Tham vọng "chơi game 3D không cần kính"
Còn nhớ hồi năm 2009, thành công vang dội của siêu phẩm điện ảnh Avatar đã gây nên một đợt sóng mạnh mẽ trong làng giải trí. Người ta bắt đầu khát khao những sản phẩm giải trí với hiển thị 3D, nhà nhà đua nhau làm phim 3D và dân Việt Nam cũng dần quen với những chiếc mắt kính 3D trong rạp phim. Nắm bắt kịp xu thế này, công ty Nintendo đã tung ra "ách chủ bài" của mình, một chiếc máy chơi game đầu tiên trên thế giới có thể hiển thị hình ảnh 3D không cần mắt kính chuyên dụng: Nintendo 3DS. Đây quả thật là một "nước cờ" hết sức táo bạo và mang đầy tham vọng.
3DS là một nước cờ hết sức táo bạo và mang đầy tham vọng của Nintendo. (Ảnh: Derenji)
Ở thời điểm 3DS ra mắt (năm 2011), nó quả thật là một hiện tượng bùng nổ, đối với fan của Nintendo thì đây chẳng khác gì một "kỳ quan". Với thiết kế bóng bẩy sang trọng cũng như nâng cấp khá tốt về đồ họa so với máy DS thường, 3DS thực sự đã chứng tỏ mình “cao tay” hơn đối thủ Sony khi hãng này vẫn còn mãi “úm” PSP, vốn đã bị cho là thua cuộc trong cuộc đấu với Nintendo DS.
Thế nhưng, thật sự thì Nintendo có đủ sức để phát triển ý tưởng độc đáo này hay không? Khó có thể nói 3DS là một thất bại của Nintendo, nhưng nó chỉ thành công nếu ta xét về khía cạnh chiến lược và về chất lượng của một máy chơi game, chứ nếu xét về lý do ban đầu nó được tạo ra – hiển thị 3D không cần kính – thì có vẻ như 3DS chưa làm được những điều mà nó nhắm đến.
Hiệu ứng 3D còn hạn chế
Với việc bắt buộc người dùng phải nhìn thẳng góc với màn hình 3D và cầm máy cố định ở khoảng cách 20-30cm cách tầm mắt, thật sự khó có thể khiến người chơi hoàn toàn thoải mái thưởng thức game. Đành rằng Nintendo đã nghiên cứu tư thế ngồi thẳng lưng tựa vào ghế cộng với góc nhìn trên được khuyến cáo khá thoải mái khi chơi game, nhưng rõ ràng là họ chưa lường trước được không ít game thủ có cái tật thích… nằm để chơi game. Và đây mới là lúc tính năng 3D của 3DS bộc lộ khuyết điểm.
Khuyết điểm đầu tiên của 3DS: buộc người chơi phải ngồi và cầm máy đúng tư thế. (Ảnh: Nintendo)
Nếu bạn nằm ngửa, thì tiêu chuẩn cầm máy như được khuyến cáo khá dễ dàng. Thế nhưng, liệu bạn có thể... giơ tay lên mãi trong suốt mấy tiếng liền chơi game hay không? Còn nếu nằm sấp, thật sự khá khó khăn để giữ chiếc máy này đối diện mắt với khoảng cách được yêu cầu. Còn nếu nằm nghiêng thì đừng hỏi tại sao... "mắt em lại lé". Có vẻ tuy sở hữu những công nghệ hàng đầu thế giới, nhưng ở thời điểm này kỹ thuật vẫn còn khá hạn chế khi chưa cho phép thể hiện những hình ảnh 3D ở các góc nhìn nghiêng, do đó chỉ cần nhìn lệch tiêu cự khoảng 3-7 độ là bạn sẽ cảm thấy rất khó chịu.
Ngoài ra độ nông-sâu của hiệu ứng 3D chưa thật sự được chú trọng, do đó với đa số người mới tiếp xúc lần đầu và có thị lực hơi yếu, 100% đều cảm thấy chóng mặt và nhức mắt sau khoảng 15-30 phút tiếp xúc với màn hình 3D. Tuy Nintendo có đảm bảo rằng việc này không ảnh hưởng gì đến vấn đề thị lực, nhưng nói gì thì nói, ai mà dám xem nhẹ sức khỏe của mình, và đặc biệt là đôi “cửa sổ tâm hồn”?
Nhận xét: Đồng ý rằng chiếc 3DS với nền tảng phần cứng rất tốt cũng như Nintendo sở hữu đội ngũ kỹ thuật rất mạnh, nhưng có vẻ như ý tưởng hiển thị 3D không cần kính vẫn còn khá mới và còn cần thêm thời gian để nghiên cứu.
Nền tảng chưa đồng đều
Không cần bàn đến việc các hãng game khi muốn làm game cho 3DS phải nghiên cứu thêm việc làm sao hiển thị hình ảnh 3D của game cho tốt. Một số điển hình vận dụng 3D thành công như The legend of Zelda: Ocarina of Time hoặc Monster hunter 3 ultimate quả đúng là có chất lượng 3D tuyệt hảo. Người chơi sẽ bị cuốn hút vào không gian sâu thẳm với những hiệu ứng 3D đập thẳng vào mắt với cảm xúc rất chân thật.
The Legend of Zelda: Ocarina of Time là game đầu tiên thể hiện hiệu ứng 3D rất tốt trên 3DS (Ảnh: 8bitheadspace)
Thế nhưng, đáng tiếc không phải hãng nào cũng có thể làm được như vậy. Bằng chứng là với một số tựa game như Tales of the abyss hoặc Devil survivor: Overclock, hình ảnh 3D hiển thị rất nông cạn, qua loa như kiểu làm cho có. Thật ra cũng khó trách vì đây là những tựa game được chuyển thể lên hệ 3DS một cách vội vã cho kịp lịch ra mắt, thành thử chất lượng 3D kém cỏi là điều dễ hiểu.
Đáng mừng là sau 2 năm ra mắt, Nintendo đã khuyến khích và hỗ trợ các hãng thứ 3 để họ có thể phát triển những tựa game với hiệu ứng 3D đỉnh cao. Bằng chứng là trong năm 2013, vô số đầu game có hiệu ứng 3D được đầu tư cực tốt đã ra mắt game thủ, như Ace attorney: Dual destinies hoặc gần đây nhất là siêu phẩm được vinh dự trao giải “Game Of The Year”: The legend of Zelda: A Link between worlds.
Nhận xét: Thật sự thì việc chơi game với hiệu ứng 3D quả đúng là một trải nghiệm tuyệt hảo, nhưng chỉ đúng với những ai yêu thích Nintendo và có “can đảm” tập cho mắt làm quen dần với chế độ hình ảnh 3D này mà thôi.
Thăng trầm một lịch sử
Có thể nói, 3DS là một dòng máy có lịch sử khá thăng trầm của Nintendo, khi mà trong vòng 2 năm phát hành đã có đến 3 phiên bản khác nhau được tung ra.
Nếu chiếc 3DS đời đầu có thiết kế “vuông thành sắc cạnh” với nước sơn bóng bẩy sang trọng, thì nó lại vướng vào một khuyết điểm “khó chấp nhận”: màn hình nhỏ. Hơn nữa, việc mở hiệu ứng 3D sẽ “ngốn” pin nhanh gấp đôi bình thường. Nintendo vẫn chứng tỏ mình “luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu” khi nhanh chóng tung ra phiên bản nâng cấp: Nintendo 3DS XL.
Nintendo 3DS và Nintendo 3DS XL cùng "đọ dáng" (Ảnh: Nintendo)
3DS XL sở hữu kích thước màn hình lớn hơn 40% so với 3DS đời đầu, cho phép game thủ có thể trải nghiệm cảm giác 3D tuyệt vời hơn và thoải mái hơn. Với thiết kế to hơn, dày hơn và nặng hơn, đại đa số người chơi đều cảm thấy hài lòng với phiên bản nâng cấp này do cầm rất “đằm” tay. Hệ quả là ở thời điểm 3DS XL ra mắt, hàng loạt người dùng ở Việt Nam đã “bán tống bán tháo” những chiếc 3DS đời đầu để “lên đời” 3DS XL. Ngoài những nâng cấp “sáng giá” như pin “trâu” hơn, loa tốt hơn, nút bấm thoải mái hơn, điều duy nhất “thụt lùi” của 3DS XL là hệ máy này có thiết kế bo tròn khá "trẻ con" cộng với màu sơn nhám chứ không được sang trọng tinh tế như "người anh" của mình.
Nintendo 2DS không có khả năng hiển thị 3D (Ảnh: Nintendo)
Vào tháng 10.2013, Nintendo đã có một động thái “kỳ quặc” khi tung ra… Nintendo 2DS. Đúng như tên gọi, 2DS có tính năng y chang như 3DS, ngoại trừ việc… không thể hiển thị hình ảnh 3D. Có vẻ như Nintendo cũng nắm bắt kịp tư tưởng là có một phần không nhỏ người chơi mua 3DS vì yêu thích các tựa game “độc quyền” trên đây chứ hoàn toàn không phải vì công nghệ 3D không cần kính. Do đó, Nintendo đã “đặc chế” một phiên bản dành riêng cho các đối tượng này, với một cái giá khá rẻ (130 đô la so với 200 đô la của 3DS XL).
"Chiếu rìu" 2DS (Ảnh: RiceDigital)
Điều duy nhất khó chấp nhận của 2DS chính là thiết kế hết sức “kỳ cục”, bỏ đi truyền thống nắp gập của dòng DS, lại còn có độ dày “đầu to đít teo”, đến nỗi trên mạng còn chế ảnh vui khi gắn cho 2DS một cái cán để trở thành… cây rìu, thậm chí có fan còn “rảnh rỗi sinh nông nỗi” thiết kế một chiếc máy tưởng tượng cho tương lai “cải lùi” của Nintendo: Nintendo… 1DS.
Máy game "chế" Nintendo 1DS (Ảnh: Kotaku)
Lời kết
Nói gì thì nói, dù chưa được thỏa mãn với mục đích ban đầu, Nintendo 3DS đã mang lại cho Nintendo vô số lợi nhuận, từ doanh thu khủng, cộng đồng fan đông đảo (thậm chí bao gồm cả cựu fan của Sony, do nhiều tựa game độc quyền của Sony rơi vào tay Nintendo) và một danh sách dài những đối tác muốn phát hành game cho hệ máy này. Tuy nhiên, cho dù rất sáng tạo, nhưng có lẽ Nintendo đang "ngủ quên trên chiến thắng" khi liên tục "cải lùi" sản phẩm của mình. Wii và "người kế nhiệm" Wii U cũng lâm vào tình trạng tương tự.
Bình luận (0)