Nicolas Cage và 'vai diễn trong mơ' trong 'Chiến hạm Indianapolis - Thử thách sinh tồn'

09/10/2016 16:00 GMT+7

'Một trong những giấc mơ đầu tiên của tôi là về đại dương. Và tôi luôn ước được tham gia một bộ phim trên biển', nam diễn viên từng đoạt Oscar tâm sự về Chiến hạm Indianapolis - Thử thách sinh tồn .

Cảm hứng từ một sự kiện có thật
Vào những ngày cuối của Chiến tranh Thế giới II, tàu chiến Hải quân Mỹ USS Indianapolis bị quân đội Nhật tấn công và đánh chìm. Trong số 1.197 thành viên thủy thủ đoàn có gần 300 người đã chìm xuống đáy biển cùng con tàu. Số người còn lại bị mắc cạn ở vùng biển Philippines phải chịu đói, khát, mê sảng, cá mập tấn công và lần lượt nhiều người đã ra đi. Năm ngày sau đó, chỉ còn 317 người sống sót và được giải cứu.
Để tưởng nhớ sự kiện này, hãng phim Hannibal Classics quyết định chuyển thể nó thành phim và nhờ đến tay nghề của đạo diễn Mario Van Peebles, người từng có kinh nghiệm làm hơn 40 bộ phim điện ảnh và truyền hình lớn nhỏ. Sau đó, ê-kíp đã mời Nicolas Cage, nam diễn viên từng đoạt giải Oscar, thủ vai chính: thuyền trưởng Charles Butler McVay. Cả hãng phim Hannibal và đạo diễn Van Peebles đều đồng ý rằng Nicholas Cage là sự lựa chọn hoàn hảo. Theo Van Peebles: “Cage có tố chất của người chỉ huy, một người khá hài hước, nhưng rất chuyên nghiệp và có trách nhiệm”. Và thật may mắn, Nicolas Cage đã đồng ý ngay lập tức, bởi ông luôn mơ được tham gia một bộ phim lấy bối cảnh hoàn toàn là biển cả. Bên cạnh đó, ông cũng cực kỳ yêu thích kịch bản do Rionda Del Castro, người mà Cage từng nhiều lần hợp tác, viết ra.
Để hoàn chỉnh kịch bản của Chiến hạm Indianapolis - Thử thách sinh tồn, ê-kíp biên kịch đã bỏ ra thời gian đến 5 năm. Họ có quá trình nghiên cứu rất công phu, liên hệ với những người sống sót, với Hải quân Mỹ, các hồ sơ, tài liệu, tìm đến tổ chức Second Watch được sáng lập bởi gia đình, bạn bè của thủy thủ tàu USS Indianapolis... để tìm hiểu. Và cuối cùng, họ có được một bản thảo 200 trang để bắt đầu đi vào quá trình sản xuất.
Gay cấn, khốc liệt và dữ dội, đó là những gì khán giả cảm nhận được ở Chiến hạm Indianapolis - Thử thách sinh tồn Ảnh: CGV cung cấp
Đầu tư trong từng chi tiết nhỏ
Các nhà làm phim phải mất 6 tuần để hoàn tất giai đoạn tiền sản xuất. Họ đã làm việc không mệt mỏi để tìm kiếm địa điểm thích hợp cho những cảnh quay của năm 1945 và đảm bảo sự tiếp cận với một tàu chiến năm 1945 trông giống như tàu USS Indianapolis. Công viên Tàu chiến USS Alabama là nơi đặt con tàu đã “nghỉ hưu” USS Alabama và mở cửa cho công chúng tham quan.
USS Drum, một tàu ngầm thuộc sở hữu tư nhân, được lựa chọn để hóa trang thành tàu ngầm I-58 của Nhật. Một máy bay cổ PBY ở Oregon được vận chuyển đến bãi biển Orange, Alabama. Ngoài ra, bãi biển cũng phải được xử lý sao cho giống với vùng biển Philippines, đồng thời phải đủ an toàn cho việc đáp hạ máy bay PBY, bố trí đạo cụ và cảnh quay trong khi vẫn phải duy trì hoạt động bình thường của bãi biển cho công chúng. May mắn là sự mến khách và hòa nhã của người dân Alabama đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho đoàn làm phim thực hiện dự án.
Việc bố trí các xe hơi đời cổ cũng không đến nỗi quá khó bởi cách đoàn làm phim không xa, phòng sưu tập đồ cổ Henderson có thể cung cấp cho đoàn làm phim 40 chiếc xe hơi cổ trong tình trạng hoàn hảo.
Tuy nhiên, vì phải quay với nhiều cảnh biển nên các nhà làm phim rất lo lắng sóng biển sẽ cản trở quá trình thực hiện những cảnh quay. Nhà thiết kế sản xuất Joe Lemmon đã tìm kiếm giải pháp và nhận thấy rằng một xà lan trên mặt nước có thể xử lý được bài toán này. Thực sự thì nó đã phát huy tác dụng, dù khá chật hẹp với diễn viên và đoàn làm phim.
Bên cạnh đó, biên kịch Rionda Del Castro và đạo diễn Van Peebles cũng nhận thấy rằng cá mập là một phần rất quan trọng của bộ phim. Chuyên gia kỹ xảo Walt Conti, người từng được đề cử giải Oscar, đã tạo ra những mô hình cá mập trông như thật khi thực hiện các cảnh quay dưới nước. Theo Conti, công nghệ đã có những bước nhảy vọt từ sau sự ra mắt của bộ phim Jaws do Steven Spielberg đạo diễn. Conti thiết kế những con cá mập đúng kích cỡ thật, gắn vào các sợi cáp có thể di chuyển ở dưới nước, hàm của những con cá mập có thể mở to và khép lại. Những mô hình cá mập giống thật đến nỗi cá ép, loại cá luôn bám theo bụng cá mập, đã cố gắng bám vào chúng.
Cá mập thật cũng đặt ra những mối đe dọa tiềm tàng khi diễn viên và đoàn làm phim ở ngoài biển trong thời gian dài thường xuyên bị cá mập thăm viếng. An toàn là trên hết. Nhằm ngăn chặn cá mập thật trà trộn vào cá mập giả tấn công diễn viên, tổ chức Shark Shield of Florida đã hỗ trợ việc ngăn chặn cá mập bằng việc phát ra những sóng âm điện tử ở dưới biển.
Và cuối cùng, việc đưa ra những bản nhạc thích hợp trong những cảnh quay là điều rất quan trọng và là một phần quyết định đến sự thành công của bộ phim. Laurent Eyquem đã chọn Prague City Philharmonic để thu âm nhạc cho bộ phim Chiến hạm Indianapolis - Thử thách sinh tồn. Kết quả bản thân nhạc phim cũng là một tác phẩm nghệ thuật. Bộ phim hứa hẹn sẽ mang lại cho khán giả nhiều cung bậc cảm xúc, đặc biệt là đối tượng khán giả trẻ, ở Việt Nam và cả trên toàn thế giới.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.