Sách in quá trang trọng và quá đẹp! Giở từng trang sách, tôi không khỏi nhớ lại lần đầu đặt chân đến Hà Nội, tháng 3.1979. Hà Nội lúc ấy vừa bước ra khỏi cuộc chiến, và đang bị đe dọa bởi một cuộc chiến khác. Gương mặt thành phố còn nét lam lũ, nhà cửa còn luộm thuộm. Nhưng đây đó trên những con đường, vẫn lung linh những góc đẹp lồ lộ: tòa nhà Bưu điện, bách hóa Tràng Tiền, Nhà Quốc hội… Cùng với những di tích Thăng Long xưa: chùa Một Cột, đền Ngọc Sơn… chính những tòa nhà thời Pháp - Đông Dương đã tạo cho Hà Nội vẻ thanh lịch duyên dáng của một thành phố thủ đô.
Tác giả Phúc Tiến (trái), chủ biên cuốn sách, và ông Philipe Chaplain, Chủ tịch Hội Di sản Pháp |
NVCC |
Đọc kỹ cuốn sách mới thấy di sản kiến trúc ấy phong phú như thế nào. Từ hơn 100 công trình, các soạn giả đã chọn ra 26 tòa dinh thự còn nguyên vẹn tại các quận trung tâm, trong đó có những tuyệt tác như Nhà hát Lớn thành phố, Bảo tàng Louis Finot, Viện Viễn Đông Bác Cổ… 10 công trình đã hư hại hoặc không còn nguyên vẹn, nhưng vẫn còn dấu tích: Khu đấu xảo, Sở Địa chính Bắc kỳ, Trường Mỹ thuật Đông Dương... Chẳng những có đầy đủ hình ảnh xưa và nay, sách còn dẫn lai lịch của từng tòa nhà, làm sống lại cuộc đời riêng của từng viên gạch, từng họa tiết qua thăng trầm của thời cuộc.
Một phần rất quan trọng trong sách là các bản vẽ thiết kế. Thực sự đây là những tài liệu quý mà nhóm biên soạn (Phúc Tiến, Trần Thị Mai Hương, Đỗ Hoàng Anh, Hoàng Thị Hằng, Bùi Thị Hệ, Hoàng Thị Phúc, Nguyễn Thị Thu Hiền) đã bỏ công tìm kiếm, sao lục từ kho lưu trữ quốc gia. Ngày trước tôi vẫn nghĩ chung chung rằng đây là những tòa nhà Tây, được xây nguyên xi theo kiểu Âu châu. Nhưng không phải thế: Rất khác với những ngôi nhà xây ở vùng có tuyết lạnh, chúng đã được cải biến để phù hợp với môi trường khí hậu của VN, một nước nhiệt đới nóng và nhiều mưa. Những ngôi nhà này vừa mang tính chất Pháp, vừa mang một số đặc điểm bản địa, hai yếu tố ấy hòa trộn nhuần nhuyễn, tạo nên phong cách Pháp - Đông Dương: Đây chính là giá trị độc đáo của chúng và cũng là điều nhóm biên soạn muốn nhấn mạnh qua tựa sách.
Bìa cuốn sách Kiến trúc Pháp - Đông Dương, những viên ngọc quý tại Hà Nội |
Sự hòa trộn ấy quả thật rất tinh tế, không hề có sự gượng ép hay lai tạp; không những thể hiện qua sự thích nghi với phong thổ địa phương, mà còn qua những yếu tố văn hóa Á Đông được lồng ghép khéo léo trong cách trang trí. Ví dụ ở “tòa nhà trăm mái” (Nhà tài chính Đông Dương, nay là trụ sở Bộ Ngoại giao VN) ta thấy có những trụ rào hình búp sen, và những họa tiết mang hình chữ vạn của nhà Phật được cách điệu trên tường nhà đây đó. Nhà thờ Cửa Bắc (nay là Nhà thờ Đức Mẹ, Hà Nội) với những mái ngói hình bát úp mang dáng dấp đình chùa VN quen thuộc. Mặt tiền Trường Paul Bert (bây giờ là Trường Trưng Vương gần hồ Hoàn Kiếm) đến nay vẫn còn lưu giữ logo của thành Hà Nội xưa với hai con rồng bay lên. Ngay trong khu phố cổ của Hà Nội, Trường nữ học Brieux (bây giờ là Trường Thanh Quan), vẫn còn mái ngói vẩy cá, cửa sổ mặt trăng và hình rồng đắp nổi, là những dáng nét Đông phương đặc sắc…
Một bạn đọc Pháp xem sách trong buổi ra mắt tại Paris ngày 17.9.2022 |
Hỏi chuyện Phúc Tiến, tôi được biết ý tưởng về cuốn sách này đã được thai nghén vào cuối 2019 và thực hiện trong hai năm dịch Covid 2020 - 2021. Nhóm biên soạn vừa làm việc trực tiếp vừa làm việc online, đặc biệt trong những tháng phong tỏa. Từ các hồ sơ còn lưu lại trong Trung tâm lưu trữ 1, Phúc Tiến đã tổ chức khảo sát thực địa tại Hà Nội, so sánh với các nguyên mẫu tại Pháp, đọc và đối chiếu nhiều nguồn tư liệu… Một công việc vất vả và tốn kém, nhưng rất cần thiết để tái hiện cuộc đời sinh động của từng tòa nhà: nguồn gốc ra đời, trải qua thời gian dâu bể đã thay đổi công năng như thế nào, và hiện đang được dùng để làm gì... Chuyện về những tòa nhà, cũng là chuyện của con người. Cuốn sách này giới thiệu các công trình xây dựng, nhưng không phải dưới góc độ thuần túy kỹ thuật, mà còn dưới góc độ nhân văn, góc độ của du khách, của người tìm hiểu lịch sử, của người thưởng ngoạn…
Năm nay Hà Nội đã khác xưa nhiều lắm, những cao ốc mới mẻ tràn ngập khắp các nẻo đường. Nhưng, trong tấp nập phồn hoa của thời hiện đại, những tòa nhà của thế kỷ trước vẫn lấp lánh tỏa sáng, cũng như ngày ấy đã tỏa sáng trong khuôn mặt lam lũ của một thành phố sau chiến tranh. Giờ đây khi trở lại, tôi đã hiểu rõ hơn vẻ thanh lịch ấy, nét duyên thầm kín ấy: Những ngôi nhà mang dấu ấn của một thời kỳ, một nơi chốn, mà vẻ đẹp đã vượt qua thời gian.
(Đọc Kiến trúc Pháp - Đông Dương, những viên ngọc quý tại Hà Nội, Chủ biên: Phúc Tiến, Nhà xuất bản Mỹ thuật, Hà Nội, 2022)
Bình luận (0)