Ninh Thuận cần tập trung ưu tiên vốn cho đồng bào dân tộc thiểu số

Ngày 14.4, Đoàn công tác tại các tỉnh Duyên hải miền Trung của NHCSXH do Tổng giám đốc Dương Quyết Thắng làm Trưởng đoàn đã làm việc với lãnh đạo chủ chốt NHCSXH tỉnh Ninh Thuận về kết quả triển khai thực hiện tín dụng chính sách.

Báo cáo trước Tổng Giám đốc về tình hình hoạt động của chi nhánh trong thời gian qua, Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) tỉnh Ninh Thuận Hoàng Liên Sơn cho biết: Ninh Thuận là tỉnh ven biển thuộc vùng Duyên Hải Nam Trung bộ, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 20,8%, chủ yếu là đồng bào dân tộc Chăm và dân tộc Raglai, còn lại là các dân tộc khác. Tính đến ngày 31.3.2020, tổng nguồn vốn của chi nhánh đạt 2.363 tỉ đồng, tăng so với khi thành lập là 2.283 tỉ đồng. Nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH là 68 tỉ đồng, trong đó, ngân sách UBND tỉnh là 55,6 tỉ đồng; Tỉnh Đoàn thanh niên 430 triệu đồng; UBND các huyện, thành phố là 12 tỉ đồng, tăng so với năm 2014 là 48,2 tỉ đồng.
Hiện NHCSXH tỉnh Ninh Thuận đang triển khai 15 chương trình tín dụng ưu đãi với tổng dư nợ đạt 2.356 tỉ đồng, tăng 2.295 tỉ đồng so với từ khi thành lập; doanh số cho vay đạt 6.504 tỉ đồng với 443.361 lượt khách hàng được vay vốn. Mức cho vay bình quân/hộ qua các năm đã tăng lên, từ 3,3 triệu đồng/hộ năm 2003 lên là 35,6 triệu đồng/hộ năm 2020.
Toàn cảnh buổi làm việc

Toàn cảnh buổi làm việc

Nguồn vốn tín dụng trong 18 năm qua đã góp phần giúp 59.000 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút tạo việc làm 167.000 lao động; hơn 70.000 lượt HS-SV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng trên 68.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn; hỗ trợ hơn 8.000 căn nhà ở cho hộ nghèo an cư lạc nghiệp và phòng, tránh bão, lụt; hơn 40.200 lượt hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn được được vay vốn; giúp cho hơn 38.200 hộ ở các xã thuộc vùng khó khăn vốn vay để phát triển sản xuất kinh doanh; 1.820 hộ vay vốn phát triển kinh tế - xã hội tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi; 500 hộ vay vốn chăn nuôi có tham gia hoạt động bảo vệ rừng theo Nghị định 75/2015/NĐ-CP; giải quyết cho 149 lượt khách hàng vay vốn mua nhà ở xã hội; trên 200 lao động được vay vốn đi xuất khẩu lao động có thời hạn ở nước ngoài; khôi phục và phát triển các làng nghề thủ công truyền thống các dân tộc, nhất là các làng nghề dệt thổ cẩm, làm gốm của dân tộc Chăm. Tín dụng chính sách đã góp phần tích cực trong việc thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, tỷ lệ hộ nghèo hàng năm của tỉnh giảm bình quân từ 1,5% - 2% và giảm từ 14,93% cuối năm 2015 xuống còn 5,33% cuối năm 2020 (-9,6%).Vốn tín dụng ưu đãi đã tập trung hướng vào địa bàn vùng sâu, vùng xa, huyện nghèo và các xã thuộc vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Tổng dư nợ cho vay tại các xã vùng khó khăn đạt 1.527 tỉ đồng, chiếm 64,8% tổng dư nợ, với 46.487 hộ vay; dư nợ cho vay đồng bào dân tộc thiểu số là đạt 779 tỉ đồng, chiếm 33% tổng dư nợ, với 28.271 hộ vay.
Hầu hết hộ vay có những chuyển biến tích cực về nhận thức, sử dụng vốn vay đúng mục đích, trả nợ, trả lãi đầy đủ. Nhiều hộ dân đã biết cách làm ăn, trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất kinh doanh, buôn bán nhỏ phát triển kinh tế gia đình, tăng thu nhập, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, cải thiện đời sống, đáp ứng nhu cầu thiết yếu của về đời sống vật chất và tinh thần… góp phần phát triển kinh tế, ổn định chính trị, đảm bảo an sinh xã hội.
Tổng giám đốc Dương Quyết Thắng ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà NHCSXH tỉnh Ninh Thuận đạt được trong thời gian qua và yêu cầu chi nhánh tiếp tục tham mưu thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22.11.2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, trong đó trọng tâm tham mưu chính quyền cân đối dành một phần nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác rà soát nhu cầu vay vốn của người dân để kịp thời lập kế hoạch phân bổ vốn và cho vay đúng đối tượng thụ hưởng. Tập trung triển khai cho vay ngay sau khi “Đề án cho vay đối với đối tượng thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi bằng nguồn vốn ngân sách địa phương, nhưng không thuộc các đối tượng do Trung ương quy định” và “Đề án cho vay giải quyết việc làm bằng nguồn vốn địa phương đối với các phường, thị trấn và các xã nông thôn mới trên địa bàn tỉnh” được UBND tỉnh phê duyệt. Cùng với đó, tập trung củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách, tăng cường công tác tuyên truyền; kiểm tra giám sát tại cơ sơ, phát động các phong trào thi đua tạo động lực cho cán bộ, viên chức và người lao động trong đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.