Niềm vui đến trường

05/09/2018 08:26 GMT+7

Lứa tuổi nào đi học cũng cần vui chứ không chỉ bậc mầm non hay tiểu học. Tuy nhiên, mỗi lứa tuổi cần những cách dạy học và cách ứng xử khác nhau để việc học là tự thân, là niềm vui chứ không trở thành gánh nặng.

Xây dựng hoạt động vì chính học sinh
Một số trường ở Hà Nội đang nỗ lực để những ngày đầu đến trường của học sinh (HS) các lớp đầu cấp không bị bỡ ngỡ, áp lực vì thay đổi môi trường học tập.
Nhà giáo Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie Hà Nội, ngôi trường có cả 3 cấp học từ tiểu học đến THPT, cho rằng: Ở mỗi lứa tuổi thì ấn tượng những ngày đầu đến trường sẽ có những sự khác nhau trong cảm nhận. Với HS tiểu học là những hoạt động rộn ràng, trải nghiệm bằng những trò chơi; HS THCS, lứa tuổi tập làm “người lớn” và THPT thì sẽ phải để cho các em lên ý tưởng và tự thiết kế những hoạt động của mình, thầy cô chỉ tham gia góp ý…

“Trải qua 25 năm lãnh đạo Trường Marie Curie, tôi ngẫm ra một điều. Từ việc nhỏ đến việc lớn, từ việc gần gũi đến việc cao siêu, từ việc riêng đến việc chung... đều hướng đến cái đẹp và sự tử tế. HS sẽ cảm nhận được điều đó mỗi ngày, mỗi giờ từ chính những thầy cô của mình”, ông Khang nói.
Chính vì điều đó, trước mùa tựu trường năm nay, thầy cô Trường Marie Curie mất hàng tháng trời chỉ để mang lại một niềm vui nho nhỏ cho HS. Đó là việc các thầy cô dày công chuẩn bị và thực hiện một video đặc biệt mà trong đó mỗi thầy cô đều là “ca sĩ” mặc thật đẹp và hát bài hát được sáng tác riêng cho trường tặng HS của mình. Còn ban giám hiệu thì gửi gắm yêu thương, động viên tinh thần của HS bằng lời lẽ ân cần, ấm áp, tin yêu, giúp thầy trò không còn khoảng cách. Ngoài ra, mùa tựu trường hằng năm, trường đều tổ chức lễ hội hoa cúc, những chậu hoa cúc rực rỡ sắc màu được trang trí từ cổng tới sân trường, từng cầu thang, hành lang lớp học khiến HS có một khởi đầu đầy hứng khởi trong một không gian gắn kết.
Còn tại Trường THPT Yên Hòa, Q.Cầu Giấy, Hà Nội, thì ngày đầu đến trường là “ngày hội kết nối”. Bà Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Ngày hội” chính là một món quà của các thầy cô giáo trong hội đồng sư phạm, đặc biệt là của các anh chị HS khối 11, 12 đón chào HS lớp 10 vào trường. Tham gia ngày hội kết nối, HS khối 10 đã được hòa mình vào cuộc thi nhảy múa, thể thao cùng với các anh chị khối trên...
Ngoài các hoạt động trên, trong tuần đầu tiên, hiệu trưởng nhà trường trực tiếp trang bị kỹ năng cho HS khối 10. Chia sẻ những thay đổi trong cách học chủ động ở cấp THPT đồng thời giúp HS bình tâm đối mặt và biết vượt qua thất bại...
Mô hình trường học hấp dẫn
Bà Lê Mai Trang, Phó chủ tịch UBND Q.Thanh Xuân (Hà Nội), cho hay trước năm học mới, với mục tiêu xây dựng mô hình trường học hấp dẫn, bên cạnh nhiệm vụ nâng cao chất lượng dạy học, tăng cường cơ sở vật chất, đảm bảo an ninh, an toàn trường học, UBND quận đã chỉ đạo 100% các trường trên địa bàn quận chỉnh trang khung cảnh sư phạm, lắp đặt giàn hoa cây cảnh, trang trí nhà trường, đảm bảo khang trang, hiện đại, tạo môi trường sư phạm thân thiện, giúp HS thêm gắn bó, yêu trường yêu lớp.

Với Trường Phổ thông liên cấp Olympia thì trường học hấp dẫn được thực hiện bằng những hoạt động trải nghiệm thực tế của HS. Ngay trong tháng 8.2018, HS lớp 1 trải nghiệm khoa học ngay trong vườn cây với nhiều loại hoa trái. Còn HS THPT thực hiện giai đoạn cuối của dự án học tập tích hợp “tìm hiểu nền nông nghiệp lúa nước” tại đồng ruộng ở H.Ứng Hòa, Hà Nội. HS Nguyễn Thành Tín, lớp 11 của trường, cho biết: “Cảm nhận vẻ đẹp bình dị, yên bình của khung cảnh làng quê, những kỷ niệm đáng nhớ bên cạnh bạn bè, những trải nghiệm mới lạ với những công việc chỉ nghe trên sách vở”...
PGS Chu Cẩm Thơ, Viện Khoa học giáo dục VN, cũng nhấn mạnh đến hiệu quả của phương pháp học trải nghiệm. Đây là một phương pháp tiên tiến trên thế giới, giúp HS có nền tảng tư duy độc lập, để có thể tự chủ động tìm lời giải cho các vấn đề của các môn học và cả các vấn đề trong cuộc sống. Đặc biệt, vai trò lớn nhất của phương pháp trải nghiệm chính là mang đến niềm yêu thích học, yếu tố quan trọng nhất để trẻ học tốt.
Nhà giáo Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hội đồng Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội), thì tâm niệm: Chất lượng của nhà trường luôn được đo bằng chính chỉ số hạnh phúc của HS. Mỗi HS đến trường được trải nghiệm các kiến thức mới, được yêu thương, được hạnh phúc với phương châm giáo dục “chăm lo đến từng HS, giúp mỗi trò đều tiến bộ”. Sự tiến bộ ấy là so với chính mỗi đứa trẻ chứ không phải so với những HS.
Niềm vui từ những sáng tạo của thầy
Ông Hà Xuân Nhâm, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú, Hà Nội, cho rằng những giờ học sáng tạo, khiến HS hào hứng, say mê luôn là quá trình mồ hôi, công sức, trăn trở của giáo viên.
Chia sẻ với giáo viên của mình ngay trước năm học mới, ông Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng THCS & THPT Lê Quý Đôn, Hà Nội, cho rằng thầy cô giáo là những người đang nhận sứ mệnh là kỹ sư tâm hồn. Ngoài tri thức, tài năng sư phạm, người thầy còn phải có niềm đam mê nghề nghiệp, có lòng nhân ái và bao dung, sống trung thực và trách nhiệm, hết lòng thương yêu HS.
Nhà giáo Nguyễn Xuân Khang cũng khẳng định vai trò của giáo viên trong niềm vui đến trường của học trò. Nhưng ông cũng cho rằng, muốn làm được như vậy, về lâu dài không thể đòi hỏi sự hy sinh vô điều kiện của các thầy cô mà phải lo cho họ một đồng lương đủ sống, điều kiện làm việc ở mức có thể chấp nhận được. Theo ông Khang, mọi lý thuyết về dạy học sáng tạo sẽ khó áp dụng vào thực tế khi điều kiện dạy học quá “khắc nghiệt”.
Cha mẹ không gây áp lực
Ông Nguyễn Quốc Bình cho rằng để việc đi học của HS không còn là gánh nặng thì các bậc cha mẹ cũng là nhân tố quan trọng. “Xin quý vị hãy dành thêm thời gian để quan tâm, chăm sóc con mình, cùng con tâm sự, chia sẻ những niềm vui hay nỗi buồn… đồng hành cùng con để khơi dậy niềm đam mê học tập; hỗ trợ, động viên, khuyến khích với những thành công dù là nhỏ nhất. Hãy bày tỏ sự tin tưởng và biết chấp nhận những vấp ngã đầu đời của con mình, vì đó không phải là thất bại mà chỉ là thành công bị trì hoãn”, ông Bình nhắn nhủ.
Còn bà Phan Hồ Điệp, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, gửi gắm tới các bậc phụ huynh: “Kẻ thù vô hình” nhưng rất đáng sợ của trẻ là mỗi khi bố mẹ nhắc tới “con nhà người ta” để so sánh với con nhà mình. Thay vì ép chúng phải giỏi giống “con nhà người ta” thì bố mẹ hãy đồng hành với con, khích lệ con bằng những lời khen khi so sánh với chính sự tiến bộ của trẻ.
5 mong muốn cho năm học mới
Giáo viên Vũ Hoàng Sơn, Trường tiểu học Bình Hòa, Q.Bình Thạnh, TP.HCM mong muốn:
- Thay đổi hình thức hội họp bởi theo quy định, ở bậc tiểu học, GV phải họp tổ 2 tuần/lần. Đa số GV phải họp chéo buổi hoặc ở lại cuối giờ để họp. Nội dung họp cũng chỉ xoay quanh các vấn đề thông báo là chính. Do đó, cần thay đổi hình thức hội họp thông qua việc vận dụng công nghệ thông tin...
- Xóa bỏ lạm thu, đây là vấn đề được cả xã hội quan tâm nhưng năm học nào cũng xảy ra một vài nơi thu các khoản trái quy định thông qua hình thức vận động, xã hội hóa... gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của ngành.
- Giảm sĩ số HS, theo điều lệ trường tiểu học, mỗi lớp có 35 HS nhưng thực tế, đa số lớp học đều có từ 40 em trở lên.
- GV được tạo môi trường phát huy sự sáng tạo.
- GV cũng mong muốn được dự các tiết thao giảng do chính ban giám hiệu dạy để học hỏi kinh nghiệm.
Điều đáng quan tâm nhất là đội ngũ
* Cả nước có gần 24 triệu HS, sinh viên trong năm học mới
Trả lời báo chí trước ngày khai giảng năm học mới, ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, cho biết: Bộ đang cố gắng đẩy nhanh tiến độ đổi mới chương trình, sách giáo khoa nhưng quan trọng phải đảm bảo chất lượng. Đến thời điểm này, tiến độ thực hiện chương trình hoàn toàn phụ thuộc vào quá trình chuẩn bị đội ngũ và cơ sở vật chất trường lớp. Tinh thần chung là phải làm chắc chắn. Chương trình có tốt đến mấy nhưng người thực hiện là đội ngũ GV và điều kiện cơ sở vật chất không đáp ứng được yêu cầu cũng khó thành công.
Lần đổi mới này có khác biệt là chuyển từ chú trọng truyền thụ kiến thức sang phát triển phẩm chất, năng lực, vì vậy đội ngũ GV cũng phải chuyển mình. Nếu GV không được bồi dưỡng kiến thức, không được chuẩn bị sẵn sàng về tâm thế, rủi ro sẽ rất cao.
Theo thống kê dự báo quy mô HS năm học 2018 - 2019 của Bộ GD-ĐT, cả nước có 21.927.000 HS mầm non và phổ thông. Trong đó cấp tiểu học nhiều nhất với 8.359.000 HS; tiếp đến là THCS với 5.603.000; mẫu giáo là 4.650.000 trẻ; THPT là 2.578.000; lứa tuổi nhà trẻ ra lớp chiếm số lượng ít nhất với chỉ 710.000 trẻ.
Ngoài ra, còn có hơn 2 triệu sinh viên ĐH, CĐ, trung cấp sư phạm. Trong đó, sinh viên ĐH chính quy là 1.443.000.
T. Mai (ghi)
Ý kiến
Mong ổn định hình thức thi cử
Em mong ước ngành giáo dục ổn định các hình thức thi cử, tổ chức nhiều hoạt động để HS trải nghiệm các kỹ năng. Đồng thời để tạo công bằng cho HS cả nước, ngành giáo dục nên tổ chức thực hiện kỳ thi thật nghiêm túc.
Nguyễn Phan Hoàng Anh (HS Trường THPT Thủ Đức, Q.Thủ Đức, TP.HCM)
Lắng nghe tâm tư của HS
Mặc dù ở các trường đều có những hòm thư góp ý, góc chia sẻ… nhưng chất lượng chưa cao vì có không ít những hòm thư, những phong thư không được mở. Do vậy, chúng em mong mỏi, nếu có thể, thay bằng hình thức đối thoại trực tiếp, HS sẽ trực tiếp trao đổi với thầy cô, nghe thầy cô nêu những phương án giải quyết và cùng bàn bạc để đi đến sự thống nhất chung. Ngày nay học trò chúng em có sự năng động và sáng tạo hơn. Có những bạn luôn có những ý tưởng sáng tạo, sự bùng nổ và nhiệt huyết. Lắng nghe tâm tư của HS cũng là một cách để khoảng cách thầy trò được thu ngắn lại, xây dựng một môi trường học tập thân thiện và hòa đồng”…
Trần Phan Thủy Nguyên (HS lớp 11 tại Q.3, TP.HCM)
Giáo viên được giảm bớt số lượng chuyên đề
Trong một năm học, có quá nhiều chuyên đề thực sự không cần thiết và khi thực hiện, GV phải “bỏ lớp” khiến HS thiệt thòi. Vì vậy hoặc cần giảm bớt hoặc nếu phải thực hiện thì có thể áp dụng công nghệ thông tin.
Một giáo viên tiểu học ở Q.4
Học đi đôi với hành thật sự
Có những HS điểm học bạ đẹp nhưng năng lực thực sự lại có phần chưa tương xứng. Hay có những HS mụ người vì học, chỉ biết học mà chẳng biết gì ngay cả những việc đơn giản như lau nhà, rửa chén… Do vậy, tôi chỉ mong đến mỗi năm học mới, gia đình và nhà trường hãy dạy trẻ thực sự học đi đôi với hành chứ đừng lý thuyết suông, đừng vì thành tích, sĩ diện của người lớn mà làm khổ con trẻ.
Một giáo viên THPT tại TP.HCM
Bích Thanh (ghi)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.