Trong giãn cách, cuộc sống nơi xóm nghèo dường như trở lại thời mấy chục năm trước. “Ai ở đâu yên đấy”, những người lớn còn lại của xóm thay vì đi về hướng thị thành lại ra đồng giăng lưới, soi ếch, hái rau. Trong bữa cơm thanh đạm, người lớn bàn về sự sống hiện tại và tương lai, thắc thỏm nhắc mấy đứa con vẫn còn ở lại giữa đô thị. Người giữa thị thành gọi về, nhìn con nít nô đùa rộn rã mà tha thiết: “Nhớ quá! Biết nào mới được trở về?”.
Nhìn con nít nô đùa rộn rã mà tha thiết: “Nhớ quá! Biết nào mới được trở về" |
DUY TÂN |
Ly hương, nào ai muốn? Nhưng ruộng đồng không nảy nở mà người thì mỗi lúc một sinh sôi. Bao nhiêu đập thủy điện trên thượng nguồn sông mẹ ngăn mùa lũ, ngăn tôm cá, ngăn phù sa về miệt Cửu Long, triệt tiêu bao nghề hạ bạc. Nhà nông vẫn quẩn quanh trong điệp khúc mùa và giá, nhiều người thua lỗ suốt mấy mùa liên tục phải cố đất, treo hầm. Khu công nghiệp tỉnh nhà quy mô không đủ chỗ cho mấy chục ngàn công nhân. Có người được đào tạo bài bản, cầm tấm bằng đại học loay hoay không xin được chỗ… Lý do có đến muôn vàn. Xứ người dẫu có ngọt bùi cay đắng cũng mở lòng đón những kẻ tha hương, cũng góp phần quan trọng cho nhịp sống yên trôi.
Rồi đại dịch. Trước khi thành phố đóng cửa, bao đoàn người rùng rùng tháo chạy khỏi nơi từng là mảnh đất hứa. Đường về nhà đơn vị tính bằng trăm, bằng ngàn cây số. Những chiếc xe môtô cũ kĩ mang gần như cả gia tài mà họ có. Những mái tóc ngã bạc, những em bé vừa chào đời tròn tháng… trở về quê cha đất tổ trong chuyến hồi hương vội vã, hối hả. Xót xa lắm, có người kiệt sức ngã gục bên vệ đường thiên lý, giấc mơ về nhà mãi mãi bỏ dở… Giữa ly cách, những đứa con của xóm thủ thỉ: chưa bao giờ hai tiếng về nhà trở nên thôi thúc đến vậy. Giữa bốn bức tường ngột ngạt bức bối, cánh đồng quê bát ngát gió trời cứ hiện lên trong tâm trí. Giữa tương ái đùm bọc của người xa lạ, những yêu thương ruột thịt phía quê nhà cứ vẫy gọi dạt dào. Giữa tiếng còi cứu thương vọng đến ai oán, tiếng bà ru cứ cất lên thăm thẳm từ hồi ức. Giữa những tử biệt càng thấm thía cảnh sinh ly, càng nhớ dáng mẹ vun lá đốt đống un sưởi ấm mỗi tinh sương. Công ty đóng cửa, lúc chắt chiu những đồng lương tháng cuối được lãnh bỗng nhớ tới mảnh vườn cỏ mọc hoang chốn quê, lòng dậy lên bao trăn trở suy tính. Về hay ở?
Tháng ngày phong tỏa mỏi mòn kết thúc. Một lần nữa trong lịch sử, những dòng người hồi hương điệp trùng nối nhau trên quốc lộ. Đằng sau những dòng xe là biết bao mảnh đời, bao toan tính. Có người vẫn chọn cách ở lại với niềm tin thành phố sẽ hồi sinh, mạnh mẽ như đã từng. Cũng có người trở về trong hình hài búp sen, tro cốt rồi sẽ được ngủ yên mãi mãi trên mảnh đất quê mẹ sau chuyến viễn du. Con của xóm cũng người về kẻ ở. Kẻ ở rưng rưng lời hẹn: “Tết con về”. Mấy ngày thành phố vừa mở cửa, xóm cứ xôn xao, rộn ràng như không khí mấy ngày giáp tết. Người này báo con đã về tới ngã ba, cuộc gọi kia quay cảnh xếp hàng chờ vào cửa ngõ tỉnh, đứa khác kêu con đang chờ mấy anh đến đón về quê. Có rưng rưng nước mắt trước cảnh đoàn người bồng bế nhau trên những chuyến xe xuôi về hướng họ từng rời đi mới thấu hiểu giá trị của sự bình yên. Có thấy cảnh đoàn xe mệt mỏi được an toàn trong vòng hộ tống của lực lượng chức năng mới trân trọng hơn tình quê hương xứ sở. Má bắt sẵn con gà, chú rọng sẵn mớ cá cho tụi nhỏ về bồi bổ. Quê nhà dang rộng vòng tay!
Quê nhà luôn dang rộng vòng tay, dù không còn trù phú như xưa nhưng chưa bao giờ cạn kiệt, dù không giàu nhưng luôn đủ bao dung |
duy tân |
Quê nhà luôn dang rộng vòng tay! Miền Tây bao đời cưu mang người tứ xứ, bao thế hệ tha hương cổ kim đã chọn gắn bó nhiều đời, gắn bó mãi mãi với miền đất Tây Nam Tổ quốc. Những biến thiên đã làm thiên nhiên miền châu thổ Cửu Long vơi trù phú nhưng sự hào sảng, nhân ái của người miền Tây vẫn vẹn nguyên. Miền đất ấy đã đau lòng biết mấy khi những khúc ruột của mình phải rời đi vì sinh kế, người nơi ấy đã xót xa biết mấy khi người xứ mình bị xài xể chỉ vì muốn nhận ký gạo, gói mì cứu trợ. Không dám trách ai, chỉ mong một số người thôi đánh giá người qua vẻ bề ngoài. Phải mà họ một lần được về miền Tây để xem cách người nơi đây đối với nhau, với khách. Quê nhà luôn dang rộng vòng tay, dù không còn trù phú như xưa nhưng chưa bao giờ cạn kiệt, dù không giàu nhưng luôn đủ bao dung.
Ai đó đã nói, cơn đại dịch là tín hiệu của vũ trụ gửi cho nhân loại, dòng người hồi hương là một cách cơ cấu lại xã hội… Người trở về tìm cách để thôi phải rời đi lần nữa vì cuộc mưu sinh. Anh Hai gom mớ vốn dành dụm được sau những ngày phiêu bạt sửa lại căn nhà dột mái, mục vách vì thiếu hơi người. Hai cha con lụi hụi sửa sang lại mấy gốc dừa, quây lưới thả mấy con gà, chăn thêm bầy vịt. Cậu Ba ra dọn lại mảnh vườn um tùm cỏ dại, hì hục vét lớp bùn lưu cữu đáy hầm, tính lại cuộc nuôi trồng sau một thời gian bỏ phế. Gom góp, chắt mót lần hồi, mỗi người một cách gây dựng lại “cơ đồ”. Bài toán việc làm cho những người trở về chưa bao giờ là dễ giải. Rồi mai kia mốt nọ, khi đại dịch thôi là nỗi khiếp sợ, đâu đó sẽ có người lại bỏ quê về phố. Nhưng với xóm, những người đã chọn về là ở hẳn. Má à, chen chúc xứ người con mệt rồi, trận đại dịch vừa qua giúp con hiểu rõ con cần gì và con thuộc về đâu. Cha ơi, tiền bao nhiêu cũng không đủ, con muốn về sống cạnh cha...
… Những cánh tay vẫn luôn chìa ra, sẻ chia, tương trợ. Nhịp sống sau đại dịch dần bình yên. Dẫu còn đó những khó khăn về vật chất, nhưng sự trở về đã hồi sinh những điều tưởng đã mất đi. Xóm làng lại rộn trong tiếng nói cười, những đứa bé được trưởng thành trong vòng tay cha mẹ, người già nheo mắt cười thấy cháu con đông đủ, hết rồi cảnh làng xóm đìu hiu vắng bóng thanh niên trai tráng. Về với quê hương để được lặn hụp trong dòng nước mát, được tắm mình trong những nghĩa tình thấm đẫm…
… Về để trong mơ hồ tiếng chim bìm bịp kêu nước lớn, chiêm nghiệm những được mất từ thuở rời quê. Giữa chốn thị thành có những mất mát khó tìm lại được. Như anh Hai đã lạc mất chị Hai giữa xa hoa vật chất. Chị ơi! Anh dành hết tâm tư sửa lại ngôi nhà cũ có lẽ vì thẳm sâu anh vẫn khắc khoải mong một ngày nào đó chị sẽ trở về. Về đi chị! Về nhà, nhìn bóng mẹ ấm áp bên đống un vương nắng sớm, nhìn dáng cha yêu thương mỏng manh như sợi khói buổi hoàng hôn, nhìn đàn trẻ ríu rít như bầy chim sẻ góc sân thanh bình để kịp níu giữ, trân trọng những thương yêu luôn hiện hữu ở quê nhà…
Bình luận (0)