Ninh Thuận mời gọi đầu tư vào các dự án điện tái tạo

15/11/2024 18:58 GMT+7

Tại Hội nghị kết nối, xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh Ninh Thuận được tổ chức tại TP.HCM chiều 15.11, UBND tỉnh Ninh Thuận công bố 55 dự án lớn ưu tiên kêu gọi đầu tư, trong đó, có 9 dự án về năng lượng tái tạo.

9 dự án điện gió, mặt trời, tích năng...

Cụ thể, dự án điện khí LNG Cà Ná, xây dựng nhà máy điện khí LNG với công suất 1.500MW tại xã Phước Diêm, huyện Hàm Thuận Nam. Tổng đầu tư ước 51.793 tỉ đồng. Dự án này đã có trong Quy hoạch điện 8.

Dự án thủy điện tích năng Phước Hòa, xây dựng nhà máy thủy điện tích năng với công suất 1.200MW tại huyện Bác Ái và Ninh Sơn. Tổng vốn đầu tư khoảng 22.856 tỉ đồng.

Dự án điện gió Đầm Nại 3, xây dựng nhà máy điện gió với công suất 39,4MW tại huyện Thuận Bắc và Ninh Hải. Tổng mức đầu tư khoảng 872 tỉ đồng.

Dự án điện gió Đầm Nại 4, xây dựng nhà máy điện gió với công suất 27,6MW tại huyện Thuận Bắc và Ninh Hải. Tổng mức đầu tư khoảng 1.649 tỉ đồng.

Dự án điện gió Trí Hải, xây dựng nhà máy điện gió với công suất 79,5MW tại huyện Ninh Hải. Tổng mức đầu tư khoảng 2.760 tỉ đồng.

Dự án điện gió Phước Dân, xây dựng nhà máy điện gió với công suất 45MW tại huyện Ninh Phước. Tổng mức đầu tư khoảng 1.478 tỉ đồng.

Dự án điện gió hồ Bàu Ngứ, xây dựng nhà máy điện gió với công suất 25,2MW tại huyện Thuận Nam. Tổng đầu tư khoảng 988 tỉ đồng.

Dự án thủy điện Thượng Sông Ông 2, xây dựng nhà máy thủy điện với công suất 7MW tại xã Lương Sơn và thị trấn Tân Sơn, huyện Ninh Sơn. Tổng mức đầu tư khoảng 267,837 tỉ đồng.

Dự án thủy điện Phước Hòa, xây nhà máy thủy điện với công suất 22MW tại huyện Bác Ái. Tổng mức đầu tư khoảng 862,139 tỉ đồng.

Ninh Thuận mời gọi đầu tư vào các dự án điện tái tạo- Ảnh 1.

Ninh Thuận thuộc vùng duyên hải Nam Trung bộ, có vị trí chiến lược nằm trên giao điểm nối liền 3 vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam bộ, Nam Trung bộ và Tây nguyên,

ẢNH: NGUYÊN NGA

Theo UBND tỉnh Ninh Thuận, ngoài dự án dự án điện khí LNG Cà Ná là đã có trong Quy hoạch điện 8 và phù hợp với quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt, quy hoạch của tỉnh. Còn lại, 8 dự án được tỉnh đánh giá là phù hợp với Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định 500 ngày 15.5.2023 và Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050. Đặc biệt, dự án thủy điện Phước Hòa đã được UBND tỉnh Ninh Thuận chấp thuận chủ trương khảo sát, đã được Bộ Công thương bổ sung vào quy hoạch thủy điện nhỏ toàn quốc trên địa bàn tỉnh, đồng thời đã được bổ sung phương án đấu nối vào hệ thống điện quốc gia từ năm 2020.

Địa phương có nhiều tiềm năng về năng lượng, du lịch, logistics...

Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, nhấn mạnh: "Với tiềm năng, lợi thế và điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận đất đai, cơ sở hạ tầng, đặc biệt Ninh Thuận có tiềm năng về năng lượng, năng lượng tái tạo để phát triển trở thành trung tâm công nghiệp xanh của cả nước. Tỉnh Ninh Thuận cam kết sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư đến đầu tư tại tỉnh, đảm bảo quyền lợi tốt nhất, khai thác tiềm năng phát triển của tỉnh trong thời gian tới".

Ông Dương Ngọc Hải, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, chia sẻ với vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên, tỉnh Ninh Thuận không chỉ có tiềm năng về phát triển năng lượng tái tạo mà còn nhiều tiềm năng khác để phát triển như kinh tế biển, bao gồm phát triển du lịch, cảng logistics, nông nghiệp công nghệ cao và bất động sản… Về phía TP.HCM, các sở ngành liên quan tiếp tục được phân công cụ thể thực hiện một số nhiệm vụ như: tiếp tục liên kết với tỉnh Ninh Thuận trong thúc đẩy phát triển thương mại 2 chiều; hỗ trợ các sản phẩm tiêu biểu, sản phẩm OCOP của tỉnh vào các chuỗi siêu thị của thành phố; hỗ trợ, trao đổi kinh nghiệm và tổ chức các chương trình tập huấn, nâng cao nghiệp vụ về xúc tiến thương mại, đầu tư, quảng bá… Đặc biệt, hỗ trợ các nhu cầu khi tỉnh Ninh Thuận có yêu cầu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.