>> Những vở diễn để đời - Kỳ 3: Câu thơ yên ngựa
>> Những vở diễn để đời - Kỳ 2: Nhụy Kiều tướng quân
>> Những vở diễn để đời: Tiếng trống Mê Linh
|
Vó ngựa Nguyên Mông đã giẫm nát từ Đông u tới Trung Đông và Nga, Trung Quốc, Triều Tiên. Đại Việt nằm trong chiến lược xâm chiếm của đế chế Mông Cổ này. Nhưng không ngờ, ngay từ lần đầu tiên (1258) họ đã đại bại. Và thêm 2 lần nữa (1285, 1288) vẫn không khuất phục nổi đất nước nhỏ bé nằm bên bờ biển Đông. Chính 3 lần chống quân Nguyên đã làm rạng danh nhà Trần và đưa tên tuổi Trần Hưng Đạo vào danh sách những danh tướng của thế giới.
Bão táp Nguyên Phong chỉ khắc họa cuộc chiến chống Nguyên Mông lần thứ nhất, khi Trần Thái Tông Trần Cảnh mới lên ngôi thay cho nhà Lý được 7 năm (năm Nguyên Phong thứ 7 - Nguyên Phong là niên hiệu của Trần Thái Tông), và lúc ấy Trần Hưng Đạo đang giữ chức Tiết chế. Trong vở này, nhân vật Trần Hưng Đạo không xuất hiện mà chủ yếu xoáy vào các nhân vật Thái sư Trần Thủ Độ, Trần Thái Tông, Thái úy Trần Nhật Duật, tướng quân Phạm Cự Chích, Lê Tần... Bởi chiến lược đánh giặc phần lớn vẫn do Thái sư Trần Thủ Độ và vua Trần Thái Tông chỉ huy.
Trần Thái Tông là người thao lược, văn võ song toàn, từng thân chinh dẹp loạn nhiều nơi và sang cả đất Tống. Lần này cũng đích thân vua cầm quân, đánh trận đầu tại Bình Lệ Nguyên (tỉnh Vĩnh Phúc ngày nay). Nhưng thế giặc quá mạnh, kỵ binh và bộ binh thiện chiến của Mông Cổ với sức vóc kinh người đã từng tung hoành ngang dọc, cho nên vua tôi nhà Trần phải thất trận, để lại tướng quân Phạm Cự Chích anh dũng hy sinh cản đường giặc cho tàn quân chạy thoát. Đến quận chúa Huyền Nga, tộc trưởng Hà Khuất cũng sa vào tay giặc, thà chết chứ không đầu hàng. Trần Thủ Độ lệnh cho triều đình và dân chúng rút khỏi Thăng Long để thực hiện kế hoạch “vườn không nhà trống”, lui về Thiên Mạc ẩn náu bàn kế sách phản công. Và nhân vật Lý Trung xuất hiện, tạo ra kịch tính đồng thời cũng là cầu nối lý giải cho những oan khuất của Trần Thủ Độ. Lý Trung là hậu duệ nhà Lý, căm thù Trần Thủ Độ đã chuyển ngôi cho nhà Trần nên lẻn vào Thiên Mạc ám sát ông. Nhưng Lý Trung bị bắt, và anh có cơ hội được nghe Trần Thủ Độ giãi bày. Phải chăng là lời giãi bày cùng hậu thế, khi ông phải hy sinh họ Lý để bảo vệ trăm họ trước bão táp của Nguyên Mông? Họ Lý suy tàn, mà giặc đang lăm le bờ cõi, nếu nhà Trần không kịp lên thay có lẽ đất nước đã không còn. Trần Thủ Độ chịu tiếng đời nguyền rủa, nhưng sau này lịch sử và nghệ thuật đã “rửa oan” cho ông bằng nhiều tác phẩm rất hay. Bão táp Nguyên Phong đã khắc họa Trần Thủ Độ uy nghi, điềm tĩnh, mưu trí, anh hùng. Câu nói nổi tiếng của ông: “Đầu thần chưa rơi xuống đất, xin bệ hạ đừng lo” đã xốc dậy tinh thần vua tôi nhà Trần, và xoay chuyển thế cuộc một cách ngoạn mục.
Nhưng đọng lại nhiều nhất trong lòng khán giả là lớp diễn đầu tiên giữa triều đình Đại Việt khi sứ giả phương Bắc sang đe dọa, vua quan nhà Trần đều chỉ thẳng mặt chúng mà trả lời không hề nao núng. Lời của Trần Thái Tông mang cả hào khí nước Nam, bừng bừng từng câu từng chữ: Nước Đại Việt ta tuy bé nhỏ, nhưng uy dũng kiêu hùng. Truyền thống của tổ tiên ta bao đời gìn giữ giang san. Chúng ta không khiếp sợ, đừng mong dọa nạt! (...) Sứ giả đừng hỗn láo, ta chẳng thể giữ tình. Giữa nơi này vì lễ, giữ hòa khí đôi bên. Nước Đại Việt vang lừng đã mấy ngàn năm, chúng ta không yếu hèn đừng đe dọa hoài công!
Kịch bản Bão táp Nguyên Phong của Dương Linh và Huỳnh Minh Nhị, nhưng NSND Thanh Tòng và Thanh Bạch đã chuyển thể lại đầy đặn hơn, phù hợp với thể loại tuồng cổ. Sự kiện đầy ắp nhưng được viết gọn gàng, không thiếu những lớp diễn anh hùng lẫn các đoạn trữ tình lãng mạn, thêm một chút màu sắc phản gián do Lý Trung được Trần Thủ Độ thu phục và trở lại làm nội gián đưa bọn giặc vào bẫy. Lứa nghệ sĩ gạo cội của Minh Tơ như Thanh Bạch, Thanh Tòng, Thanh Sơn, Bạch Long, Thanh Loan, Trường Sơn, Ngọc Đáng... đã diễn trong nhiều năm, đến lượt Đài truyền hình TP.HCM và Đài truyền hình Cần Thơ dựng lại mấy lượt nữa với những gương mặt trẻ như Chí Linh, Vũ Luân,Tú Sương, Quế Trân, Hữu Quốc, Lê Tứ, Ngân Tuấn, Vân Hà, Điền Trung, Trinh Trinh, Thanh Thảo, Tô Châu, Trọng Nghĩa... đều hấp dẫn. Kịch bản chặt chẽ, nghệ sĩ ca hay diễn giỏi, bài học lịch sử cảm động, xứng đáng để sân khấu ghi công.
“Vở này rất nhiều tình tiết phong phú, tôi ước gì được chuyển thể thành phim truyện. Diễn xong tôi thấy lòng tự hào dân tộc nhiều hơn. Đoạn Huyền Nga bị giặc giết, tôi diễn mà khóc thật luôn. Chúng tôi là lớp nghệ sĩ trẻ, cần có những kịch bản như thế để hun đúc tinh thần khán giả. Nghệ sĩ phải đồng hành với xã hội và cũng có “mặt trận” cho mình làm nghĩa vụ công dân chứ” - Nghệ sĩ LÊ TỨ |
Hoàng Kim - Vũ Anh
>> Sân khấu kịch Phú Nhuận đào tạo diễn viên trẻ
>> Sân khấu kịch idecaf chuẩn bị Noel và tết
>> Sân khấu kịch Hồng Vân vào trường học
>> Thêm một sân khấu kịch cà phê
>> Cuộc đời Susan Boyle lên sân khấu kịch
>> Ca sĩ ngôi sao" lên sân khấu kịch
>> Người trong cõi nhớ" lên sân khấu kịch
Bình luận (0)