Bộ Quốc phòng Ukraine ngày 27.2 thông báo sau vài ngày chiến đấu, phía Nga đã mất khoảng 4.300 binh sĩ, thiệt hại 27 máy bay, 26 trực thăng, 146 xe tăng, 49 khẩu pháo, 706 xe thiết giáp chở binh sĩ, 1 hệ thống tên lửa BUK, 4 hệ thống pháo phản lực đa nòng Grad, 30 xe, 2 thiết bị bay không người lái, 60 xe bồn và 2 tàu, theo trang Kyiv Independent.
Nga thừa nhận có thương vong nhưng không nêu rõ. Những con số của Ukraine được cho là hoàn toàn trái ngược với những dự đoán trước đó cho rằng quân đội Nga với lực lượng đông đảo và khí tài áp đảo hơn sẽ nhanh chóng đạt được mục tiêu của chiến dịch.
Phía Ukraine đã phản kháng mạnh mẽ bất ngờ, như giới chức quốc phòng Anh và Mỹ nhận định. Đóng góp lớn trong cuộc phản kháng của Ukraine là những loại vũ khí được phương Tây cung cấp, đáng chú ý là tên lửa vác vai chống tăng Javelin.
Xe tăng Nga bị phá hủy tại Luhansk ngày 26.2 |
AFP |
Tháp pháo xe tăng bị bắn tung tại Kharkiv ngày 26.2 |
Reuters |
Tên lửa Javelin
Theo Euronews, Javelin tên lửa vác vai chống tăng FGM-148 Javelin do hai nhà thầu Raytheon và Lockheed Martin của Mỹ sản xuất và có rất nhiều khách hàng trên thế giới. Mỹ và các đồng minh đã sử dụng tên lửa này trong các cuộc chiến tại Afghanistan và Iraq trong 20 năm qua.
Trong một thông cáo năm 2019, Lockheed Martin cho biết Mỹ và liên quân đã thực hiện hơn 5.000 lần thực chiến thành công bằng tên lửa Javelin.
Vũ khí phương Tây nào đang củng cố quân đội Ukraine? |
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu gần đây cho rằng quân đội Ukraine sở hữu nhiều tên lửa Javelin hơn một số thành viên NATO. Tháng 10.2021, Mỹ đã chuyển 180 quả tên lửa và 30 bộ phóng cho Ukraine. Vào cuối tháng 1, Mỹ cung cấp thêm 300 tên lửa. Cuối tuần qua, Tổng thống Joe Biden thông báo khoản viện trợ quân sự thêm 350 triệu USD cho Ukraine, trong đó có thêm các tên lửa Javelin.
Tên lửa có tầm bắn đến 4 km và có cơ chế “bắn và quên”, nghĩa là binh sĩ có thể nhắm bắn rồi ngay lập tức tìm chỗ nấp, khác với các vũ khí chống tăng dẫn đường truyền thống khi người bắn phải chỉ hướng cho quả tên lửa suốt hành trình đến mục tiêu.
Binh sĩ Ukraine sử dụng tên lửa Javelin trong một cuộc tập trận |
Reuters |
Nhà phân tích quốc phòng Scott Boston tại tổ chức Rand Corporation (Mỹ) cho biết tên lửa Javelin khá hiệu quả đối với hầu hết thiết giáp của Nga và có thể hiệu quả đối với các loại xe hạng nặng như xe tăng, hơn các hệ thống tên lửa vác vai khác của Ukraine. Mỗi quả Javelin có giá đến 80.000 USD.
Tên lửa AT-4
Bỉ, Đức, Hà Lan và nhiều nước khác cũng gửi tổng cộng hàng ngàn tên lửa chống tăng cho Ukraine. Trong đó, Thụy Điển thông báo gửi 5.000 tên lửa chống tăng AT-4 do hãng Saab của nước này sản xuất. Website của nhà sản xuất cho biết đây là một trong những dòng tên lửa chống tăng thành công nhất lịch sử.
Tên lửa chống tăng AT-4 |
SAAB |
AT-4 là tên lửa vác vai hạng nhẹ, chỉ sử dụng một lần, nghĩa là bộ phóng sẽ bị vứt đi sau khi phóng tên lửa. Các phiên bản của AT-4 có tầm bắn hiệu quả từ 300 - 1.000 m, có thể xuyên thủng giáp dày 460 mm. Hơn 15 nước là khách hàng sử dụng hệ thống này.
Tên lửa NLAW
Trong khi đó, từ tháng 1, Anh đã chuyển cho Ukraine 2.000 tên lửa chống tăng vác vai có tên là Vũ khí chống tăng hạng nhẹ thế hệ kế tiếp (NLAW), hay còn gọi là Robot-57.
Tên lửa này cũng do Saab hợp tác sản xuất cùng các công ty Anh từ năm 2002. Tên lửa có tầm bắn hiệu quả từ 20 - 600 m, hoặc 400 m đối với mục tiêu di động. Những phiên bản mới có tầm bắn đến 800 m.
Ít nhất 2.000 tên lửa NLAW (ảnh) đã được Anh cung cấp cho Ukraine |
Reuters |
Tên lửa được cho là có thể xuyên thủng giáp dày đến 500 mm hoặc có thể tấn công từ trên xuống, nhắm vào phần chóp của xe tăng, nơi lớp giáp thường mỏng nhất. Mỗi quả tên lửa có giá khoảng 48.000 USD. Tên lửa này đã được xuất khẩu sang nhiều nước và đã được Ả Rập Xê Út sử dụng thực chiến tại Yemen.
Binh sĩ Ukraine tại Donetsk kiểm tra tên lửa NLAW hôm 21.2 |
AFP |
Tên lửa Stinger
Ngoài vũ khí chống tăng, các loại tên lửa đất đối không vác vai của phương Tây cung cấp cũng đang được quân đội Ukraine sử dụng hiệu quả, đáng kể là tên lửa Stinger. Giống như Javelin, tên lửa Stinger đang nằm trong kho vũ khí của nhiều nước và được sử dụng trong vô số cuộc chiến tranh và xung đột trong khoảng 40 năm qua.
Theo chuyên san Army Recognition, tên lửa Stinger có tầm bắn lên đến 8 km và có thể bắn mục tiêu bay ở độ cao khoảng 3.500 m. Theo website của nhà sản xuất, tên lửa này đã được thực chiến trong nhiều cuộc xung đột lớn, tiêu diệt hàng trăm máy bay và trực thăng và đang được triển khai tại nhiều nước.
Đức mới đây thông báo gửi 500 tên lửa Stinger cho Ukraine trong khi Hà Lan chuyển 200 quả. Latvia, Lithuania và Estonia cũng gửi tên lửa này cho Ukraine theo sự đồng ý của Mỹ. Mới đây nhất, Mỹ thông báo sẽ lần đầu tiên chuyển tên lửa Stinger trực tiếp sang Ukraine theo gói viện trợ của Nhà Trắng hôm 25.2.
Xem nhanh: Chuyện gì đã xảy ra trong ngày thứ 5 chiến sự Nga-Ukraine? |
Bình luận (0)