|
Trong hơn 3 năm qua, PV Thanh Niên đã nhiều lần trở lại cồn Châu Ma (nằm giữa sông Tiền, thuộc xã Phú Thuận B, H.Hồng Ngự, Đồng Tháp) để quan sát tình hình sạt lở đang diễn ra khủng khiếp tại đây. Và lần nào chúng tôi cũng đều phải chứng kiến những cuộc di cư bất đắc dĩ, nếu không muốn nói là tháo chạy của người dân, để tránh “miệng hà bá”.
Xóa sổ một xã
Ngày 23.6.2011, khi chúng tôi có mặt tại mũi cồn Châu Ma, người dân ở đây đã hớt hải trốn chạy những đợt tấn công “hủy diệt” của thủy thần. Nước từ thượng nguồn tràn về khoét những chiếc hàm ếch, ăn vào từng rẫy bắp trên cồn. Trước đó, hàng trăm căn nhà ở cồn Châu Ma đã không còn tồn tại bởi những đợt nước cuốn khốc liệt.
Lúc ấy, canh tác trên mảnh đất đang bị sạt lở tại mũi cồn là gia đình ông Phạm Văn Khô (Bảy Khô). Ông Khô có 3 công đất trồng bắp từ nhiều đời nay. Thế nhưng, chỉ sau một thời gian ngắn, đất của ông còn lại chưa đến 200 m2. Biết không thể cưỡng lại nạn sạt lở, nhưng “còn tấc đất cũng giữ”, ông kiên trì trồng lứa bắp cuối trên mảnh đất này, cho đến khi nước dữ tước hết những gì còn lại.
Kế nhà ông Bảy Khô là các hộ Nguyễn Văn Tú, Nguyễn Ký Sây, Huỳnh Thị Ựng, Nguyễn Hồng Chương... Gặp chúng tôi, họ nói những người dân sinh sống trên cồn Châu Ma này đang ở tình trạng chờ bị... đem ra xử. Lần lượt từng gia đình một, trước hay sau cũng phải đối diện với cảnh "tan nhà nát cửa". Thế nhưng, họ vẫn phải cố ở lại trồng cây bắp, bạch đàn với hy vọng mong manh có cái để mà sống... dù chẳng ai biết có được thu hoạch hay không.
Đến ngày 20.12.2011, khi chúng tôi trở lại cồn Châu Ma, hỏi những hộ dân mà chúng tôi gặp trước đó, ông Tư Lù, một hộ dân từng có đất ở mũi cồn, chua chát: “Đất của họ xuống sông hết rồi!”.
Tại Châu Ma, lần lượt từng người thay nhau giữ vị trí là “đất đầu cồn”, sau khi sông cuốn trôi nhà cửa, vườn tược của những hộ dân “đầu cồn” trước đó. Một số hộ sau đó được bố trí vào khu tái định cư, số khác chẳng ai biết giờ đã trôi dạt ở nơi nào.
Mới đây, ngày 8.9, khi trở lại cồn Châu Ma, chúng tôi gặp anh Nguyễn Hoàng Vũ (32 tuổi) lầm lũi xách nước tưới mớ cây bạch đàn giống, trong lúc những ngọn sóng hằm hè dưới chân. “Kệ, mình cứ trồng, chừng nào lở tới đâu thì chịu tới đó”, Vũ nói và cho biết đất nhà anh trước có 5 công, giờ chỉ còn vài chục mét vuông.
Cặp đất anh Vũ, ông Phạm Văn Lầm (66 tuổi) cất căn chòi bám trụ với mớ bạch đàn giống. “Chính quyền địa phương cứ tới giục đi nơi khác để bảo toàn tính mạng. Mấy ngôi mộ người ta cũng dời đi hết rồi. Chỉ còn người sống tụi tui bám đất thôi”, ông Lầm thở dài.
Ông Đoàn Ngọc Nhi, Phó chủ tịch UBND xã Phú Thuận B, cho biết cồn Châu Ma ngày trước có diện tích khoảng 450 ha, kéo dài trên 3 km dọc theo sông Tiền. Năm 1994, xã Phú Trung (thuộc H.Hồng Ngự) được thành lập trên diện tích cồn Châu Ma, với 5.000 dân. Nhưng đến năm 2000, nghĩa là chỉ sau 6 năm thành lập, xã bị xóa sổ, mà lý do theo lãnh đạo địa phương, không gì khác là sạt lở dữ dội đã làm mất trên 70% diện tích của xã. Nhiều xóm dân cư cũng biến mất theo đó. Diện tích còn lại chỉ là một ấp và được sáp nhập vào xã Phú Thuận B.
“Hơn cả giặc cướp”
Không chỉ tại cồn Châu Ma, tình trạng sạt lở nghiêm trọng đến mức xóa luôn cả xóm làng, địa danh còn diễn ra nhiều nơi. Trước thời điểm cồn Châu Ma sạt lở, về hướng thượng lưu sông Tiền còn có cồn Tào với diện tích tương đương cồn Châu Ma. Trên cồn, từ xưa người dân đã đến đây khai khẩn, lập xóm... trồng cây, nuôi cá. Nhưng đến đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, cồn Tào bị sạt lở và chìm trong trận lũ lên cao rồi biến mất sau đó. Nhiều hộ dân tại cồn Tào phút chốc bị đẩy vào cảnh vô gia cư.
Không lâu sau sự biến mất của cồn Tào, cách đó không xa lại nổi lên một vùng đất mới. Người dân nơi đây gọi là cồn Béo. Nhiều gia đình đã tìm đến khai hoang, cất nhà, lập xóm. Nhưng cũng không được bao lâu, cồn Béo rơi vào cảnh sạt lở như cồn Tào. Nhà dựng chưa chắc móng, cuộc sống chưa ổn định đã phải tiếp tục bỏ nhà bỏ cửa thoát thân.
Xuôi về phía hạ nguồn sông Tiền không xa thuộc địa bàn xã Phú Thọ (H.Phú Tân, An Giang), ngày trước cồn Dĩa cũng quy tụ nhiều dân cư đến sinh sống. Thế nhưng, sau thời gian dài sạt lở, các hộ dân lần lượt dời đi. Dân địa phương cho biết chỉ sau một đêm nước dâng, cồn Dĩa lặn không còn dấu tích. Xóm làng vì thế cũng mất luôn.
Địa danh những xóm cồn biến mất, hoặc bên bờ vực bị xóa sổ cứ dài dằng dặc, trải suốt chiều dài sông Tiền và sông Hậu, hai con sông có tầm ảnh hưởng nhất, nhì đồng bằng sông Cửu Long. Cũng chưa có con số thống kê thiệt hại bao nhiêu tài sản, đất đai khi các cồn này biến mất. Con số ấy chắc không hề nhỏ. “Nhà người ta lỡ bị trộm, cướp thì cùng lắm chúng lấy đi tiền của, vật dụng. Nạn nhân ít ra cũng còn nhà ở, còn đất đai để làm lại. Đằng này thì mất trắng...”, ông Đồng Văn Mỹ (60 tuổi, ấp Phú Trung, xã Phú Thuận B, H.Hồng Ngự) chua chát.
Hết gia đình này đến gia đình khác rơi vào cảnh xót xa nhà tan cửa nát, thậm chí phải mất đi người thân vì sạt lở dữ dội ở các xóm cồn. Người dân ở đây nói “riết rồi quen”, hiển nhiên phải chấp nhận cảnh bấp bênh như thế. Chính quyền địa phương cũng bố trí cho những nạn nhân của sạt lở vào các khu tái định cư. Nhưng họ phải sống ra sao khi không còn sinh kế? Niềm tin cuộc sống bị lung lay. Bởi mất một xóm làng không đơn giản là mất đi những ngôi nhà.
Bất lực nhìn thủ phạm gây sạt lở Năm 2011, chúng tôi đã chứng kiến người dân trên cồn Châu Ma bất lực nhìn những sà lan cạp cát tiến sát đến bờ cồn. Đưa chúng tôi băng qua rẫy bắp sắp bị cuốn trôi, đám thanh niên trên cồn nói dân ở đây hiền lắm, bức xúc thì tới “năn nỉ mấy ông cạp cát đi xa xa giùm”. Cũng trong năm 2011, đối diện cồn Châu Ma, hàng chục người dân từ ông cụ 80 tuổi đến em học sinh tiểu học đã nhiều phen đụng độ với cánh khai thác cát trái phép (Thanh Niên cũng đã có bài phản ánh), mà theo họ là nguyên nhân khiến nạn sạt lở đất diễn ra. Sự vụ căng thẳng kéo các cơ quan chức năng vào cuộc. Bí thư Huyện ủy Hồng Ngự và hàng loạt cán bộ ra tòa vì “bảo kê” cho cát lậu. Trên toàn tuyến ở hai con sông, có thể thấy nơi nào tình trạng sạt lở nghiêm trọng, các xóm cồn bị đe dọa thì đều xuất hiện hình ảnh những chiếc sà lan khai thác cát. Có thể kể ra các cồn An Tấn (cồn Bàng), cồn An Công (cồn Cò) của Sóc Trăng; cồn Phú Đa, cồn Bùn, cồn Lác của Bến Tre; cồn Bần Chát, cồn Hô, cù lao Long Trị của Trà Vinh... đều ở gần nơi hoạt động khai thác cát diễn ra ráo riết. Để bảo vệ đất đai, nhà cửa của mình, đã có nhiều “cuộc chiến” dai dẳng diễn ra giữa người dân trong vùng sạt lở với phe cát. Thế nhưng, việc khai thác cát vẫn được các địa phương cấp phép.
|
Tiến Trình
>> Ban bố tình trạng khẩn cấp sạt lở ở Tân Châu
>> Sạt lở đe dọa Hội An
>> Sạt lở bờ sông, hơn 10 hộ dân bị đe dọa
>> Lũ quét, sạt lở đất gia tăng về cường độ
Bình luận (0)