Người viết vừa thực hiện loạt phóng sự Tiếp sức người lao động được đăng tải trên Báo Thanh Niên, trong đó đề cập việc thúc đẩy các quỹ tài chính vi mô để hỗ trợ sinh kế cho người nghèo, cũng như nêu ý kiến về hướng tiếp cận người nghèo dựa trên khả năng, động lực, tinh thần doanh nhân của họ thay vì là xem họ người thụ hưởng, trông chờ chính sách. Các hướng tiếp cận của tác giả nhận được nhiều ý kiến tranh luận trên các diễn đàn. Tuy nhiên, thông điệp tôi muốn truyền tải trên hết là sự đồng hành xã hội.
Có một nhân vật chia sẻ với tôi rằng chị là mẹ đơn thân, ở nhờ nhà ngoại, không có tài sản gì. Thế nên khi muốn lấy vài món hàng mọn để bán tạp hóa, chị định đi vay, nhưng sợ không dám hỏi ai, còn các ngân hàng không cho những người nghèo như chị vay.
Nhưng cuối cùng khi cầm được trên tay vài chục triệu đồng từ khoản vay tín dụng của Tổ chức tài chính vi mô CEP, chị mừng rơi nước mắt. Mừng không phải chỉ vì có tiền, mà mừng vì thấy xã hội cho chị một động lực để từ đó chị có thể nỗ lực, phát triển kinh doanh. Chị có một niềm tin về sự đồng hành trước áp lực mưu sinh.
Thực chất thì những câu chuyện riêng lẻ về việc làm tốt thế này không phải mới mẻ. Mỗi ngày ta vẫn thường nghe nào chuyện một ông chủ trọ vay ngân hàng để xây khu nhà trọ xanh sạch đẹp với giá rẻ, một bà chủ trọ khi làm nhà trọ nhất định phải xây cái sân thiệt rộng để làm điểm sinh hoạt, vui chơi cho con em công nhân, một người thu gom ve chai đi vận động bạn bè để trao quà tết cho người khó hơn mình…
Những câu chuyện đó đã góp phần hình thành một thứ giá trị vô hình - "nghĩa tình" ở nơi mà người ta vẫn hay nhắc đến về sự hào hiệp: Sài Gòn - TP.HCM. Dù là những câu chuyện "đong tấm lòng" rất cũ, nhưng không có gì là dư thừa khi tiếp tục lan tỏa những câu chuyện đó. Trong xã hội còn những không may, lòng tử tế giữa người với người vẫn là điểm sáng, dìu dắt con người ta bước tiếp.
Bình luận (0)