“Niềm tin của dân với tòa án còn chừng mực”

23/03/2013 03:10 GMT+7

Chánh án TAND TC Trương Hòa Bình đã nhìn nhận như vậy trước thực tế hoạt động của Tòa Hành chính chưa như mong đợi, số vụ việc người dân khởi kiện các quyết định sai trái của cơ quan công quyền ra tòa vẫn còn hạn chế.

Có thể nói, suốt hơn 3 giờ trả lời chất vấn trực tiếp tại phiên họp Ủy ban TVQH sáng qua, Chánh án TAND TC Trương Hòa Bình đã phải đối mặt với không ít câu hỏi khó của ĐBQH.

 

Chánh án trả lời tội tham nhũng hưởng án treo giảm nhiều là chưa thuyết phục. Thực tế tòa án các cấp xử nhiều vụ cho hưởng án treo, cử tri không đồng tình. Đề nghị cho biết tỷ lệ hưởng án treo có cao không, có đúng luật không, có tiêu cực khi cho hưởng án treo không?

ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên)

Án treo tham nhũng nhiều hay ít ?

Bấm nút đầu tiên, nguyên Phó viện trưởng Viện Khoa học kiểm sát Đỗ Văn Đương hỏi Chánh án Trương Hòa Bình có hay không tiêu cực trong chạy án tham nhũng khi “số vụ án đưa ra xét xử thì ít nhưng số bị cáo được hưởng án treo, phạt tù nhẹ chiếm rất cao, có nơi đến 45%, gây hoài nghi trong dư luận?". Ủy viên Ủy ban Tư pháp của QH Đào Thị Xuân Lan “dấn” thêm: Giám sát tại các địa phương thì thấy, có địa phương cho hưởng án treo tội phạm tham nhũng nhiều, có trường hợp cho hưởng án treo sai luật.

“Qua con số thống kê vài năm trở lại đây thì số bị cáo được hưởng án treo đã giảm rất nhiều. Một số địa phương cho hưởng án treo cao trước đây, giờ cũng đã giảm mạnh”, Chánh án Trương Hòa Bình chậm rãi nói. Theo ông Bình, việc ít vụ án tham nhũng đưa ra xét xử là vì tòa án chỉ xét xử những vụ án được Viện Kiểm sát đưa ra truy tố và có cáo trạng. Cho nên việc xử lý các vụ án tham nhũng nhiều hay ít có liên quan đến trách nhiệm của cơ quan công tố và các cơ quan điều tra. Hơn nữa, theo luật định, tòa án chỉ được xét xử mức tội trong cáo trạng truy tố của Viện Kiểm sát chứ không được định tội ở mức cao hơn.

“Những vụ án tham nhũng được đưa ra xét xử trong thời gian qua đều áp dụng hình phạt nghiêm khắc với những người chủ mưu cầm đầu và đối tượng chủ mưu chỉ chiếm từ 6 - 8% đối tượng đưa ra xét xử. Số còn lại thừa hành hành vi tham nhũng vốn chiếm số đông trong các vụ việc, chủ yếu là cán bộ công chức có nhân thân tốt, tích cực khắc phục hậu quả, thành khẩn khai báo nên khi xét xử đều có vận dụng luật định để có biện pháp khoan hồng”, ông Bình nói thêm.

Về tiêu cực trong xét xử, Chánh án TAND TC thừa nhận “dư luận hoài nghi có tiêu cực chạy án, đây là hiện tượng và có dư luận về vấn đề này”, nhưng đồng thời quả quyết “qua kiểm tra, hầu hết số lượng các bị cáo được áp dụng án treo đều đúng quy định của pháp luật, một số trường hợp không đúng nên đã bị tòa án cấp trên kháng nghị giám đốc thẩm để giải quyết đúng luật, đã xử lý nghiêm minh các trường hợp thẩm phán áp dụng án treo không đúng luật. Những trường hợp này đều tạm dừng tái bổ nhiệm để kiểm điểm, nếu không có dấu hiệu vi phạm thì mới được xem xét lại, còn nếu có dấu hiệu vi phạm thì xử lý nghiêm minh”. Chánh án đồng thời cho hay hiện TAND TC đang dự thảo xây dựng một nghị quyết mới để quy định chặt chẽ điều kiện cho hưởng án treo, đặc biệt là tội tham nhũng. Ngoài ra, với trường hợp chủ mưu, dù có khắc phục hậu quả, thành khẩn khai báo cũng không được hưởng án treo.

 

Con số án treo đã giảm theo 3 năm qua, đó là thống kê khách quan. Có tiêu cực hay không, chúng tôi cũng đã trả lời, có những hiện tượng này thì không loại trừ. Với trách nhiệm của ngành tòa án và phối hợp với các cơ quan hữu quan, nếu phát hiện thì kiên quyết xử lý

Chánh án TAND TC Trương Hòa Bình

“Chánh án trả lời tội tham nhũng hưởng án treo giảm nhiều là chưa thuyết phục. Thực tế tòa án các cấp xử nhiều vụ cho hưởng án treo, cử tri không đồng tình. Đề nghị cho biết tỷ lệ hưởng án treo có cao không, có đúng luật không, có tiêu cực khi cho hưởng án treo không?”, ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) hỏi tiếp.

“Con số án treo đã giảm theo 3 năm qua, đó là thống kê khách quan. Có tiêu cực hay không, chúng tôi cũng đã trả lời, có những hiện tượng này thì không loại trừ. Với trách nhiệm của ngành tòa án và phối hợp với các cơ quan hữu quan, nếu phát hiện thì kiên quyết xử lý”, ông Bình đáp.

“Xiết” kháng nghị có bịt đường kêu oan ?

ĐB Bùi Mạnh Hùng (Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước), cho rằng gần 2 năm qua kể từ khi luật Tố tụng hành chính có hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Tòa Hành chính chưa đạt được mong đợi, tình trạng người dân rất ngại khởi kiện cơ quan nhà nước do một mặt dân chưa tin vào chất lượng xét xử các vụ kiện hành chính. “Đề nghị chánh án cho biết đến bao giờ thì Tòa Hành chính mới khắc phục được tình trạng trên?”, ông Hùng hỏi.

“Trước đây ngành tòa án thụ lý giải quyết các vụ khởi kiện hành chính với số lượng rất ít. Sau khi có luật Tố tụng hành chính với việc mở rộng thẩm quyền cho tòa án, con số hàng năm ngành thụ lý giải quyết tăng rất mạnh, cho thấy dân bắt đầu tin và chọn con đường giải quyết qua tòa án ngày càng tăng”, ông Bình nói. Mặc dù vậy, ông thừa nhận số vụ khởi kiện hành chính chưa tăng nhanh theo mong muốn vì nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân “niềm tin của dân với tòa án còn có chừng mực”.

Chánh án TAND TC cũng khẳng định sắp tới sẽ nâng cao chất lượng xét xử, có chế tài quyết liệt xử lý trường hợp các cơ quan, cá nhân, tổ chức có liên đới không hợp tác với tòa án trong việc cung cấp chứng cứ, không tham gia vào quá trình tố tụng các vụ xét xử khiếu kiện hành chính để khắc phục tình trạng này.

“Niềm tin của dân với tòa án còn chừng mực”
Chánh án TAND TC Trương Hòa Bình tại phiên chất vấn sáng 22.3 ở Ủy ban TVQH - Ảnh: Ngọc Thắng

Liên quan đến quyền khởi kiện, kháng cáo của người dân, trước câu hỏi một số ĐB đặt ra về lý do năm 2012 chỉ giải quyết được khoảng 60% đơn xin kháng nghị giám đốc thẩm, ông Bình lý giải: số lượng đơn xin kháng nghị nhiều là do chất lượng xét xử nhưng cũng có lý do xuất phát từ quy định xét xử của pháp luật hiện nay quá mở, quy định được kháng nghị nhưng lại không quy định điều kiện như thế nào thì được kháng nghị. Vì vậy, tới đây bên cạnh việc nâng cao chất lượng xét xử, ngành cũng sẽ kiến nghị  xây dựng căn cứ giải quyết kháng nghị giám đốc thẩm chặt chẽ hơn.

“Tỷ lệ án kháng nghị sửa chiếm bao nhiêu phần trăm, do pháp luật quy định mở hay do xét xử có vấn đề? Nếu tập trung xiết lại quy định về kháng nghị liệu có cấm cửa các trường hợp kháng nghị vì xét xử oan sai hay không?”, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu, Võ Thị Hồng Thoại lo lắng hỏi.

Ông Bình “trấn an”: Tinh thần là thiết kế một điều luật nếu còn sai, còn oan thì phải sửa, đã giải quyết đúng rồi thì thôi không giải quyết lại. “Điều kiện chặt chẽ là nếu không còn căn cứ để xét lại nữa thì không chấp nhận kháng nghị chứ không phải cấm cửa”, Chánh án TANDTC giải thích.

Mỗi năm đều có thẩm phán bị bắt

ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) nêu lại thực tế gần đây có nhiều vụ án liên quan đến cán bộ ngành tòa án ăn hối lộ, chạy án, trong khi đó tỷ lệ án sửa, hủy do phán quyết sai còn cao. "Phải chăng công tác quản lý cán bộ của ngành tòa án có vấn đề? Trách nhiệm thuộc về ai?", ông Vinh chất vấn. Nhiều ĐB sau đó cũng đặt câu hỏi tương tự về chất lượng xét xử và tình trạng tiêu cực của cán bộ ngành tòa án.

Chánh án Trương Hòa Bình thừa nhận thực tế có một số cán bộ công chức tòa án bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì tiêu cực, nhận tiền của đương sự. "Việc ĐB nêu ra, hiện tượng là có thực. Thống kê trong 3 năm 2010 - 2012, hằng năm đều có một số lượng thẩm phán bị xử lý hình sự. Việc án bị hủy, sửa chưa giảm mạnh, vẫn còn nhiều án quá hạn. Những việc này cần thời gian khắc phục bằng nhiều giải pháp”, ông Bình nói, đồng thời xin nhận khuyết điểm trước những tồn tại của ngành.

Câu hỏi “rất khó trả lời”

Giữa phiên chất vấn, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng bất ngờ bấm nút đăng ký đặt câu hỏi. Ông nhắc lại 8 chỉ tiêu trong Nghị quyết 37 của QH tại kỳ họp thứ 4 vừa rồi về công tác tư pháp, trong đó có chỉ tiêu không để xảy ra trường hợp kết án oan; khắc phục tình trạng bản án tuyên không rõ ràng, và hỏi Chánh án TAND TC: 8 chỉ tiêu này đồng chí có bảo đảm thực hiện được không? Nếu làm được thì chất lượng xét xử sẽ lên cao, tiêu cực, nhũng nhiễu, oan sai sẽ đỡ.

Chánh án Trương Hòa Bình ngập ngừng: Câu hỏi của Chủ tịch QH rất khó trả lời. Tôi thay mặt anh em toàn ngành tòa án biểu hiện quyết tâm cao nhất để thực hiện 100% chỉ tiêu nghị quyết QH giao. Còn nếu có phần trăm nhỏ nào không đạt được, tôi xin chịu trách nhiệm trước QH.

Bảo Cầm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.