Những vấn đề pháp lý từ vụ kiện Thần đồng đất Việt

18/02/2019 07:08 GMT+7

Sáng nay 18.2, TAND Q.1 (TP.HCM) tuyên bản án sơ thẩm vụ kiện quyền tác giả bộ truyện tranh Thần đồng đất Việt , một tranh chấp dai dẳng hơn 12 năm.

Lần đầu tiên tại TP.HCM, tòa án đưa ra xét xử những tranh cãi về tác quyền kéo dài thời gian kỷ lục và được báo chí, dư luận đặc biệt quan tâm. Bảo vệ cho thân chủ tại phiên tòa sơ thẩm, luật sư Phạm Đại Lợi cho rằng: “Nguyên đơn Lê Linh đã trực tiếp sáng tạo ra 4 hình tượng nhân vật trong Thần đồng đất Việt: Trạng tí, Sửu ẹo, Dần béo và Cả mẹo. Từ khi phác thảo cho đến khi hoàn thiện đi đăng ký bản quyền tác giả để từ đó làm các biến thể khác trong các tập truyện. Chứng cứ là các bản phác thảo gốc, trên trang bìa của các tập truyện từ tập 1 - 78 đều ghi nhận công sức của họa sĩ. Đặc biệt ở tập 37, Lê Linh còn được giới thiệu là tác giả đã sáng tác bộ truyện tranh”.
Những vấn đề pháp lý  từ vụ kiện Thần đồng đất Việt
Ông Nguyễn Vân Nam, luật sư đại diện bên bị đơn Phan Thị
Điều này lại khác với lập luận của phía bị đơn là Công ty Phan Thị và Giám đốc Phan Thị Mỹ Hạnh, đại diện là luật sư Nguyễn Vân Nam: “Trước khi bắt đầu tập truyện mới, bà Mỹ Hạnh chọn chi tiết về điển tích dân gian sẽ sử dụng, rồi cùng ông Linh xây dựng sườn nội dung chính cho câu chuyện. Ông Linh có nhiệm vụ bổ sung vào các câu thoại phù hợp với hoàn cảnh lịch sử của câu chuyện. Từ tập 24 trở đi, khi tích trạng trở nên khó tìm hơn thì giao ông Bá Hiền (nhân viên Phan Thị) trực tiếp xây dựng cốt truyện tích trạng, sau đó đưa cho ông Linh thực hiện. Vì vậy, nguyên đơn không trực tiếp sáng tạo tác phẩm ngôn ngữ là phần thoại của các nhân vật trong từng tập truyện, mà phải nghe bà Hạnh kể lại những lời thoại để sau đó phân đoạn, phân ý theo cách thức của bà Hạnh - sử dụng chúng cho phù hợp với hoạt động của hình vẽ. Ở đây, hoạt động chính của ông Linh là sắp xếp các lời thoại của nhân vật vào vị trí thích hợp trong khuôn hình từng trang sách; do đó không có sự sáng tạo trong nội dung lời thoại”.
Phía nguyên đơn khẳng định Phan Thị thuê vẽ hình ảnh các nhân vật trong bộ truyện tranh thì công ty là chủ sở hữu đối với các hình ảnh nhân vật này nhưng không vì thế được quyền làm mọi thứ mà không cần có sự đồng ý của tác giả.
Điều bất ngờ là yêu cầu này đã bị luật sư Nguyễn Vân Nam phản bác, rằng: “Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) nói riêng và luật pháp VN không có quy định nào công nhận tác giả là người có tên ghi trên tác phẩm. Luật SHTT VN khác với quy định quốc tế của Công ước Berne, cũng không có quy định suy đoán là tác giả. Do đó, việc Phan Thị ghi trên tập truyện 24 của Thần đồng đất Việt “tranh và truyện: Họa sĩ Lê Linh” (với chủ ý phần tranh và truyện do Lê Linh phụ trách), không phải là bằng chứng chứng tỏ hay công nhận họa sĩ này là tác giả”. Ông Nam nói thêm: “Công ước Berne mà VN là thành viên đặt ra những chuẩn mực tối thiểu của quyền tác giả, trong khi luật VN vẫn còn thiếu sót, chờ được hoàn thiện nên rất khó khăn cho chúng tôi trong việc bảo vệ quyền lợi cho thân chủ”.
Theo ông Nam, quyền tác giả trong quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động có ý nghĩa vô cùng quan trọng. “Vì hơn 65% tác phẩm được khai thác kinh doanh hình thành từ quan hệ này. Các vấn đề tranh chấp trong quan hệ ấy đã được quốc tế xử lý kỹ càng thành những kiểu mẫu. Quy định quyền nhân thân của tác giả là người lao động phải được sử dụng làm sao để không gây cản trở, khó khăn cho hoạt động sử dụng, khai thác tác phẩm bình thường của doanh nghiệp. Nhân viên yêu cầu được ăn chia theo doanh số, vì họ là tác giả của các tác phẩm mà họ hưởng lương để hoàn thành. Nếu những đòi hỏi này được khuyến khích sẽ cản trở sản xuất, kìm hãm sự phát triển và thực sự ít có doanh nghiệp nào dám mạo hiểm đầu tư cho nhân viên sáng tạo để rồi bị kiện ngược ra tòa”, ông Nam nói. Đây cũng chính là vấn đề đặt ra khi phiên tòa khép lại.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.