục Điện ảnh sẽ xây dựng nghị định về việc phát hành phim nhà nước. Theo đó, Trung tâm chiếu phim quốc gia sẽ được giao nhiệm vụ phát hành loại hình phim này.
Vấn đề kiểm soát chất lượng phim trên mạng cũng được đặt ra. Theo đó, Vụ Văn hóa Văn nghệ (Ban Tuyên giáo T.Ư) đưa ra nhận xét về tình trạng phim độc hại gây sốc, nhảm tràn lan trên mạng. Chưa kể, nhiều nền tảng trực tuyến còn phát các phim có đường lưỡi bò.
Về điều này, ông Vi Kiến Thành cho biết, phim trên không gian mạng theo quy định sẽ hậu kiểm chứ không phải tiền kiểm như các phim điện ảnh ra rạp. "Nhà phát hành chiếu thì phải chịu trách nhiệm nội dung, hiển thị các cảnh báo cần thiết. Với các nội dung độc hại, người xem trên không gian mạng cũng phải tự có sức đề kháng, chứ không thể hỏi sao phim như thế này mà vẫn cho chiếu", ông Thành nói.
Ông Thành chia sẻ khó khăn của Cục Điện ảnh khi khó phát hiện kịp thời các nội dung xấu độc, trong đó có phim có đường lưỡi bò phi pháp. Để hậu kiểm, Cục Điện ảnh đã thành lập Tổ công tác quản lý hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng. Mặc dù vậy, hiện Cục chỉ có 10 cán bộ kiêm nhiệm làm việc kiểm định này. "Chúng tôi có 2 ca, ca sáng, ca chiều và các nhân viên này vẫn phải làm việc khác. Mỗi ca chỉ có thể xem 5 phim, như vậy mỗi ngày chỉ xem được 10 phim. Không thể xuể", ông Thành nói.
Ông Thành cũng cho biết đơn vị của ông đã từng nghĩ đến việc để cộng đồng cùng giám sát phim và có cơ chế thưởng cho người phát hiện vi phạm. Theo đó, người xem báo chính xác vi phạm của phim về Cục sẽ được thưởng 200.000 đồng kèm theo chứng nhận đã phát hiện vi phạm. "Nhưng khi chúng tôi trình lên Bộ thì không được đồng ý", ông Vi Kiến Thành nói.
Bộ VH-TT-DL cũng thông tin về hiện trạng 300 bộ phim được lưu trữ tại Hãng phim truyện Việt Nam. Theo đó, tất cả 300 bản phim này đã ở trạng thái hỏng không thể cứu nổi. Bộ cũng không đưa ra được bước tiến triển mới nào của việc thoái vốn tại hãng phim này.
Bình luận (0)