|
Cho đến bây giờ, NSƯT Diệu Hiền vẫn biểu diễn trích đoạn ấy thường xuyên, bất kể trên mạng đầy những clip của bà. Bởi có nghe giọng ca trực tiếp của Diệu Hiền mới thấm đẫm cái bi tráng của người nữ tướng.
NSƯT Diệu Hiền không có nét dịu dàng mềm mại như các cô đào khác, cho nên thế mạnh của bà là đóng đào võ. Cũng bởi chất giọng sang sảng khỏe khoắn như chuông đồng, nhưng vẫn pha chút bi ai khắc khoải, cất lên là rung chuyển cả sân khấu. Vì vậy, vai Triệu Thị Trinh dường như đo ni đóng giày cho bà, để đời một hình tượng nữ tướng oai hùng.
Năm 43, Hai Bà Trưng tuẫn tiết thì nước ta lại tiếp tục rơi vào ách thống trị của phương Bắc. Năm 226, khi Triệu Thị Trinh ra đời tại quận Cửu Chân (tỉnh Thanh Hóa ngày nay), Giao Chỉ do nhà Đông Ngô quản lý, mà tên tuổi của vua Đông Ngô chính là Tôn Quyền ắt không xa lạ với những ai mê Tam quốc chí. Anh em Triệu Thị Trinh mồ côi cha mẹ từ nhỏ, nương tựa nhau để sống và người anh là một hào trưởng ở vùng núi Quan Yên (thuộc tỉnh Thanh Hóa). Cho nên, Triệu Thị Trinh được rèn luyện võ nghệ từ rất sớm, không an phận như những cô gái thời bấy giờ. 22 tuổi, bà bàn với anh phất cờ khởi nghĩa. Câu nói nổi tiếng của bà đã được đem vào kịch bản của Hoàng Anh Chi: “Ta chỉ thích cưỡi cơn gió mạnh đạp luồng sóng dữ, chém cá kình giữa biển khơi, chứ quyết không chịu khom lưng làm tì thiếp cho người”.
Vai diễn và câu hát sống cùng năm tháng
Hai anh em bà từ căn cứ Núi Nưa đã tiến quân chiếm lại cả vùng đất Cửu Chân. Không may người anh chết sớm, nghĩa quân tôn bà làm chủ tướng và gọi bà là Nhụy Kiều tướng quân, bởi khi ra trận bà thường mặc áo giáp vàng, cài trâm vàng, cưỡi voi chiến ào ào xông lướt, bắn cung bách phát bách trúng khiến quân thù khiếp sợ. Sau, Tôn Quyền sai đại quân sang đánh, bà cầm cự được 5 - 6 tháng rồi tuẫn tiết lúc mới 23 tuổi.
Vở diễn Nhụy Kiều tướng quân chỉ thể hiện giai đoạn bà Triệu còn trẻ, rồi bắt đầu khởi nghĩa và chiến thắng quân thù. Như vậy vừa đủ để khán giả thấm thía một thời đại hào hùng, ngưỡng mộ một lớp trẻ dũng cảm, để còn dư âm trong gió tiếng voi hí, quân reo, dư âm của một bản anh hùng ca được viết trên mảnh đất khiêm nhường nhỏ bé. Cái hay của cải lương là ở chỗ đó, luôn dừng lại ở âm ba chiến thắng, để người ta còn sức mà tiếp tục đứng lên. Y như cái chết của tướng quân Lê Minh trong đoạn cuối kịch bản, chết đứng chứ không gục ngã trước gươm giáo quân thù. Nhân vật Lê Minh do Hoài Thanh đảm nhiệm. Lúc ấy Hoài Thanh vừa đẹp trai vừa có giọng ca trầm bổng điêu luyện, mặc áo giáp vào bỗng trở nên xứng đôi với Diệu Hiền một cách bất ngờ. Lê Minh và Triệu Thị Trinh vốn là đôi bạn thanh mai trúc mã từ thời thơ ấu, lớn lên cũng có chút mơ mộng tuổi xuân, nhưng vì nhiệm vụ cấp bách là đánh giặc nên đã tạm gác tình riêng chờ ngày chiến thắng. Triệu Thị Trinh đã trao trọng trách làm phản gián cho Lê Minh trà trộn vào hàng ngũ địch. Buổi tiễn đưa với chén rượu vừa ân cần của một chủ tướng, vừa e ấp của một người bạn gái, khiến người xem xao xuyến.
Nhưng lớp diễn cuối cùng thì mọi cảm xúc của nghệ sĩ lẫn khán giả như vỡ òa ra. Lê Minh bị quân địch phát hiện, chiến đấu anh dũng trong vòng vây, rồi chết trong tư thế đứng thẳng. Khi Triệu Thị Trinh đến chỉ còn kịp vuốt mắt người bạn và cất lên câu vọng cổ xé lòng bao thế hệ khán giả: “Lê Minh ơi ngày đưa tiễn năm xưa ta có hẹn khúc khải hoàn ca uống chung rượu đào để thưởng công người dũng tướng. Sao người vội vã bỏ ra đi khi lửa đao binh vừa tắt lịm chốn sa... trường. Đất trời cửa Diên An sao trĩu nặng căm hờn. Chiến công thầm lặng của người anh quý mến, sao ta nghe như có nụ cười hòa nước mắt ở lòng ta. Da ngựa bọc thây cơn quốc biến. Anh hùng hồ thủy vẹn tình trai. Xin hãy cho tôi vài phút giây nín lặng. Vuốt mặt người trai son sắt vẹn câu thề”.
Đến đây thì khán giả phải khóc. Cuộc chiến nào cũng có đau thương mất mát, nên nước mắt là chuyện thường tình. Nhưng màu sắc bi tráng của vở diễn đã không làm người ta ngã quỵ, mà cùng xốc dậy cùng Triệu Thị Trinh tiến công thành lũy... Nghệ sĩ Diệu Hiền lại cất giọng đồng sang sảng, cánh màn nhung sân khấu khép lại một trang sử vàng tuyệt đẹp...
NSƯT Diệu Hiền kể : “Tôi vốn đau tim rất nặng, một lần nọ thức suốt mấy đêm liền vì quá đau, cả người không dậy nổi. Mà đã đến ngày tôi phải đi diễn, vai Nhụy Kiều tướng quân ca nhiều, vũ đạo cũng không ít, tôi lo lắng vô cùng. Thế rồi trong cơn đau tôi buột miệng: “Bà Triệu ơi, bà có thiêng thì cho con khỏe lại để con đi diễn vai của bà, vì con rất yêu nhân vật ấy. Còn nếu không thì cho con chết luôn đi chứ đau quá con chịu hết nổi rồi”. Và tôi thiếp đi. Nhưng vừa chợp mắt tôi liền thấy có một bóng người nữ, mặc áo giáp như tướng quân, đứng cạnh cửa sổ nói với tôi: “Con khỏe lại mà, khỏe lại mà!”. Tôi choàng tỉnh. Lạ sao, mọi cơn đau biến đâu hết, cứ như tôi biến thành một người khác. Tôi lại đi diễn bình thường. Tôi tin vào tâm linh mầu nhiệm này, và tôi thường thắp nhang tri ân Bà Triệu”. |
Hoàng Kim - Vũ Anh
Bình luận (0)