Những xu hướng mua sắm trực tuyến nổi bật tại Việt Nam năm 2023

14/02/2023 13:28 GMT+7

Nền tảng thương mại điện tử Shoppe vừa công bố 3 xu hướng tiêu dùng chính, được dự đoán sẽ định hình nền kinh tế số tại Việt Nam trong năm 2023.

Ông Trần Tuấn Anh, Giám đốc điều hành Shopee Việt Nam, chia sẻ: "Trong hai năm qua, chúng ta đã nhìn thấy những lợi ích mà các dịch vụ số như thương mại điện tử (TMĐT) đem đến cho người dùng, giúp họ cải thiện cuộc sống và thay đổi cách thức kết nối với các thương hiệu và nhà bán hàng. Bước sang năm 2023, công nghệ được dự đoán sẽ tiếp tục đóng một vai trò quan trọng trong cuộc sống của mọi người. Chúng tôi hy vọng có thể giúp các doanh nghiệp hiểu rõ hơn về hành vi người tiêu dùng, từ đó đặt nền tảng cho một hệ sinh thái kỹ thuật số linh hoạt, cho phép họ tiếp cận nhiều người dùng hơn trong tương lai".

Những xu hướng mua sắm trực tuyến nổi bật tại Việt Nam trong năm 2023 - Ảnh 1.

TMĐT đã thay đổi nhiều thói quen mua sắm của người dùng

Chụp màn hình

3 xu hướng tiêu dùng chính của người Việt trong năm 2023 được Shopee dự đoán bao gồm:

Tăng cường sử dụng và thành thạo các dịch vụ số

Trong thời gian qua, người tiêu dùng Việt Nam đã nhận ra sự tiện ích mà các dịch vụ số mang lại. Họ ngày càng dành nhiều thời gian hơn cho các nền tảng này, đồng thời mong muốn nhận được thêm nhiều giá trị và trải nghiệm trực tuyến hoàn chỉnh hơn.

Người tiêu dùng kỹ thuật số tại Việt Nam mong đợi những trải nghiệm mua sắm trực tuyến toàn diện hơn với các tính năng giải trí và tương tác tích hợp trên các nền tảng TMĐT. Năm 2022, người dùng đã dành hơn 37 triệu giờ trên Shopee Live cho việc kết nối, tương tác với nhà bán hàng yêu thích để tìm hiểu về các sản phẩm mình quan tâm trước khi đặt mua.

Người dùng số cũng trở nên chủ động hơn khi mua sắm trực tuyến. Họ tích cực chia sẻ các phản hồi, đánh giá của mình về sản phẩm đã trải nghiệm. Trong năm 2022, người dùng Shopee đã để lại hơn 268 triệu đánh giá về các sản phẩm và nhà bán hàng trên nền tảng, giúp những người dùng khác đưa ra quyết định mua hàng tốt hơn.

Sự gia tăng sử dụng dịch vụ tiêu dùng số tại các khu vực tỉnh thành nhỏ

Số lượng người dùng ở các vùng nông thôn và ngoại thành Việt Nam chuyển sang sử dụng các nền tảng trực tuyến ngày một tăng. Thông qua TMĐT, họ có thể tăng cường kết nối với các thương hiệu và nhà bán hàng, tiếp cận các sản phẩm có chất lượng với mức giá phải chăng một cách thuận tiện hơn. Ngoài các thành phố lớn, Đồng Nai, Bình Dương và Hải Phòng là những tỉnh thành có số lượng đặt hàng cao nhất trên Shopee, trong đó Nhà cửa và Đời sống, Sức khỏe và Sắc đẹp, Thời trang là những ngành hàng được quan tâm nhất.

Người dùng ở khu vực ngoại thành ngày càng quen thuộc với việc tương tác cùng các thương hiệu, nhà bán hàng thông qua các buổi phát trực tiếp và dần chuyển sang các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt cho các giao dịch của họ.

Người dùng trẻ tuổi trở thành nhóm người dùng số chủ lực

Nhóm người dùng tích cực nhất trên Shopee thuộc vào độ tuổi từ 18 đến 34 tuổi. Theo ghi nhận, người dùng thuộc nhóm này có số lượng đơn hàng nhiều hơn 1,5 lần so với lượng đơn hàng trung bình của một người dùng trên Shopee trong năm 2022. Nhóm người dùng trẻ tuổi dành nhiều sự quan tâm đến các ngành hàng Sức khỏe và Sắc đẹp, Thời trang, Điện tử và Đồ gia dụng, trong đó các sản phẩm chăm sóc da, thời trang nữ, điện thoại thông minh và phụ kiện được đặt mua nhiều nhất.

"Chúng tôi tin rằng những doanh nghiệp sẵn sàng thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng về nhu cầu của người tiêu dùng số sẽ có thêm nhiều cơ hội để đạt được thành công lâu dài. Trong năm 2023, Shopee tiếp tục đi theo định hướng lấy người dùng làm trung tâm và giữ vững cam kết không ngừng đổi mới, mang đến trải nghiệm mua sắm trực tuyến tối ưu và tạo điều kiện để các doanh nghiệp kết nối hiệu quả hơn với người tiêu dùng. Song hành cùng nhà bán hàng địa phương và các đối tác thương hiệu, chúng tôi mong muốn thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế kỹ thuật số tiên tiến tại Việt Nam", ông Trần Tuấn Anh cho biết thêm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.