Những vụ ám sát trên bán đảo Triều Tiên

27/12/2014 05:19 GMT+7

Lịch sử bán đảo Triều Tiên từng chứng kiến không ít những âm mưu ám sát qua lại giữa hai miền.

Lịch sử bán đảo Triều Tiên từng chứng kiến không ít những âm mưu ám sát qua lại giữa hai miền. 

Những vụ ám sát trên bán đảo Triều TiênLãnh đạo Kim Jong-un (phải) và cha mình, ông Kim Jong-il (trái) - Ảnh: Reuters 

Thông tin về hoạt động ám sát từng diễn ra trên bán đảo Triều Tiên rộ lên sau những tranh cãi xoay quanh bộ phim The Interview của hãng Sony Pictures, vốn có nội dung đề cập đến âm mưu ám sát lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un. 

Cuộc đột kích Nhà Xanh

Theo tờ Foreign Policy, Triều Tiên từng muốn ám sát Tổng thống Hàn Quốc Chun Doo-hwan bằng cách cài bom trong một chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Hàn Quốc đến Yangon (Myanmar) vào năm 1983. Khi đó, biệt kích Triều Tiên đã cài bom tại lăng Aung San với mong muốn trừ khử ông Chun. Vụ nổ làm 21 người thiệt mạng, bao gồm 3 thành viên nội các Hàn Quốc. Ông Chun, mục tiêu chính trong âm mưu, may mắn thoát chết nhờ xe chở ông đến trễ.

Nhưng vụ việc thường được đề cập nhất chính là âm mưu ám sát người tiền nhiệm của ông Chun, Tổng thống Park Chung-hee, thân phụ đương kim Tổng thống Park Geun-hye. Vào tháng 1.1968, 31 biệt kích Triều Tiên lẻn qua khu vực phi quân sự (DMZ) chia cắt 2 miền theo hiệp định ngừng bắn được ký kết năm 1953. Khi đã ở trên đất Hàn, họ vượt sông Imjin và băng qua vùng núi non hiểm trở để tiến đến thủ đô Seoul nhằm tấn công Nhà Xanh (dinh Tổng thống) và ám sát ông Park. Tuy nhiên, nhóm biệt kích Triều Tiên đã bị chặn lại tại một chốt kiểm tra của cảnh sát nằm cách Nhà Xanh khoảng 100 m, và nỗ lực của họ nhanh chóng biến thành một cuộc đấu súng. Lực lượng Hàn Quốc đã hạ sát hoặc bắt giữ hầu hết binh sĩ Triều Tiên, chỉ một người trong nhóm này tìm được đường trở lại miền Bắc. Tổng thống Park Chung-hee cuối cùng cũng bị ám sát, nhưng không phải do người Triều Tiên ra tay.  

Đòn trả đũa của Hàn Quốc

Không lâu sau vụ tấn công năm 1968, Tổng thống Hàn Quốc Park Chung-hee tổ chức một đội chuyên trách ám sát Chủ tịch Triều Tiên Kim Nhật Thành để trả đũa. Theo trang militaryhistorynow.com, đội chuyên trách này cũng có 31 thành viên và được đặt tên Đơn vị 684. Điều đáng nói là các thành viên của đội không phải là thành phần ưu tú của quân đội. Thay vào đó, các nhà hoạch định sứ mệnh đã đến các nhà tù trên khắp nước để chiêu mộ những tù nhân “lì đòn” nhằm tiến hành vụ tấn công. Những tù nhân đã đăng ký thực hiện sứ mệnh đầy rủi ro để đổi lấy việc ân xá. Tất cả phải trải qua đợt huấn luyện gian khổ trên một hòn đảo không người ở ngoài khơi bờ biển phía tây Hàn Quốc. Trên thực tế, 7 tù nhân đã thiệt mạng trong quá trình chuẩn bị. Tuy nhiên, sứ mệnh bị hủy bỏ sau đó do có những diễn biến tích cực trong quan hệ liên Triều. Đến tháng 8.1971, Đơn vị 684 bất ngờ nổi loạn, giết chết những người huấn luyện trên đảo, cướp một xe buýt để về Seoul nhưng bị quân đội Hàn Quốc ngăn chặn.

Trước đó, vào tháng 3.1946, trong một cuộc mít tinh ở thủ đô Bình Nhưỡng, một người tình nghi thuộc nhóm khủng bố White Shirt Society được phía miền Nam ủng hộ đã ném một quả lựu đạn lên sân khấu gần chỗ các lãnh đạo Triều Tiên và Liên Xô, trong đó có Chủ tịch Kim Nhật Thành, theo trang tin NK News. Một sĩ quan Liên Xô tên Yakov Novichenko đã nhanh chóng giẫm lên quả lựu đạn để cứu mạng ông Kim. Đến năm 1950, người Mỹ cũng từng âm mưu ám sát nhà lãnh đạo này bằng những quả bom lớn có tên gọi “Tarzan”, sau khi nhận được thông tin tình báo về đường đi nước bước của ông Kim.

Báo Anh The Independent hồi tháng 4 dẫn lời một cựu sĩ quan Triều Tiên đào tẩu tên K. tiết lộ 2 âm mưu ám sát con trai của ông Kim Nhật Thành là lãnh đạo Kim Jong-il trong thời gian cầm quyền từ năm 1994 - 2011. Trong âm mưu thứ nhất, một tay súng dùng vũ khí hạng nặng tính bắn chết ông Kim nhưng bị bắt trước khi nổ súng. Ở vụ còn lại, một người nổi loạn đã đâm xe tải vào đoàn xe của ông Kim nhưng không hạ sát được nhà lãnh đạo này vì nhầm xe. Cách đây khoảng 1 thập niên, ông Kim cũng may mắn thoát nạn trong một vụ nổ lớn khi đang đi trên xe lửa ở miền tây bắc, theo tờ Financial Times

Nga ủng hộ Triều Tiên

Ngày 25.12, Nga bày tỏ sự cảm thông đối với Triều Tiên trong bối cảnh xảy ra vụ tấn công mạng nhằm vào Hãng phim Sony Pictures. Theo AP, Moscow cho rằng The Interview là bộ phim gây nhiều tranh cãi nên sự nổi giận của Bình Nhưỡng “hoàn toàn dễ hiểu”. Tại một cuộc họp báo ở Moscow, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Alexander Lukashevich nêu rõ Washington đã không thể trưng bằng chứng bổ trợ cáo buộc của họ về sự dính líu của Bình Nhưỡng vào vụ tấn công mạng Hãng Sony.

Những lời đe dọa hiện tại

Trong những năm qua, mỗi khi căng thẳng gia tăng trên bán đảo Triều Tiên, Tổng thống Park Geun-hye lại bị Hãng thông tấn KCNA của miền Bắc cảnh báo về một “kết cục bi thảm” như thân phụ của mình trước đây. Đáp lại, Hàn Quốc cũng bắt đầu đưa ra những lời đe dọa tấn công giới lãnh đạo Triều Tiên. Theo Foreign Policy, các lời đe dọa đó tồn tại dưới hình thức cuộc tấn công tên lửa có độ chính xác cao. Seoul thường công bố hình ảnh những vụ thử tên lửa hành trình với mục tiêu trông giống dinh Kumsusan, nơi giới lãnh đạo Bình Nhưỡng thường tụ họp trong những dịp quan trọng. Đồng thời, khi mô tả về tên lửa, giới chức quân sự Hàn Quốc cũng thường nói rằng nó chính xác đến nỗi có thể bay qua “cửa sổ văn phòng” hoặc “cửa sổ văn phòng của ông Kim Jong-un”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.