Mô phỏng một thiên thạch lao vào trái đất |
shutterstock |
Trong một tỉ năm đầu tiên, trái đất hứng đòn tấn công liên tiếp từ các thiên thạch, và giai đoạn này đóng vai trò quyết định cho sự hình thành của các lục địa, trang Earth.com đưa tin.
Từ lâu các nhà nghiên cứu hoài nghi rằng những vụ va chạm với thiên thạch đã “nhào nặn” hình dạng của các lục địa trái đất như hiện nay. Tuy nhiên, họ hầu như chẳng có bằng chứng cho giả thuyết này.
Giờ đây, đội ngũ chuyên gia của Đại học Curtin (Úc) đã có thể giám định các thiên thạch cổ và phát hiện vai trò của chúng trong lịch sử hành tinh xanh, theo báo cáo đăng trên chuyên san Nature.
“Bằng việc kiểm tra các tinh thể nhỏ xíu của khoáng chất zircon trong đá ở Pilbara Craton, thạch quyển của vùng Pilbara thuộc Tây Úc, chúng tôi phát hiện chứng cứ về những vụ va chạm của các thiên thạch khổng lồ”, chuyên gia Tim Johnson cho biết.
Trong lịch sử kéo dài 4,5 tỉ năm của trái đất, đất đai trên bề mặt vỡ ra, trôi dạt và hợp lại. Đây là kết quả của áp lực nhiệt độ đến từ những quy trình phóng xạ bên trong trái đất, đẩy các đĩa kiến tạo di chuyển. Tuy nhiên, vẫn có những mảng lớn và đặc biệt chắc chắn của vỏ trái đất duy trì sự ổn định bất chấp sự thử thách của thời gian. Chúng gọi là “craton”.
Pilbara Craton đại diện cho tàn tích vỏ trái đất được bảo tồn tốt nhất hiện nay.
Chuyên gia Johnson khẳng định cuộc nghiên cứu của nhóm ông cung cấp chứng cứ vững chắc đầu tiên về các quy trình cho phép lục địa hình thành theo sau tác động đến từ các vụ va chạm của thiên thạch.
Sau khi giúp các lục địa tượng hình, một vụ tấn công tương tự đã xảy ra sau đó vài tỉ năm, dẫn đến xóa sổ các loài khủng long trên bề mặt địa cầu cách đây 65 triệu năm.
Bình luận (0)