Trong năm 2017, các nhà lãnh đạo sẽ phải tiếp tục đáp ứng nguyện vọng của những người đã phó thác niềm tin vào họ đồng thời vạch ra tầm nhìn hướng tới tương lai tươi sáng hơn. Trong bối cảnh phức tạp, khó lường và đầy lo ngại hiện nay đòi hỏi một người lãnh đạo thực sự phải lèo lái bằng cả “hệ thống radar” lẫn một chiếc “la bàn”. Họ phải “bắt sóng” mọi tín hiệu liên tục được gửi đến từ một thế giới luôn biến động để sẵn sàng có những điều chỉnh cần thiết. Tuy nhiên, họ cũng không được lạc khỏi kim chỉ nam của mình: một tầm nhìn vững chắc dựa trên các chân giá trị.
Đó là lý do tại sao Hội nghị WEF năm nay lại có chủ đề “Lãnh đạo chủ động và có trách nhiệm”. Theo tôi, khi giới lãnh đạo nhà nước, chính phủ, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội vạch ra đường hướng cho năm nay, họ sẽ cần tập trung vào những vấn đề sau.
Cách mạng số, quản trị toàn cầu
Trước hết, giới lãnh đạo cần đón đầu xu hướng không thể tránh khỏi của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, vốn sẽ định hình lại toàn bộ các ngành công nghiệp, cũng như tạo ra những lĩnh vực mới liên quan những tiến bộ về trí thông minh nhân tạo, mạng lưới internet kết nối hầu như tất cả mọi thứ, xe tự lái, công nghệ in 3D, công nghệ nano, công nghệ sinh học và tính toán lượng tử. Tất cả đều đang thể hiện tiềm năng khổng lồ và trong năm 2017, chúng ta sẽ chứng kiến nhiều điều tưởng như chỉ tồn tại trong các tác phẩm giả tưởng.
Tuy nhiên, trong khi Cách mạng công nghiệp lần thứ tư giúp giải quyết không ít những vấn đề cấp bách nhất của thế giới, nó cũng sẽ gây ra lằn nứt chia rẽ giữa nhóm bảo thủ và những người sẵn sàng đón nhận sự thay đổi. Điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến ổn định và phát triển của chúng ta nên cần được nhanh chóng nhận diện và giải quyết.
Thứ hai, các nhà lãnh đạo cần xây dựng một hệ thống quản trị toàn cầu năng động bao gồm nhiều thành phần. Ngày nay, các thách thức kinh tế, xã hội, công nghệ và môi trường chỉ có thể được giải quyết thông qua hợp tác công - tư trên quy mô toàn cầu. Tuy nhiên, khung hợp tác quốc tế hiện tại lại được thiết kế ngay từ sau Thế chiến 2 với vai trò then chốt nằm ở các nhà nước và vì thế, đã phần nào lỗi thời.
Trong khi đó, những thay đổi địa chính trị liên tục thời gian qua đã khiến thế giới thực sự trở nên đa cực. Trật tự hiện tại ngày càng mong manh hơn khi sự xuất hiện của những “tay chơi toàn cầu mới” mang lại nhiều ý tưởng mới, cơ hội mới và cả thách thức mới. Do đó, chừng nào các quốc gia còn tương tác với nhau dựa trên nền tảng chia sẻ lợi ích thay vì chia sẻ các giá trị thì khả năng hợp tác của họ vẫn bị giới hạn. Hơn nữa, các nhân tố phi chính phủ có thể gây xáo trộn hệ thống quốc gia và toàn cầu, đơn cử là thông qua tấn công mạng. Để đối phó nguy cơ mới này, các nước không thể chỉ đơn thuần bế quan tỏa cảng mà cách duy nhất là phải bảo đảm tất cả đều được hưởng lợi từ toàn cầu hóa.
tin liên quan
Phát triển nền kinh tế Việt Nam tự cườngViệt Nam là nước đầu tiên trên thế giới ký thỏa thuận hợp tác theo mô hình đối tác công - tư với Diễn đàn kinh tế thế giới nhằm phát triển nền kinh tế tự cường trước tương lai.
Việc làm cho thanh niên
Vấn đề thứ ba là phục hồi tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Tăng trưởng trì trệ kéo dài sẽ kéo theo chất lượng sống “thụt lùi ổn định”. Chẳng hạn như với mức tăng trưởng hằng năm 5% thì sẽ cần 14 năm để tăng gấp đôi tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong khi với mức 3% thì mất đến 24 năm. Nếu tình trạng trì trệ còn tiếp diễn, tình cảnh của con cháu chúng ta có lẽ sẽ còn tệ hơn bây giờ. Tạm không tính đến tình hình thất nghiệp cơ bản do sự phát triển của công nghệ, nền kinh tế toàn cầu sẽ phải tạo ra hàng tỉ việc làm nhằm đáp ứng đà gia tăng dân số với dự báo dân số thế giới sẽ đạt 9,7 tỉ người vào năm 2050, so với 7,4 tỉ người hiện tại. Do vậy, 2017 sẽ là năm mà hòa nhập xã hội và việc làm cho thanh niên trở thành vấn đề cấp thiết mang tầm quốc gia và quốc tế.
Thứ tư là cải cách nền kinh tế thị trường và phục hồi sự hài hòa giữa kinh tế và xã hội. Thị trường tự do và toàn cầu hóa cải thiện chất lượng sống cho con người đã đẩy mạnh xóa nghèo trong nhiều thập niên qua. Tuy nhiên, những khiếm khuyết nội tại như tư duy nhiệm kỳ thiển cận, hố sâu khoảng cách giàu nghèo và chủ nghĩa thân hữu đã gây nên những ảnh hưởng chính trị tiêu cực trong những năm gần đây, cho thấy nhu cầu cấp bách phải xây dựng một cấu trúc bền vững cân bằng giữa động cơ kinh tế và lợi ích xã hội.
tin liên quan
Việt Nam tích cực khuyến khích khởi nghiệpThủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục tham dự các phiên thảo luận và gặp gỡ cấp cao tại Hội nghị Diễn đàn kinh tế thế giới 2017.
Tìm lại niềm tin
Sau cùng, các nhà lãnh đạo sẽ cần phải giải quyết vấn nạn khủng hoảng bản sắc cá nhân do sự xói mòn các giá trị truyền thống trong 2 thập niên qua. Toàn cầu hóa đã giúp thế giới trở nên “phẳng” và “nhỏ” hơn nhưng cũng phức tạp hơn và nhiều người đã mất đi niềm tin vào các giá trị phổ quát mang tính cột trụ của nhân loại. Con người ngày càng bất an về tương lai và cùng tìm kiếm những niềm tin khác biệt có thể đem lại cảm giác rằng cuộc sống của họ đang tiếp nối và có mục đích. Sự hình thành bản sắc cá nhân không phải là một quá trình duy lý mà bị chi phối bởi cảm xúc, bị tác động bởi bất an, bất mãn và phẫn nộ.
Ảnh hưởng của chuyện này thể hiện rõ rệt qua những biến động chính trị trong năm 2016. Nhiều chính trị gia giành được lợi thế không phải bằng cam kết chính sách mang tính “chính thống” hay một tầm nhìn dài hạn mà bằng cách ve vuốt tâm lý bất mãn của cử tri, đề cao chủ nghĩa dân tộc và cổ vũ cho những niềm tin cực đoan, thậm chí “phản động”. Trong khi đó, những nhà lãnh đạo có trách nhiệm vừa phải nhận thức được nỗi lo sợ và giận dữ của người dân vừa phải truyền cảm hứng và đề ra chiến lược xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho họ.
Nhưng bằng cách nào khi thế giới ngày nay dường như bị nhấn chìm vào tuyệt vọng, tiêu cực và yếm thế? Hiện chúng ta vẫn có cơ hội đưa hàng triệu người thoát nghèo để họ có một cuộc sống lành mạnh và ý nghĩa hơn. Chúng ta có nhiệm vụ chung tay hành động vì một thế giới hòa bình, hòa nhập và phát triển xanh hơn. Thành công hay không sẽ phụ thuộc vào lựa chọn của giới lãnh đạo chứ không phải bởi tác động từ bên ngoài.
Năm 2017 sẽ là thử thách tột bực cho các nhân tố của xã hội toàn cầu. Chúng ta không thiếu phương tiện để vượt qua thách thức và làm cho thế giới trở nên tốt đẹp hơn. Nhưng để làm được điều đó, chúng ta phải nâng tầm nhìn khỏi những lợi ích nhỏ hẹp và hành động vì lợi ích của xã hội toàn cầu. Nhiệm vụ đó bắt đầu với những người lãnh đạo của chúng ta, họ cần tham dự vào quá trình thảo luận cởi mở và chung tay tìm kiếm giải pháp cho 5 vấn đề nêu trên. Nếu giới lãnh đạo nhận thức được rằng chúng ta đang ở trong một cộng đồng toàn cầu cùng chung số phận, họ sẽ đi đúng hướng ngay từ những bước đầu tiên.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kết thúc tốt đẹp chuyến tham dự Hội nghị WEF
Chiều 21.1, sau chuyến bay 12 tiếng đồng hồ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã về đến Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến tham dự Hội nghị thường niên WEF lần thứ 47 tại Davos (Thụy Sĩ) từ ngày 17 - 21.1 theo lời mời của Chủ tịch WEF Klaus Schwab. Đây là chuyến tham dự Hội nghị WEF đầu tiên trên cương vị Thủ tướng Chính phủ và cũng là chuyến công tác nước ngoài đầu tiên trong năm 2017 của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu tại 5 phiên thảo luận về các vấn đề toàn cầu và khu vực; gặp cấp cao với nguyên thủ, thủ tướng 7 nước, người đứng đầu của các tổ chức quốc tế lớn, có 22 cuộc tiếp xúc song phương, 2 cuộc đối thoại với lãnh đạo các tập đoàn lớn và gặp gỡ một số hãng thông tấn, báo chí quốc tế hàng đầu.
Đáng chú ý, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cùng Chủ tịch WEF Klaus Schwab chứng kiến lễ ký Thỏa thuận hợp tác giữa Việt Nam và WEF về phát triển nền kinh tế Việt Nam tự cường trước tương lai. Việt Nam là nước đầu tiên WEF ký thỏa thuận hợp tác theo mô hình hợp tác công - tư (PPP) và mong muốn đây là một “mẫu hình” để triển khai với các nước khác.
Có thể nói, chuyến tham dự Hội nghị WEF lần này của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mang tới những thông điệp mạnh mẽ về đường lối, định hướng, chính sách và quyết tâm của Việt Nam về đổi mới toàn diện đất nước và hội nhập quốc tế giai đoạn 2016 - 2020. Khẳng định rõ cam kết của Việt Nam trong việc xây dựng Chính phủ hành động và kiến tạo phát triển, tăng cường lòng tin của cộng đồng doanh nghiệp quốc tế. Bên cạnh đó, cũng thu hút sự quan tâm và ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với các hoạt động năm Hội nghị cấp cao APEC 2017 tại Việt Nam.
Theo TTXVN
|
Bình luận (0)